Đảm bảo đấu thầu mua gạo dự trữ quốc gia công khai, minh bạch

(12/06/2023)

Nhằm tăng cường nguồn lực dự trữ quốc gia, đáp ứng nhu cầu xuất cấp hỗ trợ, cứu trợ trong các trường hợp đột xuất, cấp bách, Tổng cục Dự trữ Nhà nước vừa có quyết định giao chỉ tiêu, kế hoạch cho các Cục Dự trữ Nhà nước khu vực thực hiện mua 220.000 tấn gạo nhập kho năm 2023. Tổng cục đã quán triệt và chỉ đạo các Cục Dự trữ Nhà nước khu vực khẩn trương triển khai, lựa chọn nhà thầu có uy tín, năng lực kinh nghiệm để cung cấp gạo.

 

Các Cục Dự trữ Nhà nước khu vực chuẩn bị đầy đủ kho tàng,

kiểm tra sát sao chất lượng lương thực khi nhập kho.

 

Mời thầu mua 220.000 tấn gạo dự trữ

Tổng cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) đã ban hành Quyết định số 139/QĐ-TCDT giao chỉ tiêu kế hoạch cho các Cục DTNN khu vực thực hiện mua 220.000 tấn gạo nhập kho dự trữ quốc gia (DTQG) năm 2023. Để chuẩn bị cho công tác đầu thầu mua gạo, Tổng cục DTNN đã chỉ đạo 22 Cục DTNN khu vực thống nhất thực hiện lựa chọn nhà thầu mua gạo DTQG trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.

Đồng thời, Tổng cục DTNN cũng yêu cầu các Cục DTNN khu vực phổ biến, quán triệt đến toàn thể các cán bộ, công chức nghiên cứu, cập nhật, nắm vững quy định của pháp luật về đấu thầu; các thông tư hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tổ chức lựa chọn nhà thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.

Đối với quy trình đấu thầu mua gạo nhập kho DTQG, Tổng cục DTNN ban hành Quyết định số 176/QĐ-TCDT ngày 25/5/2023 phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu cung cấp 220.000 tấn gạo nhập kho DTQG trong kế hoạch năm 2023 của 22 Cục DTNN khu vực. Theo đó, Tổng cục DTNN yêu cầu các Cục DTNN khu vực thực hiện đăng tải E-TBMT chậm nhất đến ngày 5/6/2023; đóng thầu vào lúc 9h, ngày 26/6/2023. Việc mở E-HSĐXKT phải được hoàn thành trong vòng 2 giờ kể từ thời điểm đóng thầu.

Thời gian thực hiện hợp đồng được triển khai tối đa trong vòng 60 ngày kể từ ngày hợp đồng có hiệu lực. Thời hạn hoàn thành nhập gạo vào kho DTQG tối đa đến hết ngày 15/10/2023.

Nhằm tăng tính cạnh tranh, nâng cao trách nhiệm của các nhà thầu trúng thầu trong quá trình thực hiện hợp đồng cung cấp gạo, Tổng cục DTNN đã có các văn bản hướng dẫn các Cục DTNN khu vực tiếp tục thực hiện chấm điểm “uy tín nhà thầu” trong bảng chấm điểm kỹ thuật như đã triển khai trong các năm 2021, 2022.

Trên cơ sở hướng dẫn đó, Tổng cục DTNN đề nghị các Cục DTNN khu vực thực hiện hiệu quả công tác đấu thầu mua gạo nhập kho DTQG năm 2023, đảm bảo thống nhất, chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật.

Thực hiện đấu thầu qua mạng

Thực hiện chỉ đạo của Tổng cục DTNN, các Cục DTNN khu vực đã triển khai ngay các bước tổ chức đấu thầu mua gạo nhập kho DTQG năm 2023. Đại diện Cục DTNN khu vực Đông Bắc cho biết, hiện nay, đơn vị đã tổ chức thông báo đấu thầu gạo công khai. Việc triển khai đấu thầu qua mạng, đơn vị đã đưa ra các giải pháp nhằm thực hiện phát hành hồ sơ mời thầu và đánh giá kết quả nhanh nhất, hiệu quả nhất, đảm bảo không xảy ra sai sót, nhầm lẫn. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, Cục DTNN khu vực Đông Bắc đã yêu cầu các Chi cục DTNN thuộc Cục chuẩn bị đầy đủ kho tàng, vật tư, trang thiết bị, kiểm tra sát sao chất lượng lương thực trước khi nhập kho.

Theo Tổng cục DTNN, trong thời gian qua, công tác đấu thầu mua gạo nói riêng và hàng DTQG nói chung đã thực hiện theo đúng quy định của pháp luật; bảo đảm công bằng, minh bạch, hiệu quả; lựa chọn được những nhà thầu có đủ năng lực cung cấp hàng hóa đáp ứng tiêu chuẩn dự trữ quốc gia, góp phần tiết kiệm ngân sách nhà nước.

Đến nay 100% hàng DTQG được thực hiện đấu thầu qua mạng. Công tác đấu thầu mua hàng DTQG được lãnh đạo Tổng cục DTNN phân công cụ thể cho các đơn vị và quyết liệt chỉ đạo, điều hành thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về đấu thầu và kế hoạch được giao. Theo đó, các mặt hàng phục vụ yêu cầu về sản xuất, đời sống nhân dân (như thóc, gạo tẻ, muối ăn) được giao cho các Cục DTNN khu vực làm chủ đầu tư để mua sắm; các mặt hàng vật tư, thiết bị phục vụ yêu cầu về cứu hộ, cứu nạn, v.v… được giao cho các đơn vị chức năng tại cơ quan Tổng cục DTNN thực hiện các nhiệm vụ của chủ đầu tư để mua sắm.

Bên cạnh đó, từ thực tế triển khai và những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện thời gian qua, Tổng cục DTNN đã tổng hợp và báo cáo Bộ Tài chính để đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật về đấu thầu nhằm tăng cường ràng buộc trách nhiệm của nhà thầu khi tham dự thầu cung cấp hàng DTQG nói chung và các gói thầu mua gạo dự trữ quốc gia nói riêng như: tăng mức bảo đảm dự thầu, tăng chế tài xử phạt khi vi phạm…

Để bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch, đặc biệt là tăng tính cạnh tranh trong đấu thầu, căn cứ quy định và thực tế tình hình đấu thầu mua gạo DTQG trong các năm qua, từ năm 2021, tại hồ sơ mời thầu mua gạo, các Cục DTNN khu vực đã quy định về chấm điểm “uy tín nhà thầu” trong bảng chấm điểm kỹ thuật.

Các nhà thầu có lịch sử chấp hành tốt sẽ có điểm uy tín cao khi tham dự thầu các gói thầu cung cấp gạo dự trữ quốc gia. Các nhà thầu có lịch sử chấp hành không tốt, như từ chối ký hợp đồng khi đã trúng thầu hoặc có lịch sử không tuân thủ đúng quy định của hợp đồng (về thời gian giao hàng, về chất lượng, số lượng hàng…), tùy theo mức độ sẽ bị đánh giá, xếp hạng uy tín thấp hơn.

Hàng năm, Tổng cục DTNN cập nhật, bổ sung danh sách các nhà thầu uy tín. Đây là cơ sở dữ liệu quan trọng để theo dõi, đánh giá, xếp hạng uy tín của từng nhà thầu; làm cơ sở đưa vào tiêu chí đánh giá hồ sơ dự thầu về kỹ thuật theo quy định trong các hồ sơ mời thầu mua gạo dự trữ quốc gia các đợt đấu thầu tiếp theo.

 

 

Bích Nguyệt - Thời báo Tài chính Việt Nam



Các tin đã đưa ngày: