Việt Nam thăng 4 hạng về phát triển tài chính

(13/10/2009)

function ShowImageByPath(imgpath,text) { var img = document.
Do tác động tiêu cực của khủng hoảng, ngành ngân hàng của Mỹ đã không còn là nhất khi nước này trượt từ vị trí thứ nhất xuống vị trí thứ ba trong bảng xếp hạng năm nay, sau Anh và Australia.

Xếp hạng về phát triển tài chính của WEF dựa trên khoảng 120 tiêu chí, từ mức độ ổn định tới quy mô của các thị trường vốn. Hầu hết trong số 55 quốc gia được xếp hạng đã chứng kiến điểm số của mình giảm mạnh, nhưng các nền kinh tế mới nổi lên được WEF nhìn nhận là vượt bão tài chính tốt hơn.

Trong bảng xếp hạng này, các nước phát triển vẫn là nhóm nước dẫn đầu. Tuy nhiên, trong 12 tháng qua, ngành tài chính của các nước này đã kém đi nhiều, dẫn tới sự thu hẹp khoảng cách về điểm số với các nước đang nổi lên. Điểm số tối đa mà mỗi nước có thể nhận được trong xếp hạng chung là 7 điểm.

Với điểm số 3,00, Việt Nam được xếp ở vị trí thứ 45 trong xếp hạng chung, dưới Thổ Nhĩ Kỳ (3,03 điểm) và trên Columbia (2,94 điểm). So với năm ngoái, điểm số của Việt Nam đã giảm 0,03 điểm, nhưng do các nước khác có điểm số giảm mạnh hơn, Việt Nam vẫn lên hạng từ vị trí thứ 49 của năm ngoái.

So với các nước trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đứng sau Singapore (vị trí số 4), Malaysia (vị trí thứ 22), và Thái Lan (vị trí 35). Hai nước trong khu vực đứng sau Việt Nam trong xếp hạng này là Indonesia (vị trí 48) và Philippines (vị trí 50).

Với tổng điểm số giảm mạnh, Đức và Pháp năm nay đã không còn nằm trong top 10 nền kinh tế có hệ thống tài chính phát triển nhất.

Xét về mức độ ổn định tài chính, Việt Nam xếp ở vị trí thứ 49.

Na Uy, Thụy Sỹ, Hồng Kông và Chile là những nền kinh tế đứng đầu về phương diện ổn định tài chính, trong khi “đội sổ” là các nước Argentina, Kazakhstan và Ukraine.

Ở hạng mục đánh giá này, các ngân hàng Mỹ và Anh tụt xuống vị trí thứ 37 và 38, thua xa những nền kinh tế mới nổi như Mexico và Brazil (lần lượt ở các vị trí 14 và 15), và chỉ hơn Venezuela (vị trí 42) có vài bậc.

“Năm nay, ngành tài chính của thế giới phát triển đã yếu đi tới mức các nước này không còn giữ được lợi thế nổi trội so với các nền kinh tế mới nổi nữa”, ông Kevin Steinberg, Giám đốc điều hành của WEF nói. Ông Steinberg cũng nhấn mạnh rằng, những bằng chứng về sự ổn định của các thị trường tài chính phát triển là điều kiện tiên quyết cho tăng trưởng kinh tế.

Bất ổn tài chính gia tăng là vấn đề chính đối với các nước phát triển trong năm qua, khi mà khả năng tiếp cận các thị trường vốn và các dịch vụ ngân hàng bị thu hẹp vẫn còn là một thách thức chưa được giải quyết đối với các nền kinh tế này.

“Trên thực tế, có một sự đánh đổi. Những nước với hệ thống tài chính được kiểm soát chặt hơn thì độ ổn định sẽ cao hơn, nhưng khả năng tiếp cận với vốn tín dụng sẽ yếu hơn nhiều”, nhà kinh tế học Nouriel Roubini, một đồng tác giả của báo cáo, nhận xét khi trao đổi với hãng tin Reuters.

Chuyên gia này cho rằng, mặc dù sự ổn định tài chính là điều quan trọng, những sáng kiến tài chính là chìa khóa để đem tới những nguồn vốn đối với nền kinh tế và đảm bảo tăng trưởng.

Đáng chú ý, trong xếp hạng năm nay, Australia đã thăng hạng từ vị trí thứ 11 lên vị trí thứ 2 trong xếp hạng chung, nhờ sự hoạt động hiệu quả và ổn định của hệ thống nhà băng, cũng như rủi ro khủng hoảng nợ nước ngoài ở mức thấp.

Cùng với Brazil, Australia là một trong số ít những quốc gia đạt được sự cải thiện khiêm tốn trong chỉ số phát triển tài chính nói chung trong năm qua, bất chấp ảnh hưởng của khủng hoảng.

Nằm cuối cùng trong danh sách xếp hạng của WEF năm nay là các nước Ukraine, Bangladesh và Venezuela.
 
 
                                   VnEconomy


Các tin đã đưa ngày: