Để sử dụng nguồn lực dự trữ Quốc gia hiệu quả.

(14/05/2012)

Dự thảo Luật Dự trữ Quốc gia (DTQG) đã được Bộ Tài chính hoàn thiện và trình Chính phủ. Theo dự kiến Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến vào kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII sắp diễn trong tháng 5 này.

ĐÃ ĐẾN LÚC PHẢI CÓ LUẬT

 
 Theo tờ trình của Chính phủ, Pháp lệnh DTQG sau 8 năm thực hiện đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần thực hiện mục tiêu tiêu DTQG. Bên cạnh đó, pháp lệnh cũng bộc lộ một số hạn chế, không theo kịp với thực tiễn của hoạt động dự trữ trong cơ chế thị trường. Một số quy định tại pháp lệnh không phù hợp với quy định của một số luật khác nhau mới ban hành (như quy định về phương thức mua hàng chưa đồng bộ với quy định của Luật Đấu thầu; các quy định về quản lý hàng đối với doanh nghiệp chưa phù hợp với quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Thương mại…)
 
 Vì vậy, cần phải đổi mới và thể hiện cơ chế quản lý DTQG bằng luật; bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, cơ sở pháp lý trong quá trình áp dụng. Đồng thời, luật hóa đầy đủ, đúng đường lối, chính sách của Đảng, chủ trương của Nhà nước về : “Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về dự trữ Nhà nước; xây dựng lực lượng dự trữ vững mạnh với cơ cấu hợp lý, có khả năng chủ động tham gia phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai và những biến cố bất thường xẩy ra”.
 
 
Dự trữ quốc gia được xây dựng theo hướng đủ mạnh để đáp ứng những yêu cầu đột xuất, cấp bách
 
 Mặt khác, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, thế giới (trong đó có nước ta) luôn phải đối mặt với thách thức do thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn, thảm họa môi trường, nguy cơ tiềm ẩn về khủng bố kinh tế, tranh chấp lãnh thổ về xung đột chính trị… đe dọa đến sự phát triển bền vững. Do đó, cần phải hình thành DTQG đủ mạnh, tổ chức quản lý, điều hành, sử dụng hiệu quả, bảo đảm kịp thời, đầy đủ, minh bạch, đúng đối tượng, tiết kiệm chi phí trong chỉ đạo điều hành phối hợp ứng cứu, bảo vệ người dân, tài sản và môi trường.
 
 Hơn nữa, thực tiễn quản lý, điều hành DTQG trong thời gian qua cho thấy, hoạt động dự trữ mang tính đặc thù về mức độ khó khăn trong tác nghiệp, yêu cầu khẩn trương, có lúc gặp nguy hiểm, gần giống với hoạt động an ninh, quốc phòng . Do vậy, cần có cơ chế quản lý thích ứng và đồng bộ từ tổ chức bộ máy, con người, phương thức thực hiện để bảo đảm sự điều hành, sử dụng nguồn lực dự trữ của Nhà nước theo nguyên tắc tập trung, thống nhất, có hiệu lực và hiệu quả xã hội…
 
 BỐ TRÍ TỔNG MỨC DỰ TRỮ ĐỦ MẠNH
 
Dự thảo Luật DTQG gồm 7 chương, với 63 điều. Trong đó, mục tiêu DTQG, được kế thừa các mục tiêu tại Pháp lệnh là: đáp ứng những yêu cầu đột xuất, cấp bách về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh; phục vụ quốc phòng, an ninh; tham gia bình ổn thị trường và thực hiện các nhiệm vụ đột xuất bức thiết khác. Đồng thời, dự thảo luật bổ sung thêm mục tiêu sử dụng nguồn lực dự trữ, góp phần bảo đảm an sinh xã hội để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
 
Nhằm tạo điều kiện định hướng các chính sách về DTQG, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, dự thảo quy định 5 chính sách về dự trữ gồm: Phát triển DTQG; xây dựng, bố trí tổng mức dự trữ đủ mạnh, đáp ứng kịp thời, hiệu quả mục tiêu của dự trữ; phát triển khoa học công nghệ, hiện đại hóa hoạt động dự trữ, chính sách đãi ngộ, phù hợp với đặc thù hoạt động của dự trữ; khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động dự trữ.
 
Dự thảo luật quy định cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn trong quản lý DTQG. Ngoài điều 10 quy định về nội dung quản lý nhà nước lĩnh vực DTQG, dự thảo luật dành 1 điều quy định về nhiệm vụ, quyền hạn quản lý dự trữ của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; 2 điều quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về dự trữ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính; 3 điều quy định trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bộ ngành quản lý dự trữ và của UBND tỉnh, thành phố. Các quy định này nhằm làm rõ trách nhiệm cụ thể phù hợp với phân công, phân cấp về quản lý dự trữ, tạo điều kiện để các quy định của luật liên quan đến dự trữ được thực hiện thông suốt, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả…
 

               Thời báo Tài chính Việt Nam



Các tin đã đưa ngày: