Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Nghĩa Bình: Đấu thầu mua gạo dự trữ quốc gia công khai, minh bạch

(24/07/2023)

 

Nhằm tăng cường nguồn lực dự trữ quốc gia, đáp ứng nhu cầu hỗ trợ, cứu trợ trong các trường hợp đột xuất, cấp bách, Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Nghĩa Bình đã hoàn thành đấu thầu qua mạng, lựa chọn nhà thầu, làm tốt công tác chuẩn bị và tiến hành nhập 12.000 tấn gạo nhập kho dự trữ quốc gia năm 2023.

 

Những tấn gạo đầu tiên được nhập kho dự trữ

 

Đấu thầu thành công mua 12.000 tấn gạo

Theo ông Bùi Văn Thành - Phó Cục trưởng Cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) khu vực Nghĩa Bình, ngay sau khi có Quyết định số 176/QĐ-TCDT của Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN về phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu cung cấp gạo nhập kho dự trữ quốc gia (DTQG) năm 2023, đơn vị đã khẩn trương triển khai thực hiện.

Việc nhập gạo năm 2023 có một số thuận lợi, nhưng cũng không ít khó khăn, nhất là biến động về giá gạo, thời tiết bắt đầu vào mùa mưa bão ảnh hưởng lớn đến công tác mua nhập gạo. Do vậy, tập thể lãnh đạo Cục DTNN khu vực Nghĩa Bình đã chỉ đạo, tổ chức triển khai đến toàn thể công chức, người lao động trong đơn vị khẩn trương thực hiện với quyết tâm hoàn thành sớm nhiệm vụ nhập 12.000 tấn gạo được giao.

Thông tin chi tiết về quá trình đấu thầu, ông Phan Xuân Ngọc - Trưởng phòng Kế hoạch và quản lý hàng Cục DTNN khu vực Nghĩa Bình cho biết, căn cứ Quyết định 161/QQĐ-CDTNB ngày 5/6/2023 của Cục trưởng Cục DTNN khu vực Nghĩa Bình về việc phê duyệt hồ sơ mời thầu, đấu thầu qua mạng 10 gói thầu thuộc kế hoạch lựa chọn nhà thầu cung cấp 12.000 tấn gạo nhập kho DTQG kế hoạch năm 2023, đơn vị đã đăng tải công khai thông báo mời thầu lên hệ thống đấu thầu quốc gia.

Đến ngày 26/6/2023 đơn vị tiến hành mở thành công Hồ sơ đề xuất kỹ thuật trên mạng đấu thầu quốc gia, kết quả có đủ 10/10 gói thầu có các nhà thầu tham gia, gồm có 20 hồ sơ dự thầu của 4 nhà thầu tham gia ở các gói thầu.

Đến ngày 30/6/2023 các tổ chuyên gia, thẩm định đấu thầu mua gạo ở đơn vị đã tích cực triển khai công tác đánh giá và thẩm định hồ sơ đề xuất kỹ thuật của 10 gói thầu và quyết định phê duyệt danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật của 10 gói thầu.

Kết quả 20 hồ sơ đề xuất kỹ thuật của các gói thầu đều vượt qua bước đánh giá hồ sơ đề xuất kỹ thuật. Ngày 30/6/2023 đơn vị mở Hồ sơ đề xuất tài chính trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.

Được biết, ngày 3/7/2023, Tổ chuyên gia về đánh giá Hồ sơ đề xuất tài chính của 10 gói thầu cung cấp 12.000 tấn gạo nhập kho DTQG kế hoạch năm 2023 tại Cục DTNN khu vực Nghĩa Bình, có 10/10 gói thầu (đạt 100%) đảm bảo điều kiện để mời nhà thầu vào thương thảo hợp đồng.

Chuẩn bị tốt các điều kiện để nhập gạo

Theo Phó Cục trưởng Bùi Văn Thành, thực hiện kế hoạch mua nhập gạo hàng năm là việc làm thường xuyên của ngành DTNN nhằm đảm bảo lượng gạo sẵn sàng xuất cấp, chủ động đáp ứng yêu cầu đột xuất, cấp bách về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, phục vụ quốc phòng, an ninh.

Tuy nhiên, khác với mọi năm, năm 2023 công tác đấu thầu mua gạo Tổng cục DTNN phê duyệt muộn hơn so với các năm và thóc vụ Đông xuân năm 2023 thu hoạch xong đã lâu nên cũng có những khó khăn nhất định trong công tác đấu thầu mua nhập gạo.

Đối với Cục DTNN khu vực Nghĩa Bình, để hoàn thành chỉ tiêu mua nhập 12.000 tấn gạo, lãnh đạo Cục DTNN khu vực đã chỉ đạo các đơn vị chủ động triển khai sớm, sử dụng màng PVC kê lót thóc đổ rời đã xuất kho sang kê lót kho nhập gạo.

Quá trình thực hiện chuyển hình thức kê lót kho bảo quản từ thóc đổ rời sang gạo đóng bao tuy tốn nhiều công sức trong việc hướng dẫn công nhân thực hiện, kiểm tra, rà soát độ kín của tấm nền, tấm phủ nhưng đã giúp đơn vị hoàn thành tiến độ kê lót kho nhập gạo trong lúc thiếu màng PVC, do chưa được trang cấp kịp thời.

Bên cạnh đó, công tác chuẩn bị các điều kiện để đánh giá, quản lý tốt chất lượng hàng DTQG trong quá trình nhập kho, lưu kho bảo quản cũng được các đơn vị thuộc Cục nhanh chóng triển khai. Một số nội dung công việc phục vụ quản lý chất lượng hàng DTQG được lãnh đạo Cục DTNN khu vực Nghĩa Bình giao cho văn phòng Cục triển khai đấu thầu mua sắm tập trung.

Một số nội dung khác như công tác kiểm tra, sửa chữa, kiểm định máy móc, thiết bị… được các chi cục DTNN (Quy Nhơn, Tây Sơn, Quảng Ngãi) nhanh chóng triển khai thực hiện nhằm đưa máy móc thiết bị vào trong hoạt động quản lý chất lượng hàng DTQG.

Ông Phan Xuân Ngọc chia sẻ, hiện nay, việc sử dụng máy móc thiết bị trong hoạt động mua nhập hàng DTQG đã góp phần giải phóng sức lao động của con người, tăng năng suất, hiệu quả làm việc. Một trong những máy móc thiết bị được sử dụng nhiều là băng tải di động, xe nâng hàng, cân bàn điện tử… hàng năm, đơn vị có nhiều sáng kiến, giải pháp rất hiệu quả trong việc sử dụng các máy móc thiết bị đã được lãnh đạo Cục công nhận sáng kiến.

Những giải pháp, sáng kiến có phạm vi ảnh hưởng trong ngành Dự trữ như: Cải tiến băng tải nâng hạ có kết cấu cồng kềnh thành băng tải nâng hạ gọn, nhẹ, phù hợp với thực tế kho tàng của đơn vị; cải tiến sửa chữa xe nâng hàng để sử dụng hiệu quả trong bảo quản vật tư cứu hộ cứu nạn…

Với nỗ lực, quyết tâm của toàn bộ công chức, người lao động, cùng với việc triển khai nhịp nhàng, đồng bộ các khâu trong quy trình nhập hàng, đến nay Cục DTNN khu vực Nghĩa Bình đang nhập những chuyến hàng đầu tiên trong chỉ tiêu 12.000 tấn gạo được giao với chất lượng gạo nhập đảm bảo theo quy định.

 

Nguồn: Thời báo Tài chính Việt Nam

 



Các tin đã đưa ngày: