Cuối cùng sẽ luôn là chiến thắng

(29/09/2020)

Tiết lộ về sự vô cùng xao lãng và thiếu sẵn sàng của nhiều quốc gia cho các thảm họa của thế giới như đại dịch Covid-19, Ủy ban Giám sát sự sẵn sàng toàn cầu, cơ quan độc lập do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Ngân hàng Thế giới thành lập vừa đưa ra nhận định: “đại dịch này đang cho một bài kiểm tra khắc nghiệt về sự chuẩn bị sẵn sàng của thế giới".

 

Ảnh minh họa

 

Bản báo cáo gay gắt nhận định: "việc không rút ra được bài học từ Covid-19 hay không hành động bằng các cam kết và nguồn lực cần thiết sẽ đồng nghĩa đại dịch tiếp theo mà chắc chắn sẽ diễn ra gây thiệt hại thậm chí nhiều hơn".  Thực tế trong hơn 8 tháng qua, đại dịch Covid-19 đã khoét sâu vào những lỗ hổng trong hệ thống y tế của các nước trên toàn thế giới và để lại bài học đau đớn rằng ngay cả ở những cường quốc, cũng tỏ ra thiếu tầm nhìn và quá chủ quan, bị động, để đến khi “sự đã rồi” thì nền kinh tế đã bị thổi bay cả hàng nghìn tỷ USD.

Việt Nam đang nằm ngoài nhóm 150 quốc gia/vùng lãnh thổ có số ca nhiễm cao nhất toàn cầu và nổi lên là một điểm sáng về khả năng chống chọi và thích nghi với đại dịch Covid-19. Chia sẻ về kinh nghiệm của Việt Nam, tại  hội nghị trực tuyến vừa diễn ra giữa Bộ trưởng Tài chính và Y tế thường niên do Ngân hàng Phát triển châu Á phối hợp với WHO và Bộ Tài chính Nhật Bản đồng tổ chức, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng dẫn câu nói từ dân gian Việt Nam "phòng bệnh hơn chữa bệnh".

Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, Việt Nam luôn có ý thức về trình độ phát triển kinh tế của mình còn thấp, vì vậy, trong nhận thức và hành động, thực sự coi y tế dự phòng là gốc, là căn bản. Hàng năm đều ưu tiên bố trí ngân sách cho y tế, bảo đảm tốc độ tăng chi cho y tế cao hơn tốc độ tăng chi bình quân chung của ngân sách nhà nước; trong đó, dành ít nhất 30% ngân sách y tế cho y tế dự phòng.

Việt Nam chủ động dự phòng mặt hàng vật tư, trang thiết bị y tế thiết yếu để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch. Đồng thời, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực tại chỗ. Ngay từ khi thế giới xuất hiện ca bệnh Covid-19 đầu tiên, Chính phủ đã chỉ đạo các cấp, các ngành xây dựng kế hoạch; chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất cho việc dự phòng, cách ly, điều trị; bảo đảm đủ kinh phí, nhân lực cho phòng, chống dịch.

Phiên họp thứ 48 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây cũng đã xem xét và quyết định bổ sung nhóm hàng vật tư, thiết bị y tế vào Danh mục hàng dự trữ quốc gia để đáp ứng nhu cầu về vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch bệnh cũng như đáp ứng yêu cầu trong các tình huống khẩn cấp về y tế.

Không chỉ luôn sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh mà với thiên tai, Việt Nam cũng luôn một tinh thần chủ động. Các kế hoạch hàng dự trữ quốc gia tại Tổng cục Dự trữ Nhà nước thường được hoàn thành từ rất sớm và chưa từng để xảy ra sai sót lớn nào trong thực hiện nhiệm vụ xuất cấp các mặt hàng dự trữ quốc gia theo quyết định của cấp thẩm quyền nhằm kịp thời ứng phó với dịch bệnh và sự cố thiên tai xảy ra.

Nhắc đến đại dịch Covid-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thấy: “như bao biến cố lớn lịch sử, cuối cùng loài người cũng sẽ chiến thắng mặc dù có thể có nhiều tổn thất và mất mát, thậm chí có những người đã không thể vượt qua”. Người đứng đầu Chính phủ cũng dẫn ra câu nói của nhà khoa học được mệnh danh là Cha đẻ thuyết tiến hóa, Darwin để nhấn mạnh về nội lực mạnh mẽ của Việt Nam rằng: “không phải loài mạnh nhất hay thông minh nhất mà loài có khả năng thích nghi tốt nhất sẽ sống sót".

 

Đoàn Trần - Thời báo Tài chính Việt Nam



Các tin đã đưa ngày: