Nâng cao giá trị gạo xuất khẩu

(23/12/2009)

Dự kiến cả năm nay sẽ xuất khẩu hơn 6 triệu tấn gạo các loại, tăng gần 30% về sản lượng so với năm trước, nhưng giá trị xuất khẩu không tăng hơn bao nhiêu.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) chất lượng gạo của Việt Nam không thua kém so với các nước xuất khẩu gạo trên thế giới, nhưng giá thấp hơn là do việc điều tiết, tiếp cận thị trường còn nhiều hạn chế; hệ thống phân phối yếu kém, phải qua nhiều tầng nấc. Hầu hết các đợt mở thầu giá bỏ thầu mỗi tấn gạo của nước ta thường thấp hơn các nước khác hàng chục USD. Gần đây nhất, giá trúng thầu xuất 600 nghìn tấn gạo sang Phi-li-pin, mở thầu ngày 15-12, bình quân 665 USD/tấn, trong khi các doanh nghiệp của Thái-lan, Ðức, Pháp, Hàn Quốc cùng tham gia bỏ thầu, nhưng đều chào giá hơn 700 USD/tấn. Giá xuất khẩu thấp, giá thu mua cũng không cao, nên nông dân là người trực tiếp làm ra hạt gạo lời lãi chẳng bao nhiêu. Hiện người trồng lúa phải làm hơn 50% khối lượng công việc, nhưng chỉ hưởng có 33% giá trị tăng thêm từ lúa gạo. Trong khi những đối tượng kinh doanh lúa gạo chỉ làm có 10% khối lượng công việc, nhưng lại hưởng 67% giá trị tăng thêm. Vì vậy gạo xuất nhiều mà nhà nông vẫn chẳng mấy vui. Hơn nữa chỉ 25% nông dân tiếp cận được thông tin thị trường nên không chủ động được trong sản xuất, và sản phẩm làm ra người dân vẫn bán ở dạng thô, sau đó thông qua các khâu trung gian để "đánh bóng sản phẩm" trước khi xuất làm tăng chi phí, giảm cạnh tranh của hạt gạo Việt Nam ở thị trường quốc tế.

Theo dự báo thị trường gạo năm 2010 sẽ sôi động hơn 2009 và giá cũng tăng cao hơn, bởi lẽ các nước xuất khẩu chủ lực mặt hàng này là Thái-lan, Ấn Ðộ, Pa-ki-xtan đều bị sụt giảm về sản lượng, trong đó dự báo là Thái-lan sẽ bị giảm đến 30%. Ðây sẽ là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt thời cơ đàm phán hợp đồng nâng giá cho hạt gạo xuất khẩu.

Ðể nâng giá trị cho hạt gạo xuất khẩu cần phải nâng cao "chuỗi giá trị" của hạt gạo từ sản xuất đến phân phối, tiêu thụ. Trong đó tập trung giải quyết từ khâu gieo trồng bảo đảm an toàn, đến thu hoạch, bảo quản và chế biến để giảm tổn thất và tăng chất lượng sản phẩm. Trong tiêu thụ, chú ý đầu ra của hạt gạo bằng việc "mua tận ruộng, bán tận nhà máy" nhằm giảm chi phí trung gian, rút ngắn khoảng cách lưu thông của hạt gạo từ cánh đồng đến nhà kho, góp phần khuyến khích nông dân đẩy mạnh sản xuất, giải tỏa nỗi lo kho chứa khi trúng mùa. Về lâu dài các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng này cần đầu tư cho công tác xúc tiến thương mại, bằng việc khảo sát, lựa chọn thị trường, nắm bắt thị hiếu người tiêu dùng ở từng khu vực để đặt hàng nông dân sản xuất loại gạo thị trường cần, với giá bán phù hợp, không để bị ép giá và cạnh tranh phá giá; kịp thời dự báo sản lượng, dự báo các chủng loại gạo xuất khẩu để nông dân không bị lúng túng và có thể chọn giống sản xuất phù hợp. Thay đổi dần phương thức thu mua và chế biến gạo theo kiểu bị động, khó kiểm soát, sang xây dựng các vùng nguyên liệu bền vững, bảo đảm hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và nông dân.

                        Báo nhân dân



Các tin đã đưa ngày: