Mang "Xuân yêu thương" tới học sinh nghèo vùng sâu, vùng xa

(15/02/2024)

Học kỳ I năm học 2023 - 2024 đã kết thúc, hàng triệu học sinh nghèo vùng sâu, vùng xa trên mọi miền đất nước đón Tết Giáp Thìn, với ngập tràn niềm vui và ấm no. Trước đó, bằng tình cảm, trách nhiệm của mình các cán bộ, công chức ngành Dự trữ Nhà nước đã xuất cấp, trao tận tay các em những phần gạo hỗ trợ từ nguồn dự trữ quốc gia.

 

Chính sách hỗ trợ gạo đã động viên khuyến khích học sinh đến trường.

 

Khuyến khích học sinh đến trường

Những ngày giáp Tết cổ truyền của dân tộc, năm nào cũng vậy, nhiều đoàn công tác của ngành Dự trữ Nhà nước (DTNN) lại hối hả lên đường đến các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn trên khắp mọi miền đất nước để phân bổ gạo của Chính phủ cho người nghèo, cho học sinh vùng sâu, vùng xa. Vào những ngày của tháng cuối năm 2023, chúng tôi có dịp theo đoàn công tác của Tổng cục DTNN đến thăm, kiểm tra, giám sát thực tế công tác xuất cấp gạo dự trữ quốc gia (DTQG) cho học sinh trên địa bàn xã Cán Tỷ, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang.

Trường Phổ thông dân tộc bán trú trung học cơ sở (THCS) Cán Tỷ, huyện Quản Bạ là điểm trường đầu tiên chúng tôi đến. Đường đến xã Cán Tỷ ngoằn ngoèo với những khúc cua tay áo, dốc đứng. Những chiếc xe chở gạo nặng nề, ì ạch bò lên đỉnh dốc cao vút.

Ngay sau khi xe vận chuyển gạo của Cục DTNN khu vực Vĩnh Phú đến điểm tập kết, đơn vị vận chuyển nhanh chóng bốc dỡ 9.120 kg gạo phân bổ cho trường. Các thầy, cô giáo cũng phụ giúp bê từng bao gạo xuống xe, lần lượt được chuyển vào kho chứa gạo của nhà trường.

Chia sẻ với chúng tôi, cô Hiệu trưởng Đỗ Thị Châm cho biết, trong năm học 2023 - 2024, nhà trường có 147 học sinh được hưởng chế độ hỗ trợ gạo theo Nghị định 116/2016/NĐ-CP. Việc hỗ trợ gạo và tiền sinh hoạt hàng tháng của Chính phủ rất thiết thực, tạo thêm động lực để các em học sinh đến trường, yên tâm học tập. Qua đó, giúp các thầy, cô giáo vơi bớt nỗi lo về việc duy trì sĩ số của các lớp học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ở vùng khó khăn.

Cô giáo Đỗ Thị Châm cho biết thêm, với số gạo được hỗ trợ, nhà trường đã sử dụng để tổ chức nấu ăn tập trung cho các em học sinh. Nhà trường thực hiện nghiêm túc việc quản lý và sử dụng gạo đúng đối tượng, bàn giao cho thủ kho quản lý, bảo quản và theo dõi xuất gạo nấu ăn hàng ngày cho học sinh.

Còn theo ông Phạm Ngọc Pha - Phó Chủ tịch UBND huyện Quản Bạ, xã Cán Tỷ có diện tích tự nhiên trên 4.000 ha, địa hình phức tạp với những dãy núi đá cao và chia cắt. Xã có tuyến đường quốc lộ 4C chạy qua. Toàn xã có 8 thôn, 1.129 hộ, các em học sinh nơi đây chủ yếu là con của đồng bào dân tộc thiểu số H’Mông, Dao…

Để giữ vững an ninh quốc phòng, trật tự xã hội, phát triển kinh tế - xã hội, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách ưu tiên để hỗ trợ đồng bào dân tộc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, phát triển sản xuất, chăm lo giáo dục cho con em đồng bào dân tộc thiểu số… Trong đó, chính sách hỗ trợ gạo dự trữ cho học sinh mang lại hiệu quả thiết thực, động viên khuyến khích học sinh đến trường", ông Pha chia sẻ.

Xuất cấp, hỗ trợ kịp thời

Qua kiểm tra thực tế, Đoàn công tác của Tổng cục DTNN ghi nhận, đánh giá cao sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền huyện Quản Bạ và các huyện khác trong việc chỉ đạo thực hiện xuất cấp gạo đảm bảo đúng, đủ chế độ tới từng đối tượng được thụ hưởng. Công tác tiếp nhận, bảo quản gạo được các trường thực hiện chu đáo, đúng yêu cầu. Chất lượng gạo khi sử dụng cho các em học sinh luôn được đảm bảo tiêu chuẩn.

Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Xuân Bách - Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN cho biết, để góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả, chất lượng giáo dục ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi nơi có điều kiện kinh tế khó khăn, Tổng cục DTNN xác định việc triển khai xuất cấp gạo hỗ trợ học sinh cho các địa phương đầy đủ, kịp thời, đảm bảo số lượng, chất lượng là một trong những nhiệm vụ quan trọng của đơn vị. "Đây là công việc thường xuyên nên chúng tôi đã có kế hoạch chuẩn bị rất chu đáo" - ông Vũ Xuân Bách chia sẻ.

Theo đó, ngay khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ, các Cục DTNN khu vực đã nhanh chóng triển khai theo kế hoạch, phối hợp với các sở, ngành của các tỉnh, thành phố để có phương án phân bổ, giao, nhận gạo hỗ trợ theo quy định. Khi triển khai xuất cấp gạo các Cục DTNN tiến hành lấy mẫu, kiểm tra chất lượng gạo trước khi xuất kho; chuẩn bị tốt điều kiện lao động, kho tàng, phương tiện vận chuyển để đảm bảo kế hoạch xuất hỗ trợ thực hiện đúng thời gian, tiến độ.

Nhờ đó, năm 2023, Tổng cục DTNN đã hoàn thành xuất cấp, vận chuyển, bàn giao gần 67.368 tấn gạo DTQG hỗ trợ học sinh năm học 2023 - 2024.

Trên quãng đường từ Quản Bạ trở về, lại đi qua những cung đường gian nan, hiểm trở, hình ảnh những nụ cười sáng bừng trên gương mặt thơ ngây của các em học sinh khi đón nhận gạo khiến tôi có rất nhiều cảm xúc. Có đi mới hiểu được sự cần mẫn, miệt mài vượt qua khó khăn của những cán bộ ngành DTNN trong việc "nâng bước" cho những trẻ em nghèo vùng cao đến trường.

 

 

Đức Minh - Thời báo Tài chính Việt Nam