Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai

(18/01/2011)

Trong những ngày xảy ra lũ lụt lịch sử tháng 10-2010, nhân dân Hà Tĩnh đã nhận được sự quan tâm, giúp đỡ, hỗ trợ của Trung ương Ðảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc, các bộ, ban, ngành Trung ương, lực lượng vũ trang, các cơ quan truyền thông, các địa phương, các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước. Sự giúp đỡ quý báu đó cùng với sự nỗ lực phấn đấu của Ðảng bộ và nhân dân, Hà Tĩnh đã nhanh chóng vượt qua khó khăn, ổn định đời sống, khôi phục và phát triển sản xuất. Từ thực tiễn chỉ đạo phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, chúng tôi thấy:

Một là, phải thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục làm cho mọi người, mọi nhà, mọi địa phương nhận thức sâu sắc tác hại của thiên tai, nhận diện một cách đầy đủ và những diễn biến của nó đang ngày càng gay gắt hơn, phức tạp hơn, qua đó xây dựng ý thức, tập quán chủ động phòng, chống một cách có hiệu quả, với phương châm 'Phòng tránh là chính, tự cứu mình là chính'. Ðồng thời phải chấp nhận 'Sống chung với thiên tai' một cách ổn định và lâu dài. Phải có kiến thức biết lợi dụng và né tránh thiên tai để làm nhà cửa, tổ chức sản xuất, xây dựng cuộc sống bền vững. Phải nói rằng, trong phòng tránh thiên tai, vai trò của người dân là yếu tố quyết định.

Hai là, thực hiện phương châm bốn tại chỗ; đó là: lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, hậu cần tại chỗ và vật tư tại chỗ một cách chủ động, thực chất và có hiệu quả.

Chúng tôi thấy tổn thất nặng nề, thường không nằm vào vùng bị bão lũ thường xuyên, không phải vùng cửa sông, cửa lạch mà ở những vùng có diễn biến bất ngờ. Bởi lẽ người dân ở đó đã chủ động chăm lo việc phòng tránh một cách cụ thể như dự trữ lương thực, thực phẩm, chất đốt, nước sạch; kiểm tra tu sửa thuyền bè, chằng chống nhà cửa. Nhất là, mấy năm gần đây nhiều hộ gia đình đã vay vốn, góp vốn xây nhà cao tầng, xây dựng các công trình chống lũ cho gia súc, gia cầm; các địa phương xây trường học, nhà mẫu giáo, trạm y tế cao tầng và trở thành nơi tránh lũ của cộng đồng hiệu quả (như vùng ngoài đê Ðức Thọ, Hương Sơn, Hương Khê). Vì vậy, người dân ở đây ít bị thiệt hại nhất, đồng thời có điều kiện để hỗ trợ lẫn nhau. Phương châm bốn tại chỗ phải được chuẩn bị và thực hiện tốt từ thôn, xóm, cấp ủy chính quyền cơ sở đến tỉnh.

Ba là, công tác dự báo, dự tính và chỉ huy điều hành của các cấp, các ngành là hết sức quan trọng. Chúng tôi tôn trọng các thông tin dự báo của các cấp Trung ương và khu vực, đồng thời có sự kết hợp những diễn biến trên thực tế để đưa ra các dự báo tin cậy, nhất là diễn biến của lũ trên sông và úng ngập nội đồng, vị trí đổ bộ khi bão gần bờ và nước dâng ở các cửa lạch để đưa ra các mệnh lệnh sơ tán, di dời, ứng cứu một cách kịp thời.

Trong chỉ đạo, chỉ huy điều hành: Hằng năm, tỉnh đều có kế hoạch để chủ động ứng phó với thiên tai. Khi thiên tai, bão lũ xảy ra, chúng tôi đã kịp thời huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc; phân công các đồng chí trong Thường vụ Tỉnh ủy, thủ trưởng các sở, ban, ngành cấp tỉnh trực tiếp xuống tận cơ sở kiểm tra, nắm bắt tình hình, chỉ đạo, đôn đốc, giúp đỡ, hỗ trợ và chia sẻ cùng cơ sở những khó khăn, triển khai các biện pháp phòng, chống, cứu hộ, cứu nạn nhằm giảm nhẹ hậu quả đến mức thấp nhất. Ðồng thời báo cáo xin ý kiến chỉ đạo, giúp đỡ trực tiếp của Trung ương, nhờ vậy củng cố thêm niềm tin đối với cơ sở, với nhân dân.

Bốn là, về quy hoạch và xây dựng các công trình: Nhiều năm qua, bằng sự nỗ lực của địa phương, sự giúp đỡ to lớn của Trung ương, Hà Tĩnh đã xây dựng được một hệ thống công trình, cơ sở vật chất kỹ thuật có quy mô tương đối lớn, đa dạng và khá đồng bộ về thủy lợi như hồ chứa nước ở thượng nguồn Kẻ Gỗ, Sông Rác, Sông Trí... để cấp nước đáp ứng cho các nhu cầu kinh tế - xã hội, điều tiết nước lũ về mùa mưa; củng cố các tuyến đê sông, đê biển để chống lũ và ngăn mặn, giữ ngọt. Xây dựng các trạm bơm tưới tiêu, các công trình phân lũ... đã thật sự góp phần phát triển sản xuất, nâng cao đời sống của nhân dân và hiện nay đang phát huy tốt.

Năm là, khi có thiên tai xảy ra, công tác cứu hộ, cứu nạn, cứu trợ phải đặc biệt được quan tâm. Cần huy động sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, nhất là lực lượng chuyên nghiệp, lực lượng vũ trang, thanh niên tình nguyện và nhân dân trên địa bàn; phải chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện tàu, thuyền và các yếu tố bảo đảm khác. Sau thiên tai, cần đánh giá chính xác thiệt hại, huy động nội lực với tinh thần lá lành đùm lá rách và coi trọng sự cứu trợ, giúp đỡ từ bên ngoài. Tổ chức tốt việc tiếp nhận, quản lý, phân phối nguồn cứu trợ bảo đảm kịp thời, đúng đối tượng, công khai, dân chủ. Phát huy trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể, các chi ủy, chi bộ, ban cán sự, thôn, xóm; phát hiện, chấn chỉnh những sai sót, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Nhờ những cách làm nêu trên, cho nên qua các đợt thiên tai, tuy được đón hàng nghìn lượt đoàn cứu trợ với giá trị hàng trăm tỷ đồng nhưng Hà Tĩnh vẫn tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân.

Từ thực tiễn những việc làm được và chưa làm được và những thách thức đang đặt ra của Hà Tĩnh, tôi xin đề xuất một số kiến nghị như sau:

Theo số liệu thống kê thì đến nay độ che phủ rừng của nước ta là 39%, tỷ lệ năm sau cao hơn năm trước nhưng thực tế chất lượng của rừng đã và đang bị suy giảm nặng nề, là nguyên nhân hàng đầu trực tiếp gây nên thảm họa thiên tai mà chúng ta đã và sẽ phải đối mặt. Trung ương cần có giải pháp kiên quyết và hiệu quả hơn để ngăn chặn được sự suy giảm, phát triển của đồi rừng bền vững và từng bước trả lại môi trường sinh thái kể cả rừng đầu nguồn, rừng ven biển và rừng ngập mặn. Nhiệm vụ này được thực hiện bằng các biện pháp kinh tế, kỹ thuật, công nghệ và bằng cả bộ máy tổ chức nhất là cấp cơ sở một cách đồng bộ, đủ mạnh. Về phương châm bốn tại chỗ, cần phải quan tâm đầu tư cho các đơn vị cơ sở xã, phường nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng có nguy cơ cao về phương tiện cứu hộ, cứu nạn, dự trữ các nhu cầu thiết yếu lương thực, thực phẩm, thuốc men... để phục vụ ứng cứu và khắc phục kịp thời hậu quả của thiên tai. Trung ương cần có quy định các ngành, các cấp, các địa phương khi xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cần lấy quy hoạch phòng, chống bão lũ làm một tiêu chí quan trọng để chọn phương án phù hợp, tránh chồng chéo lẫn nhau. Trước biến đổi khí hậu bất lợi cần tôn trọng các kịch bản dự báo của quốc tế và khu vực; gắn việc thực hiện Nghị quyết T.Ư 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn vào nhiệm vụ phòng, chống và giảm nhẹ thiệt hại thiên tai một cách cụ thể và toàn diện của mỗi ngành, mỗi địa phương.

Trung ương cần có sự đầu tư lớn hơn để xây dựng các kết cấu hạ tầng, đặc biệt là các công trình phòng, chống thiên tai như kiên cố hóa hồ đập, hệ thống đê sông, đê biển, đường cứu hộ, cứu nạn, một số công trình ngăn mặn, giữ ngọt để ứng phó với hiện tượng nước biển dâng và chua mặn lấn sâu vào nội địa; đồng thời tăng cường công tác dự báo, dự tính bằng cách bố trí thêm một số trạm đo thuỷ văn, khí hậu ở vùng thượng nguồn và ven biển để đo đạc tính toán, cung cấp thông tin dự báo đầy đủ và tin cậy hơn.

Nguyễn Thanh Bình
Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh
 
                 Báo Nhân dân



Các tin đã đưa ngày: