Ngày làm việc thứ tám, kỳ họp thứ sáu, QH khóa XII Thảo luận ở hội trường về tình hình kinh tế - xã hội; dự toán thu chi ngân sách Nhà nước năm 2009 và nhiệm vụ năm 2010

(29/10/2009)

Các gói kích cầu của Chính phủ bước đầu đạt hiệu quả

Các đại biểu: Huỳnh Văn Tiếp (Cần Thơ), Hoàng Văn Toàn (Vĩnh Phúc), Vi Trọng Lễ (Phú Thọ), Nguyễn Hữu Ðồng (Nam Ðịnh), Lò Văn Muôn (Ðiện Biên), Trịnh Thị Nga (Phú Yên)... nhất trí với Báo cáo của Chính phủ và các Báo cáo thẩm tra của các Ủy ban của QH về kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng năm 2009 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2010. Nhiều ý kiến cho rằng, công tác dự báo có nhiều tiến bộ; đã kịp thời phân tích, đánh giá tác động của cuộc khủng hoảng và suy thoái kinh tế thế giới sẽ tác động đến nền kinh tế Việt Nam, nên đã có những chính sách thích ứng để ngăn ngừa suy giảm kinh tế đất nước. Thực hiện quyết định của Bộ Chính trị, các nghị quyết của Ðảng, Nghị quyết của QH, Chính phủ có những giải pháp cấp bách ngăn chặn suy giảm, duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Ðó là các chính sách thích ứng, phù hợp như trợ giúp người nghèo ăn Tết, hạ lãi suất, hỗ trợ lãi suất 4%/năm, kích cầu đầu tư tiêu dùng, miễn giảm xuất khẩu, giãn thuế cho doanh nghiệp... Các đại biểu đề nghị, trong đầu tư xây dựng cơ bản, cần quan tâm hơn đến công tác quy hoạch, kế hoạch và phát triển kinh tế vùng, đặc biệt là quan tâm đến kinh tế vùng núi, biển, đảo, vùng bị thiên tai, lũ lụt và đồng bào dân tộc thiểu số. Cần rà soát lại để các chương trình đầu tư phải tập trung vào các vùng trọng điểm, đặc biệt là phân bổ ngân sách cho đầu tư xây dựng cơ bản, xây dựng hạ tầng cũng phải tính đến những vùng khó khăn, vùng thiên tai lũ lụt thường xuyên. Ðại biểu Bùi Thị Hòa (Ðác Nông), đề nghị Chính phủ chỉ đạo công tác quy hoạch, kế hoạch quản lý sử dụng đất đai, quản lý bảo vệ rừng. Tăng cường chỉ đạo công tác quản lý của Nhà nước về điều phối tổ chức lao động dân cư, rà soát lại hệ thống chính sách, pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng, tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình chuyển đổi mô hình quản lý nông, lâm nghiệp để phát huy hiệu quả trong công tác quản lý bảo vệ rừng, tăng cường hơn nữa thẩm quyền cho lực lượng kiểm lâm.  Ðại biểu Dương Trung Quốc (Ðồng Nai) cho rằng, trong khủng hoảng kinh tế vừa qua, nhiều quốc gia có mức phát triển GDP chậm, thậm chí âm, trong khi nước ta mức tăng trưởng GDP tuy thấp nhất trong 10 năm qua, nhưng cũng là dương gấp nhiều lần các nước khác. Ðó là sự thật đáng ghi nhận, nhưng chưa thể yên lòng bởi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Theo đại biểu Nguyễn Ðức Kiên (Sóc Trăng) cần đặt vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế năm 2010 vào kế hoạch dài hạn, trước mắt kế hoạch năm 2010 phải có những bước đi ban đầu thực hiện tái cơ cấu hay đổi mới, điều chỉnh cơ cấu. Bộ trưởng Kế hoạch và Ðầu tư Võ Hồng Phúc đồng tình với ý kiến của các đại biểu đã đánh giá chung gói kích cầu của Chính phủ bước đầu đạt hiệu quả. Bộ trưởng cho rằng, cần nhìn nhận một cách tổng thể gói kích cầu.Tổng số gói kích cầu thực hiện là 145,6 nghìn tỷ đồng (gần 8 tỷ USD). Ðây là một gói kích cầu lớn, đã phát huy tác dụng. Ðầu tư này mang lại hiệu quả, đó là giải quyết nhu cầu trước mắt của vấn đề phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt cơ sở hạ tầng về giao thông, về thủy lợi..., giải quyết việc làm cho một loạt công nhân ở trong tất cả lĩnh vực xây dựng và các hoạt động về công nghiệp xây dựng. Gói kích cầu về miễn, giảm thuế trị giá 28.000 tỷ đồng, hỗ trợ doanh nghiệp rất nhiều trong tình hình sản xuất khó khăn hiện nay. Gói kích cầu về giải quyết bảo đảm an sinh xã hội gần 9,8 nghìn tỷ đồng giải quyết được nhiều vấn đề đời sống bà con ở vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Bộ trưởng kiến nghị Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước ban hành nghị định về gói chính sách tín dụng cụ thể và ưu đãi cho đối tượng nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Chính sách này không phải chỉ làm trong một năm, hai năm mà cần có hỗ trợ lâu dài.

 
Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường
 
Phát triển thị trường trong nước và hàng xuất khẩu

Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng phát biểu ý kiến, cho biết, về thị trường trong nước trong thời gian vừa qua dưới sự chỉ đạo của Chính phủ và cũng thực hiện các nghị quyết của T.Ư Ðảng, yêu cầu giám sát của QH, các bộ, ngành, địa phương được Chính phủ giao trách nhiệm nghiên cứu, đề xuất và báo cáo để đẩy mạnh thị trường trong nước. Ðó là một quyết sách hết sức đúng đắn. Với dân số 85,7 triệu người, nước ta là một thị trường hết sức lớn và việc quan tâm thị trường trong nước cũng có nghĩa là thúc đẩy sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, quan tâm quyền, lợi ích của người tiêu dùng. Chính phủ đã dành 51 tỷ đồng phục vụ cho chương trình xúc tiến thương mại trong nước, để xây dựng và hoàn thiện các cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển thị trường trong nước. Cần tiến hành các hoạt động tuyên truyền, khuyến khích hoạt động xúc tiến thương mại trong nước. Bộ trưởng cũng cho biết, nhiều địa phương rất quan tâm đến vấn đề thị trường trong nước, đặc biệt những thành phố lớn và một số địa bàn tập trung khu công nghiệp, rất nhiều dự án khu công nghiệp, một số địa bàn vùng sâu, vùng xa. Về phong trào vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, Bộ trưởng cho rằng, đây là một quyết sách hết sức đúng đắn và được sự đồng tình của nhân dân, của xã hội và MTTQ Việt Nam được giao làm đầu mối để thực hiện cuộc vận động này. Về khả năng xuất khẩu năm 2010, theo Bộ trưởng, năm 2009 mặc dù không đạt được chỉ tiêu, nhưng phần lớn các mặt hàng xuất khẩu đều tăng về khối lượng so với năm 2008, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có gạo, thủy sản, cà-phê, chè, cao-su... Có những mặt hàng tăng khoảng 200% so với cùng kỳ của năm 2008. Với khả năng phấn đấu tăng khối lượng các mặt hàng xuất khẩu và với giá trung bình, thì kim ngạch có thể đạt mức tăng 3-5%. Bộ Công thương phối hợp các bộ, các ngành, các địa phương tiếp tục cố gắng thúc đẩy việc tăng xuất khẩu, nhất là đối với những mặt hàng có lợi thế.

Bảo đảm an sinh xã hội

Bộ trưởng LÐ-TB và XH Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, bảo đảm an sinh xã hội không phải là vấn đề của hằng năm, mà phải lâu dài. Trong an sinh xã hội, thì rất nhiều vấn đề, trước nhất phải quan tâm cho giảm nghèo. Trong sự chỉ đạo của Chính phủ hằng năm đều thể hiện nhất quán quan điểm là bảo đảm an sinh xã hội. Nhà nước đã ban hành một hệ thống chính sách an sinh xã hội khá đầy đủ và có riêng một chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo trong 12 chương trình mục tiêu quốc gia và ban hành Nghị quyết 30a. Nhà nước đã dành nguồn lực đáng kể trong điều kiện ngân sách còn khó khăn để chi cho an sinh xã hội. MTTQ đã vận động nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp đóng góp nguồn lực, nâng cao trách nhiệm xã hội trong sự nghiệp xóa đói, giảm nghèo đạt kết quả rất tốt. Chính phủ chỉ đạo quyết liệt là hơn 77.000 ngôi nhà của đồng bào dân tộc thiểu số phải được hoàn thành trước Tết Nguyên đán 2010 và đã khởi công hơn 52.000 căn. Chương trình giảm nghèo không thể đứng riêng, đứng rời một mình, mà phải gắn với tất cả các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới, đầu tư cơ sở hạ tầng, trồng rừng, dạy nghề, tạo việc làm cho nông dân. Về chuẩn nghèo, rất nhiều ý kiến cho rằng, việc áp dụng chuẩn nghèo hiện nay là không phù hợp.  Chính phủ đã chỉ đạo Bộ LÐ-TB và XH xây dựng một chuẩn nghèo mới để thực hiện trong giai đoạn tới. Một số đại biểu đề nghị cần huy động toàn xã hội chung tay chăm lo giúp đỡ người nghèo, trẻ em mồ côi, tàn tật, người bị nhiễm chất độc da cam...

Gắn khai thác khoáng sản với bảo vệ môi trường

Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên, phát biểu ý kiến, cho biết, Luật Khoáng sản đã phân cấp cho địa phương nhiều hơn. Từ năm 2005 đến nay, bộ cấp gần 100 giấy phép về thăm dò và 200 giấy phép về khai thác mỏ. Ở địa phương cấp hơn 4.000 giấy phép về khai thác mỏ. Bộ tiến hành kiểm tra, nhận thấy, phần lớn các mỏ triển khai thực hiện theo đúng luật, nhưng một số tỉnh cấp phép cũng sai. Ðề nghị những mỏ thực hiện sai quy định tuy có giấy phép nhưng đề nghị các tỉnh thu hồi... Theo Bộ trưởng, vấn đề khai thác cát ở đồng bằng sông Cửu Long là rất lớn. Trước đây đã phân cấp cho địa phương, nhưng trong những năm gần đây, khai thác cát để xuất khẩu đã rộ lên, đặc biệt là ở đồng bằng sông Cửu Long. Bộ thấy rằng, việc xuất khẩu cát như vậy là chưa tốt đối với Việt Nam, đặc biệt là khi nước biển dâng. Dự báo mấy chục năm nữa, ở đồng bằng sông Cửu Long nước biển sẽ dâng từ 0,75 m, đồng bằng sông Cửu Long sẽ ngập ít nhất 20% diện tích. Kiến nghị Chính phủ ngừng xuất khẩu cát...

Phó Chủ tịch QH Nguyễn Ðức Kiên phát biểu ý kiến, cho biết: Ðã có 64 đại biểu phát biểu ý kiến, trong đó có năm Bộ trưởng, trưởng ngành cơ quan có liên quan báo cáo giải trình cụ thể một số vấn đề mà nhiều đại biểu QH quan tâm. Ðánh giá chung về việc thảo luận, Phó Chủ tịch QH nêu rõ, không khí thảo luận sôi nổi, liên tục đi vào đúng trọng tâm, dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm và xây dựng. Các đại biểu đề cập cả kết quả đạt được và những hạn chế yếu kém, phân tích sâu sắc hơn, đi vào cốt lõi của vấn đề. Ðề cập nhiệm vụ kế hoạch năm 2010 một số đại biểu đã kiến nghị những nội dung mới ở tất cả các phần, các lĩnh vực trong dự án kế hoạch. Ý kiến của các đại biểu đề cập toàn diện các lĩnh vực, nhưng tập trung đánh giá, thời gian qua, nước ta đã đạt được yêu cầu đặt ra trong mục tiêu tổng quát. Ðó là ngăn chặn được suy giảm kinh tế không để lạm phát cao trở lại, giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, đạt được tốc độ tăng trưởng hợp lý gắn liền với bảo đảm được yêu cầu cơ bản về an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, vị trí và uy tín của nước ta tiếp tục được củng cố và nâng cao trên trường quốc tế...

Lập dự toán cần sát hơn

Thảo luận về tình hình thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2009; dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách T.Ư năm 2010, đa số đại biểu tán thành với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH là năm 2009, kinh tế gặp nhiều khó khăn, trong đó có ảnh hưởng tác động của suy thoái kinh tế thế giới, Chính phủ đã điều hành linh hoạt, có chính sách tài khóa, tiền tệ hợp lý, triển khai nhiều giải pháp kích cầu. Do vậy đã đạt được kết quả khả quan trong chống suy giảm, phục hồi sự tăng trưởng kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội. Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng, việc lập dự toán ngân sách chưa sát với thực tế, tính dự báo chưa cao, thiếu chủ động, còn phụ thuộc quá nhiều về nguồn thu của dầu thô. Ðại biểu Ðỗ Thị Lan (Quảng Ninh) đề nghị, việc xây dựng dự toán cần có sự quan tâm chỉ đạo, đổi mới trong phương pháp lập dự toán, thu chi ngân sách phải phù hợp thực tế từng năm. Nhiều đại biểu nêu rõ những hạn chế, bất cập về công tác quản lý thu thuế là tình trạng trốn thuế, nợ đọng thuế, thất thu thuế. Một số đại biểu khác nêu rõ, việc thực hiện thu thuế, đặc biệt thuế thu nhập cá nhân (TNCN), chuẩn bị chưa chu đáo, nhiều khoản thu của cá nhân không thể hiện qua con đường chính thức, do đó rất dễ xảy ra tình trạng thất thu thuế TNCN. Một số đại biểu cũng băn khoăn về tình trạng thất thu thuế nhập khẩu do chuyển giá, nhập lậu; thất thu thuế do mua hàng không xuất hóa đơn GTGT, khai giá gian lận, thất thu thuế tài nguyên khoáng sản, thuế chuyển quyền sử dụng đất. Do đó, đề nghị cần xem xét trách nhiệm các cơ quan quản lý thuế, nếu không Nhà nước sẽ thất thu trong khi môi trường bị ảnh hưởng, tài nguyên cạn kiệt, nảy sinh tình trạng đầu cơ nhà đất.

Về thực hiện dự toán chi NSNN năm 2009, nhiều đại biểu cho rằng, kỷ luật tài chính chưa nghiêm, nhiều khoản chi vượt dự toán, nhưng không có báo cáo cụ thể. Ðề nghị phải thực hiện nghiêm Luật Ngân sách, phải có chế tài hạn chế việc chi vượt. Ðại biểu Phạm Ðức Châu (Quảng Trị) đề nghị, cùng với tăng thu cần giảm chi và tiết kiệm chi, bảo đảm chi đúng, công bằng, có hiệu quả. Về bội chi, nhiều đại biểu thống nhất, hạn chế bội chi ở mức tối đa 6%. Ðại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) cho rằng, năm nào cũng bội chi, do đó việc dự báo cần chặt chẽ hơn và cần hạn chế việc một số địa phương dự toán thấp để được thưởng vượt thu. Ðại biểu Ðỗ Thị Lan (Quảng Ninh) đề xuất phải thưởng cho các địa phương vượt thu vì thực tế ở nhiều địa phương, trong đó có Quảng Ninh, muốn thu ngân sách vượt dự toán phải triển khai rất nhiều biện pháp, nhưng cần xem xét tiêu chí và mức thưởng hợp lý.

Phân bổ hợp lý, tránh sử dụng lãng phí, kém hiệu quả

Thảo luận về phương án phân bổ NST.Ư năm 2010, các đại biểu cơ bản đồng tình nguyên tắc phân bổ tập trung ưu tiên thực hiện cải cách tiền lương, bảo đảm chi cho an sinh xã hội và các đối tượng chính sách xã hội, bố trí tăng vốn đầu tư cho các vùng kinh tế động lực để có những bước đột phá nhanh tạo ra nguồn thu mới, bền vững.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh giải trình nhiều vấn đề các đại biểu QH nêu lên, như nguyên nhân các khoản chi khác năm 2009 tăng lớn, việc thực hiện kiến nghị thanh tra, kiểm toán, khi xử lý sẽ xuất toán, thu vào ngân sách Nhà nước; căn nguyên đề xuất con số bội chi NSNN năm 2010 là 6,5% GDP, trong đó nhấn mạnh việc bội chi được xem xét không chỉ ở con số cao hay thấp mà còn được đánh giá ở khả năng trả nợ nước ngoài...
 
 
                             Báo Nhân dân

 



Các tin đã đưa ngày: