Miền Trung nguy cơ bị dìm trong lũ lịch sử

(30/09/2009)

Trung tâm dự bão khí tượng thủy văn trung ương cho biết, lượng mưa hai ngày qua tại các tỉnh Quảng Trị, Bình Định, Gia Lai và Kon Tum dao động 100-200 mm. Riêng vùng tâm bão từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi tới 300-500 mm, có nơi như Nam Đông (Thừa Thiên Huế) tới 700 mm, Trà Bồng (Quảng Ngãi) 670 mm.

 

Lũ sông Hàn trên báo động 2 và còn tiếp tục lên. Ảnh: Nguyễn Quảng Bình.

 

Mưa lớn khiến lũ Trung Trung Bộ và một phần Tây Nguyên đang ở mức rất cao. Lũ các sông của Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng đều vượt báo động 3, mức nguy hiểm nhất, từ 0,4 đến 1,5 m. Đặc biệt, tại Quảng Ngãi, nơi tâm bão đi qua, lũ sông Trà Bồng lên tới 5,8 m, trên báo động 3 là 1,75 m, vượt cả đỉnh lũ lịch sử năm 1964.

Tại Tây Nguyên, lũ sông Pôkô lên 588 m, vượt báo động 3 gần 5 m và vượt đỉnh lũ lịch sử năm 2006 tới 1,4 m. Lũ sông Đakbla 596 m, bằng đỉnh lũ lịch sử năm 1996.

Sông Đăk Bla (thành phố Kon Tum) nước dâng rất cao. Ảnh: Khu Ma Tri.

 

Dù bão tan, nhưng hoàn lưu bão còn tiếp tục gây mưa to nên khả năng lũ các sông miền Trung và Tây Nguyên còn tiếp tục lên nhanh. Dự báo, đêm nay và sáng mai, lũ các sông từ Thiên Thiên Huế đến Quảng Ngãi sẽ vượt mức báo động nguy hiểm nhất từ 1 đến 3 m, các sông ở Gia Lai, Kon Tum trên báo động 3 tới 3-6 m, thuộc lũ đặc biệt lớn.

Như vậy, những ngày tới người dân miền Trung phải đối mặt với ngập lụt, nhiều khu vực bị chia cắt. Theo kinh nghiệm của những người làm công tác phòng chống lụt bão, thiệt hại do lũ thường lớn gấp nhiều lần so với bão. Lũ thường kéo dài, một số khu vực miền núi rất dễ xảy ra sạt trượt, lũ quét, vùi lấp nhiều nhà dân.

Chiều 29/9, Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương tiếp tục có thêm một công điện khẩn gửi 12 tỉnh thành miền Trung từ Thanh Hóa đến Phú Yên và 5 tỉnh Tây Nguyên yêu cầu triển khai ngay các biện pháp ứng phó với lũ lớn.

Các tỉnh cần tiếp tục sơ tán dân sống ở vùng trũng, ven sông suối, vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét. Tại những nơi bị ngập sâu, địa phương cần bố trí người kiểm soát giao thông, cắm biển báo tại nơi nước sâu, nước chảy xiết để hướng dẫn người dân, phương tiện qua lại; ngừng mọi hoạt động của các bến đò và nghiêm cấm việc vớt củi khi có lũ.

Trước đó, đối phó với bão số 9, các tỉnh miền Trung đã sơ tán gần 170.000 dân ra khỏi vùng nguy hiểm.

 

                          VnExpress



Các tin đã đưa ngày: