Cảnh báo lũ quét và sạt lở đất vùng núi phía Bắc

(25/10/2018)

Theo báo cáo nhanh ngày 24/10 của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, do mưa lớn cục bộ trong ngày 22/10 và sáng 23/10, nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi phía Bắc, đặc biệt tại các tỉnh như: Yên Bái, Lào Cai, Tuyên Quang, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 1.

 

 

Về tình hình lũ và triều cường khu vực đồng bằng sông Cửu Long, lũ đang lên theo kỳ triều cường, mực nước cao nhất sáng ngày 23/10, trên sông Tiền tại Tân Châu 2,57m; trên sông Hậu tại Châu Đốc 2,51m dưới báo động 1, tại các trạm hạ lưu sông Cửu Long, sông Sài Gòn ở trên báo động 2. Dự báo, tình hình lũ biến đổi chậm, hạ lưu sông Cửu Long, sông Sài Gòn tiếp tục lên theo triều. Đến ngày 27/10, mực nước cao nhất tại Tân Châu: 2,50m; tại Châu Đốc: 2,43m.

Cảnh báo, nguy cơ cao xảy ra ngập lụt ở các vùng trũng thấp, sạt lở đê bao vùng ven sông và triều cường gây ngập lụt sâu ở các vùng trũng thấp thuộc TP. Hồ Chí Minh, Vĩnh Long, Cần Thơ.

Về tình hình thiệt hại do thiên tai, do mưa lớn kết hợp với lũ từ thượng nguồn đổ về đã gây lũ lớn tại suối Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên (Lào Cai) vào ngày 22/10 làm thiệt hại như sau: 13 nhà bị cuốn trôi, 87 nhà bị ngập nước, 12 nhà phải di dời khẩn cấp; ngập 232,58 ha lúa, 24,85 ha ngô, 23 ha thủy sản, gia súc chết 312 con, gia cầm chết 1.250 con; 30m kênh bê tông, 01 cầu sắt bản Lằng bị cuốn trôi, hư hỏng hoàn toàn 01 nhịp cầu bản Nà Đình; gãy đổ 10 cột điện. Ước tính thiệt hại khoảng 12 tỷ đồng.

Tại Hà Giang, do mưa lớn cục bộ tại khu vực huyện Quang Bình (lượng mưa từ 60-90mm) vào ngày 22/10 gây thiệt hại như sau: 01 người chết (ông Hoàng Văn Sầu, sinh năm 1954, tại thôn Bản Rịa, xã Bản Rịa, huyện Quang Bình do bị lũ cuốn trôi); 01 người mất tích (anh Hoàng Văn Đại, sinh năm 1988, tại thôn Bản Rịa, xã Bản Rịa, huyện Quang Bình do bị lũ cuốn trôi); sạt lở đất làm sập 07 nhà (xã Bản Rịa: 06 nhà, thị trấn Yên Bình: 01 nhà); 77,53 ha lúa mất trắng; 0,99 ha ngô, lạc, hoa màu; trâu bị chết: 03 con; dê bị chết: 11 con; lợn bị chết: 20 con; gia cầm bị chết: 450 con; hư hỏng 01 nhà ăn của Trường Mầm non và 01 nhà lưu trú giáo viên; hư hỏng toàn bộ tuyến kênh mương Là Lốm và 5m kênh mương tại thôn Nậm Hán; sạt lở 20.700 m3 đất đá đối với các tuyến đường liên xã, liên thôn. Ước tính thiệt hại khoảng 19 tỷ đồng.

Tại Bắc Kạn, do mưa lớn cục bộ vào ngày 22/10 gây sạt ta luy dương 10.698m3 đất, đá tại quốc lộ 279, gây tắc đường tại một số điểm tỉnh lộ ĐT.254B, ĐT.258B, ĐT.259, ĐT.259B.

Trước hậu quả trên, Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bắc Kạn huy động lực lượng tại chỗ và các xã lân cận giúp các hộ gia đình bị thiệt hại di chuyển người và tài sản đến nơi an toàn, cử người cắm biển cảnh báo và hướng dẫn giao thông tại các điểm ngập gây ách tắc cục bộ. Tại Hà Giang, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Quang Bình đã chỉ đạo UBND xã Bản Rịa huy động lực lượng dân quân, công an xung kích tiếp tục tìm kiếm người mất tích.

Để ứng phó với thiên tai, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã có các Công văn: số 524/TWPCTT-VP ngày 23/10/2018 về việc sẵn sàng vận hành xả lũ và đảm bảo an toàn hạ du hồ Tuyên Quang; số 525/TWPCTT-VP ngày 23/10/2018 về việc sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn hạ du khi hồ chứa Tuyên Quang xả lũ. Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết và thông báo cho các cơ quan và người dân chủ động triển khai các biện pháp ứng phó. Riêng các tỉnh hạ du thủy điện Tuyên Quang gồm: Tuyên Quang, Phú Thọ và Vĩnh Phúc triển khai phương án đảm bảo an toàn hạ du khi hồ chứa Tuyên Quang xả lũ.

Các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục thực hiện theo nội dung Công văn số 170/TWPCTT ngày 19/10/2018 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, đặc biệt, chú trọng triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn tính mạng người dân, phòng chống điện giật, đuối nước,… tránh tình trạng chủ quan, nhất là tại khu vực đông dân cư bị ngập nước.

Các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, gió mùa Đông Bắc, mưa lớn diện rộng, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, dông, lốc, sét, để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó.

Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai để kịp thời chỉ đạo, ứng phó./.

 

Nguồn: Báo ĐT Đảng Cộng sản Việt Nam



Các tin đã đưa ngày: