Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước Phạm Phan Dũng: Nên xã hội hóa trong lĩnh vực dự trữ quốc gia

(31/07/2012)

“Trong lĩnh vực Dự trữ quốc gia (DTQG) nên có chủ trương xã hội hóa hoạt động này để huy động mọi nguồn lực trong xã hội tham gia khi biến cố xảy ra. Cần tạo cơ chế để huy động các tổ chức doanh nghiệp, cá nhân bỏ vốn đầu tư xây dựng kho tàng theo tiêu chuẩn DTQG để cho đơn vị DTQG thuê hoặc đơn vị DTQG thuê doanh nghiệp bảo quản hàng DTQG… Làm được như thế sẽ giảm bớt phần đầu tư của Nhà nước”, Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước Phạm Phan Dũng đã nhấn mạnh như vậy khi trao đổi với phóng viên TBTCVN.

● PV: Xin ông cho biết vì sao đến thời điểm này cần thiết phải ban hành Luật Dự trữ quốc gia?

- Ông Phạm Phan Dũng: Pháp lệnh DTQG được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành từ năm 2004 đã tạo khung pháp luật có giá trị pháp lý cao cho hoạt động DTQG. Qua 8 năm thực hiện, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, Pháp lệnh DTQG cũng đã bộc lộ nhiều hạn chế như: Mục tiêu của DTQG chưa đầy đủ; chưa có chính sách khuyến khích tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động DTQG; quy định về bố trí ngân sách chi cho DTQG còn chưa đồng bộ, chưa phù hợp với đặc điểm hoạt động DTQG và quy trình quản lý ngân sách; một số cơ chế đặc thù về phương thức mua, bán hàng DTQG không được quy định cụ thể; một số nội dung của Pháp lệnh không còn phù hợp với các luật được ban hành sau ngày 1/9/2004 như Luật Đấu thầu, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Luật Doanh nghiệp. Từ thực tiễn quản lý, điều hành DTQG thời gian qua cho thấy hoạt động DTQG mang tính đặc thù về mức độ khó khăn trong doanh nghiệp, yêu cầu khẩn trương trong hoạt động, cần phải có cơ chế quản lý thích ứng bảo đảm sự điều hành, sử dụng nguồn lực DTQG của Nhà nước theo nguyên tắc tập trung, thống nhất, có hiệu lực và hiệu quả xã hội. Những vấn đề trên cần phải được luật hóa nên việc ban hành Luật DTQG để thay thế Pháp lệnh DTQG là rất cần thiết.

● PV: Thưa ông, để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng nguồn lực DTQG; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, chúng ta cần làm gì trong thời gian tới?

- Ông Phạm Phan Dũng: Trước hết, cần xác định đầy đủ, cụ thể mục tiêu của DTQG trong giai đoạn mới. Thứ hai, tổng mức DTQG và mức tăng dự trữ hàng năm đảm bảo khả năng thực hiện mục tiêu của DTQG vì vậy nội dung này cần được quy định bằng lượng cụ thể trong Luật DTQG hoặc trong chiến lược phát triển DTQG, với định hướng đặt ra là tổng mức DTQG được tăng theo lộ trình đến năm 2015 đạt khoảng 0,8 - 1% GDP và đến năm 2020 đạt 1,5% GDP. Thứ ba, cần quy định cụ thể trong Luật DTQG: chế độ chính sách đối với công chức phù hợp với đặc điểm, tính chất hoạt động đặc thù của ngành; phương thức mua, bán, nhập, xuất hàng DTQG phù hợp với đặc thù; hiện đại hóa hệ thống kho và công nghệ bảo quản hàng dự trữ; quy định cụ thể việc sử dụng DTQG nhằm đảm bảo quản lý chặt chẽ, sử dụng đúng đối tượng, đúng mục đích tài sản của Nhà nước.

● PV: Trong điều kiện hiện nay, khi tiềm lực ngân sách có hạn, để tăng cường sức mạnh DTQG, có nên tạo cơ chế huy động toàn xã hội tham gia vào hoạt động DTQG, giúp Nhà nước giảm bớt gánh nặng từ ngân sách?

- Ông Phạm Phan Dũng: Trong lĩnh vực DTQG cũng nên có chủ trương xã hội hóa hoạt động này để huy động mọi nguồn lực trong xã hội tham gia khi có biến cố xảy ra. Khi xảy ra biến cố thì việc huy động được nguồn lực tại chỗ là vô cùng quan trọng, ví dụ n hư chống lụt bão và các dịch bệnh thì không có gì hiểu quả bằng việc sử dụng nguồn lực tại chỗ. Việc xã hội hóa hoạt động DTQG có thể mở rộng để khuyến khích các thành phần kinh tế ngoài nhà nước, các doanh nghiệp, các cá nhân tham gia hoạt động này, tuy nhiên Nhà nước cần có cơ chế rõ ràng để khuyến khích họ. Cần tạo cơ chế để huy động các tổ chức, doanh nghiệp, các nhân bỏ vốn đầu tư xây dựng kho tàng theo tiêu chuẩn DTQG để cho đơn vị DTQG thuê hoặc đơn vị DTQG thuê doanh nghiệp bảo quản hàng DTQG; và các việc khác như đầu tư phát triển công nghệ thông tin, các phương tiện, thiết bị để bảo quản, quản lý hoạt động DTQG… với những khâu này, những loại công việc này thì ta xã hội hóa rất tốt. Có làm được như thế sẽ giảm bớt phần đầu tư của Nhà nước mà chúng ta vẫn có đủ hạ tầng để thực hiện nhiệm vụ DTQG, mặt khác góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển.

● PV: Xin cảm ơn Tổng cục trưởng

 

                 Thời báo Tài chính Việt Nam



Các tin đã đưa ngày: