Giữ giá cà-phê

(07/12/2009)

Năng suất, chất lượng và sản lượng niên vụ cà-phê năm nay giảm một phần do ảnh hưởng của thời tiết không thuận lợi, mưa, nắng thất thường. Nhất là hai cơn bão số 9 và số 11 đã làm rụng quả, thậm chí đổ ngã, gãy cành hàng trăm ha cà-phê đang trong thời kỳ kinh doanh cho thu hoạch. Mặt khác, diện tích cà-phê già cỗi tăng cao, đã hết chu kỳ kinh doanh làm giảm năng suất. Bên cạnh đó, các nông hộ trồng cà-phê lại thiếu vốn đầu tư, trình độ thâm canh hạn chế nên chăm sóc cây cà-phê kém hơn các vụ trước. Sản lượng cà-phê đã giảm, lại cộng thêm khó khăn về giá đang có chiều hướng ngày càng xuống thấp.
Hiện giá cà-phê xuất khẩu bình quân chỉ 1.350 - 1.360 USD/tấn. Giá thị trường trong nước cũng giảm chỉ còn hơn 24.000 đồng/kg. Trong khi đó giá vật tư phân bón, xăng dầu, giá nhân công thu hái cà-phê tăng cao, người sản xuất cà-phê không có lãi, hoặc có lãi không đáng kể. Các doanh nghiệp xuất khẩu cà-phê thì không dự đoán được sự lên xuống của thị trường, đồng thời cũng không đánh giá được sản lượng và tình hình thực tế cung, cầu trên thế giới để có biện pháp điều chỉnh giá phù hợp.

Sản lượng cà-phê xuất khẩu của nước ta hiện đứng thứ hai thế giới, nhu cầu nhập khẩu của các nước còn rất lớn, vì vậy để tránh thiệt hại cho doanh nghiệp và người trồng cà-phê cần khắc phục ngay tình trạng suy giảm giá ở một số thị trường, nâng cao hiệu quả xuất khẩu. Ngoài các giải pháp chung như kiểm soát chất lượng cà-phê xuất khẩu; tổ chức xúc tiến thương mại ở các thị trường truyền thống và khai thác mở rộng thị trường mới, các doanh nghiệp xuất khẩu cà-phê cần thống nhất hợp tác về phương thức thu mua cà-phê trong nước và xuất khẩu, vừa để tránh tình trạng tranh mua, tranh bán, vừa hạn chế rủi ro trong kinh doanh. Thay đổi phương thức bán hàng trừ lùi (kỳ hạn), sang tập trung bán hàng theo phương thức giao ngay. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nên hạn chế bán ra, có nghĩa là nhu cầu mua đến đâu thì bán đến đó chứ không bán ồ ạt, nhất là việc bán hàng quá nhiều lúc đầu vụ dễ dẫn đến bị ép giá và khó khăn trong việc chế biến, vận chuyển. Nhà nước hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp thu mua để dự trữ cà-phê và hỗ trợ trực tiếp cho nông dân với thế chấp hiện vật là cà-phê.

Nắm chắc thông tin thị trường, tình hình thực tế cung, cầu trên thế giới và trong nước, cũng như đánh giá sản lượng, chất lượng cà-phê qua mỗi niên vụ để có thể xây dựng kế hoạch phát triển cà-phê dài hạn, ổn định, từ đó có những "đối sách" hợp lý trong việc tiêu thụ, khẳng định thương hiệu cà-phê Việt Nam ở thị trường trong nước và quốc tế.
 
 
 
                          Báo Nhân dân


Các tin đã đưa ngày: