Bộ Tài chính lên tiếng về việc quản lý dự trữ xăng dầu quốc gia

(20/12/2023)

Theo nguồn tin của Lao Động, Bộ Tài chính vừa có văn bản giải quyết khó khăn, vướng mắc trong công tác bảo quản xăng dầu dự trữ quốc gia sau khi Bộ Công Thương có văn bản gửi Phó Thủ tướng Chính phủ đề xuất giao Bộ Tài chính quản lý về dự trữ xăng dầu quốc gia.

Bộ Công Thương không thực hiện mua tăng, mua bổ sung, mua bù xăng dầu dự trữ quốc gia

Bộ Tài chính cho rằng, từ khi Luật Dự trữ quốc gia ban hành từ năm 2012 đến nay, Bộ Công Thương thực hiện nhiệm vụ bảo quản xăng dầu dự trữ quốc gia chung với xăng dầu kinh doanh ký với 4 doanh nghiệp và không lựa chọn doanh nghiệp bảo quản theo quy định của pháp luật.

Trong khoảng thời gian này, Bộ Công Thương thực hiện chuyển tiếp các hợp đồng bảo quản đã ký năm 2014 thông qua các phụ lục hợp đồng để bảo quản xăng dầu dự trữ quốc gia. Năm 2023, Bộ Công Thương chưa ký hợp đồng bảo quản xăng dầu dự trữ quốc gia.

Về nhập, xuất xăng dầu dự trữ quốc gia, Bộ Tài chính cho rằng, từ khi Luật Dự trữ quốc gia ban hành năm 2012 đến nay, Bộ Công Thương không xây dựng và thực hiện mua tăng, mua bổ sung, mua bù xăng dầu dự trữ quốc gia.

 

Hiện việc dự trữ xăng dầu quốc gia được Bộ Công Thương ký hợp đồng

bảo quản với 4 doanh nghiệp.

 

Trong văn bản gửi lãnh đạo Chính phủ, Bộ Công Thương nhận định việc bảo quản riêng mặt hàng xăng dầu chưa thực hiện được do chưa có kho dự trữ quốc gia xăng dầu của nhà nước, phải thuê các doanh nghiệp xăng dầu để bảo quản. Bộ Tài chính cho rằng nhận định này "không có cơ sở".

Bởi, theo quy định của Luật Dự trữ quốc gia và quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch hệ thống kho xăng dầu dự trữ quốc gia, xăng dầu dự trữ quốc gia được cất giữ riêng, được thực hiện thuê kho để bảo quản theo quy định tại Thông tư số 172 ngày 20.11.2013 của Bộ Tài chính quy định về thuê kho bảo quản hàng dự trữ quốc gia.

Xăng dầu dự trữ quốc gia phải được bảo quản riêng, nhưng thực tế triển khai, xăng dầu dự trữ quốc gia đang được Bộ Công Thương bảo quản chung với xăng dầu kinh doanh của doanh nghiệp.

Bộ Tài chính cho biết, do quy định của pháp luật về dự trữ quốc gia và thực tiễn quản lý, bảo quản xăng dầu dự trữ quốc gia còn khác nhau nên trong thực hiện xây dựng cơ chế chính sách dưới luật (quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, định mức kinh tế kỹ thuật quốc gia) còn chưa triển khai được.

Chuyển đổi dầu diesel 0,25%S sang diesel 0,05%S dự trữ quốc gia, trách nhiệm thuộc Bộ Công Thương

Theo Bộ Tài chính, Thông tư số 108 ngày 13.8.2023 quy định về quản lý kinh tế kỹ thuật hàng dự trữ quốc gia có nêu: Bộ Công Thương có trách nhiệm xây dựng kế hoạch, dự thảo định mức xăng dầu dự trữ quốc gia và lấy ý kiến tham gia của các cơ quan đơn vị có liên quan gửi Bộ Tài chính thẩm định, ban hành.

Tuy nhiên, từ khi Luật Dự trữ quốc gia ban hành năm 2012 đến nay, Bộ Tài chính chưa nhận được văn bản đề nghị kèm hồ sơ xây dựng định mức của Bộ Công Thương.

Về tháo gỡ khó khăn việc chuyển đổi chủng loại dầu diesel 0,25%S sang diesel 0,05%S dự trữ quốc gia, Bộ Tài chính cho biết, trước khi thực hiện việc chuyển đổi này, Bộ Công Thương phải xây dựng hồ sơ phương án giá bán tối thiểu dầu DO 0,25S và hồ sơ sơ phương án giá mua tối đa dầu DO 0,05S dự trữ quốc gia gửi Bộ Tài chính ban hành giá bán tối thiểu, giá mua tối đa.

Song Bộ Công Thương không xây dựng hồ sơ phương án giá mà thực hiện ngay việc chuyển đổi. Theo Bộ Tài chính, "điều này không đúng quy định, trách nhiệm thuộc về Bộ Công Thương".

Tại thời điểm hiện nay, việc chuyển đổi chủng loại đã hoàn thành từ năm 2015, Bộ Tài chính không đủ cơ sở pháp lý để xác định giá mua, giá bán chủng loại dầu đã thực hiện. Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ quá trình thực hiện nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Trên cơ sở đó nêu rõ tồn tại, phương án xử lý theo quy định của pháp luật, trình Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, xử lý khó khăn, vướng mắc việc chuyển đổi chủng loại dầu diesel 0,25%S sang diesel 0,05%S dự trữ quốc gia.

 

Theo: Amp.laodong.vn

 



Các tin đã đưa ngày: