G-20 với bài toán khôi phục kinh tế thế giới

(25/09/2009)

Hội nghị Pittsburgh có thể coi là Hội nghị cấp cao G-20 mở rộng, với sự tham dự của các nhà lãnh đạo 20 thành viên, gồm: Mỹ, Anh, Pháp, Ðức, Italy, Nga, Canada, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Ðộ, Argentina, Brazil, Mexico, Australia, Indonesia, A-rập Xê-út, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ và Liên hiệp châu Âu (EU), cùng đại diện cấp cao các tổ chức tài chính quốc tế, như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB).
Hội nghị Pittsburgh có thể coi là Hội nghị cấp cao G-20 mở rộng, với sự tham dự của các nhà lãnh đạo 20 thành viên, gồm: Mỹ, Anh, Pháp, Ðức, Italy, Nga, Canada, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Ðộ, Argentina, Brazil, Mexico, Australia, Indonesia, A-rập Xê-út, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ và Liên hiệp châu Âu (EU), cùng đại diện cấp cao các tổ chức tài chính quốc tế, như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB)... Singapore được mời tham dự Hội nghị, đại diện cho APEC; và Thái-lan đại diện ASEAN. Việc Thái-lan và Singapore tham gia nhằm giúp G-20 thảo luận thực chất hơn các vấn đề liên quan các nước đang phát triển, như tiến trình cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, tăng cường vai trò của các nước đang phát triển tại IMF và WB...

Trước Hội nghị tại Pittsburgh, hàng loạt hội nghị, hội thảo chuyên đề trong khuôn khổ G-20 đã được tổ chức nhằm thống nhất các nội dung thảo luận tại hội nghị cấp cao lần này, như Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương G-20 đầu tháng 9 tại Luân Ðôn, cuộc họp Thống đốc Ngân hàng trung ương 27 nước lớn; cuộc gặp không chính thức lãnh đạo Nhà nước và Chính phủ các nước EU trung tuần tháng 9 tại Brussels... Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương G-20 đã đặt ra cho Hội nghị Pittsburgh chương trình nghị sự đồ sộ, tập trung vào bốn vấn đề lớn. Một là, đánh giá thực trạng nền kinh tế và cân nhắc khả năng ngừng áp dụng các biện pháp hỗ trợ chống khủng hoảng. Hai là, cải tổ cơ chế điều tiết kinh tế toàn cầu, trọng tâm là xác định chức năng và nhiệm vụ mới của IMF và WB. Ba là, hoàn thiện công cụ điều tiết và kiểm soát thị trường tài chính, vấn đề tiền thưởng và hoa hồng của ngân hàng. Bốn là, thảo luận triển vọng kinh tế toàn cầu, nhất là vấn đề an ninh năng lượng và biến đổi khí hậu.

Hội nghị Pittsburgh diễn ra trong bối cảnh các nền kinh tế có nhiều dấu hiệu tích cực, mang lại hy vọng kinh tế thế giới đã qua chặng khó khăn nhất, nhưng cũng đặt ra cho G-20 nhiệm vụ bảo đảm quá trình phục hồi bền vững và tránh lặp lại cuộc khủng hoảng vừa qua. IMF cho rằng, giai đoạn suy thoái tồi tệ nhất đã qua, song nền kinh tế thế giới vẫn cần có nhiều thời gian để hồi phục. Nền kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục phục hồi dần từ cuối năm 2009 và trong năm 2010, nhất là tại châu Á, Âu và Mỹ. Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cũng nhận định, sự suy thoái ở những nền kinh tế lớn đã chạm đáy, trong đó có Mỹ, Canada, Anh, khu vực đồng euro, Nga, Ấn Ðộ và Trung Quốc. Những dấu hiệu phục hồi cũng xuất hiện ở Italy và Pháp. Về phần mình, các nền kinh tế G-20 nhất trí rằng, tình hình kinh tế thế giới hiện sáng sủa hơn nhiều, so với thời điểm nhóm này họp tại Luân Ðôn tháng 4 vừa qua, nhưng nhấn mạnh rằng còn quá sớm để tuyên bố kết thúc cuộc khủng hoảng tài chính thế giới và suy thoái kinh tế toàn cầu. EU thông qua lập trường chung cho rằng, dấu hiệu phục hồi kinh tế thế giới còn mong manh, đề nghị G-20 đưa ra định nghĩa về một nền kinh tế phát triển bền vững, kêu gọi hình thành một cơ chế quản lý kinh tế toàn cầu mới. EU kêu gọi hỗ trợ các nước nghèo 10,3 tỷ USD/ năm, bắt đầu từ năm 2010, để giúp các nước này đối phó tình trạng biến đổi khí hậu...

Tuy nhiên, nội bộ G-20 vẫn mâu thuẫn về một số vấn đề, như vai trò của Nhà nước trong việc khắc phục hậu quả của khủng hoảng toàn cầu. Ðức và Pháp đề xuất chấm dứt chương trình hỗ trợ kinh tế, vì kinh tế thế giới có nhiều dấu hiệu phục hồi, các thị trường chứng khoán bắt đầu ổn định cùng với sự phát triển bền vững ở các nước châu Á. Trong khi Nga, Anh, IMF cảnh báo các nước không nên cắt giảm quá sớm các biện pháp kích thích kinh tế, kêu gọi G-20 cải tổ cơ cấu kinh tế thế giới để loại bỏ những yếu kém mang tính hệ thống, được coi là nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Tổng thống Mỹ B. Obama nhấn mạnh, các biện pháp kích thích kinh tế đã mang lại hiệu quả, giúp bình ổn thị trường tài chính, thúc đẩy thương mại toàn cầu, tạo ra đáng kể việc làm. Nhóm BRIC gồm Brazil, Nga, Ấn Ðộ và Trung Quốc kêu gọi cải tổ các hệ thống tài chính như IMF và WB, nhằm bảo đảm ổn định và cân đối cho nền kinh tế thế giới. BRIC cam kết đóng góp thêm 80 tỷ USD, để viện trợ các nước nghèo bị thiệt hại nặng nề của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Giám đốc IMF Dominique Strauss-Kahn kêu gọi các nước giàu tăng viện trợ 55 tỷ USD năm 2010 cho các nước nghèo để vượt qua cuộc khủng hoảng này.

Hội nghị cấp cao G-20 tại Pittsburgh được kỳ vọng sẽ tìm được các biện pháp mang tính toàn cầu nhằm giải quyết các vấn đề kinh tế - tài chính thời kỳ hậu khủng hoảng. Ðể tránh tình trạng chỉ nặng về cam kết, thiếu các hành động cụ thể như ở Hội nghị Luân Ðôn, G-20 cần vượt qua bất đồng, nỗ lực và có các hành động cụ thể cho bài toán khôi phục đà tăng trưởng của kinh tế toàn cầu.
 
                                               Báo Nhân dân


Các tin đã đưa ngày: