Bộ Tài chính là cơ quan quản lý nhà nước về Dự trữ quốc gia

(21/11/2012)

Với đa số phiếu tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Dự trữ Quốc gia (DTQG) trong phiên họp sáng 20/11/2012. Luật DTQG gồm 6 Chương và 66 Điều sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2013. Theo quy định của Luật DTQG, Nhà nước hình thành, sử dụng DTQG nhằm chủ động đáp ứng yêu cầu đột xuất, cấp bách về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh; phục vụ quốc phòng, an ninh.
 
 
Toàn cảnh phiên họp ngày 20/11/2012 kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIII.

Cơ quan quản lý DTQG chuyên trách thuộc Bộ Tài chính

DTQG được hình thành từ 2 nguồn: Ngân sách nhà nước (NSNN) và nguồn lực hợp pháp khác ngoài NSNN. Tại báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho rằng, trong điều kiện NSNN có hạn, việc huy động các thành phần kinh tế khác tham gia hoạt động DTQG là cần thiết. Trên thực tế, các nguồn lực này thể hiện dưới nhiều hình thức như tham gia đầu tư xây dựng kho dự trữ, tự nguyện cung cấp miễn phí công nghệ thông tin cho hoạt động quản lý, bảo quản hàng DTQG, trực tiếp bảo quản hàng DTQG hoặc hàng hóa, vật tư được huy động từ các thành phần kinh tế khác trong tình huống cấp bách… Trong trường hợp các tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động DTQG cần giữ bí mật thì sẽ phải tuân thủ quy định của pháp luật về bảo mật.

Theo đó, hệ thống tổ chức DTQG được bố trí ở trung ương và các khu vực, địa bàn chiến lược trong cả nước để kịp thời đáp ứng yêu cầu, mục tiêu của DTQG. Bao gồm: Cơ quan quản lý DTQG chuyên trách thuộc Bộ Tài chính được tổ chức theo hệ thống dọc, gồm cơ quan ở trung ương và các đơn vị ở địa phương theo khu vực. Các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và bộ phận làm công tác DTQG kiêm nhiệm tại các Bộ, ngành quản lý hàng DTQG.

Trước đó, có ý kiến đề nghị tổ chức DTQG nên thuộc Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ, tránh việc có nhiều cơ quan, nhiều bộ quản lý như quy định của Dự thảo luật, dẫn đến phân tán, khó quản lý. Về vấn đề này, báo cáo của UBTVQH đã nêu rõ: Trước năm 2000, Cục DTQG là cơ quan trực thuộc Chính phủ. Nhưng do yêu cầu cải cách hành chính, ngày 24/8/ 2000, theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Cục DTQG (nay là Tổng cục Dự trữ nhà nước) đã chuyển về Bộ Tài chính. Từ  đó đến nay, theo quy định của pháp luật, Bộ Tài chính được Chính phủ giao nhiệm vụ quản lý thống nhất về DTQG. Tuy nhiên, hoạt động DTQG mang nhiều đặc thù, liên quan trực tiếp đến một số bộ, ngành như quốc phòng, công an, nông nghiệp và phát triển nông thôn... nên việc các bộ, ngành này tham gia hoạt động DTQG là hợp lý và cần thiết. Qua tổ chức thực hiện, bộ máy hiện hành đã đáp ứng yêu cầu và phát huy hiệu quả trong hoạt động DTQG.

Với các ý kiến đề nghị quy định rõ hơn căn cứ thành lập cơ quan DTQG chuyên trách ở các vùng, các địa phương, UBTVQH cho biết, việc thành lập cơ quan DTQG chuyên trách ở các vùng, địa phương dựa vào các tiêu chí: Địa bàn chiến lược, trọng yếu, bảo đảm có lực lượng xử lý, ứng phó kịp thời trong tình huống cấp bách; bảo đảm cơ cấu vùng, miền, theo đó, bố trí hợp lý hệ thống tổ chức DTQG chuyên trách trên toàn quốc. Hiện tại, cơ quan DTQG chuyên trách đã được hình thành tại các vùng trọng yếu nhằm đáp ứng kịp thời nhiệm vụ của hoạt động DTQG. 

DTQG được dự trữ bằng vật tư, thiết bị, hàng hóa

Kế hoạch DTQG được xây dựng hàng năm, 5 năm và được tổng hợp chung vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Việc xây dựng kế hoạch DTQG căn cứ vào: chiến lược phát triển DTQG; mục tiêu của DTQG; khả năng cân đối của ngân sách nhà nước; dự báo về tình hình kinh tế - xã hội trong nước, quốc tế.

Nội dung kế hoạch dự trữ quốc gia gồm: mức DTQG cuối kỳ; kế hoạch tăng, giảm DTQG, luân phiên đổi hàng; đầu tư phát triển cơ sở vật chất - kỹ thuật; nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ; và phương án cân đối nguồn tài chính cho hoạt động DTQG.

Tổng mức DTQG được bảo đảm thực hiện mục tiêu DTQG. Trước đó, có ý kiến cho rằng, cần xác định tỷ lệ nhất định của tổng mức DTQG so với GDP để tạo chủ động trong bố trí NSNN cho lĩnh vực này. Tuy nhiên theo giải trình của UBTVQH, việc quy định cứng trong Luật một tỷ lệ nhất định của tổng mức DTQG so với GDP sẽ dẫn đến khó khả thi, nhất là trong tình hình NSNN biến động và khó khăn. Hơn nữa, việc xác định mức DTQG cũng cần phù hợp với từng thời kỳ. Trên thực tế, việc đầu tư nguồn lực từ NSNN cho DTQG theo dự toán hàng năm vẫn bảo đảm thực hiện mục tiêu DTQG. Vì vậy, không bổ sung quy định trên.

DTQG được dự trữ bằng vật tư, thiết bị, hàng hóa. Các mặt hàng thuộc Danh mục hàng DTQG phải đáp ứng mục tiêu DTQG được quy định trong Luật này và một trong các tiêu chí: Là mặt hàng chiến lược, thiết yếu, có tần suất sử dụng nhiều, có tác dụng ứng phó kịp thời trong tình huống đột xuất, cấp bách; Là mặt hàng đặc chủng, không thể thay thế; Là vật tư, thiết bị, hàng hóa bảo đảm quốc phòng, an ninh mà sản xuất trong nước chưa đáp ứng được yêu cầu về số lượng, chất lượng, chủng loại.

Theo đó, có 12 mặt hàng thuộc Danh mục đã được quy định cụ thể trong Luật, như lương thực; vật tư, thiết bị cứu hộ, cứu nạn; vật tư thông dụng động viên công nghiệp; thuốc phòng, chống dịch bệnh cho người; vật tư, thiết bị, hàng hóa phục vụ quốc phòng, an ninh… Trong trường hợp cần điều chỉnh Danh mục hàng DTQG, Chính phủ trình UBTVQH xem xét, quyết định./.

 

                 Trang Điện tử Bộ Tài chính