Gạo Dự trữ Quốc gia đến với học sinh nghèo nơi địa đầu Tổ quốc

(29/03/2017)

Những ngày cuối tháng 3, tôi may mắn được theo đoàn công tác của Tổng cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) do đồng chí Lê Văn Thời, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN làm trưởng đoàn đến kiểm tra công tác hỗ trợ gạo cho học sinh vùng đặc biệt khó khăn tại một số điểm trường của huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Đến những nơi này, tôi mới thực sự thấm thía những khó khăn, thiếu thốn của thầy cô và các em học sinh cũng như cảm nhận một cách sâu sắc ý nghĩa của chính sách hỗ trợ gạo cho học sinh tại các trường ở khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn của Chính phủ.

Nối dài thêm những ước mơ được cắp sách đến trường

Mặc dù trong những năm gần đây cuộc sống của người dân đã từng bước được cải thiện nhờ chính sách giảm nghèo luôn được Nhà nước ưu tiên, tuy nhiên ở khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn vẫn còn rất nhiều người dân đời sống khó khăn, đặc biệt nỗi lo cái đói của "Tháng ba, ngày tám” vẫn còn rất phổ biến. 

 

Ông Lê Văn Thời - Phó tổng cục trưởng Tổng cục DTNN, trưởng đoàn công tác

trực tiếp kiểm tra chất lượng gạo tại trường Tiểu học A Thượng Sơn

 

Là một xã vùng sâu, vùng xa của huyện Vị Xuyên, Hà Giang, Thượng Sơn là xã vùng 3 (vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh), tỷ lệ hộ nghèo của xã Thượng Sơn còn rất cao (hơn 51%). Các em học sinh đại đa số là người Mông, Thái, Dao… Trường có 312 em thì chỉ có 2 em là người Kinh, còn lại là người dân tộc thiểu số. Hàng ngày các em phải lặn lội leo núi, vượt sông để tới trường.

Trường tiểu học A Thượng Sơn là điểm trường đầu tiên đoàn công tác đến. Con đường đến với xã Thượng Sơn ngoằn ngèo, dốc, đứng, những chiếc xe chở gạo dự trữ quốc gia hì hục bò lên đỉnh dốc, rồi lại liên tục phanh  gấp mỗi khi xuống đèo. Hai bên đường, cây cối um tùm, nhìn qua cửa kính tôi khẽ rùng mình vì vực sâu thẳm.

Khi xe của đoàn công tác vừa đến điểm trường, các em nhỏ đã tập trung đông đủ, cười nói ríu rít. Ở đây, các em không có được những bộ áo quần trắng tinh đến trường như các em nhỏ miền xuôi. Không những thế hoàn cảnh gia đình của từng em cũng vô cùng khó khăn, cơm thường không có đủ để ăn no. Các em quấn lấy chúng tôi, nhìn chúng tôi với ánh mắt trìu mến mà các anh chị em trong đoàn công tác đều không dấu được niềm xúc động.

Các thầy cô trong trường đã nhanh tay phụ giúp bê từng bao gạo xuống xe, xếp gọn gàng trước sân trường và rồi bắt đầu giao gạo cho các em. Gương mặt các em học sinh trở nên rạng rỡ vô cùng khi được nhận gao của Chính phủ.

Tôi nhớ như in ánh mắt và nụ cười rạng rỡ của em Hồ Văn Nhứt, học sinh Trường tiểu học A Thượng Sơn. Em đã không giấu được sự hăm hở, mong  ngóng khi được nhận gạo hỗ trợ. Đã từ lâu lắm rồi, mỗi tuần về nhà, Nhứt không còn phải lo mang theo gạo xuống trường nữa. Gạo  của Chính phủ được các anh, các chị cán bộ ngành dự trữ quốc gia vận chuyển đến tận tay. Những  bữa cơm thơm dẻo luôn đón chờ các em sau mỗi buổi học. Vì thế, bạn nào đến lớp cũng khỏe mạnh và chăm chỉ học tập.

Tôi thật xúc động khi bắt gặp hình ảnh của các em sải dài trên đất sỏi vội vã cùng bố mẹ chở xe gạo về bản. “Cảm ơn Đảng,  Chính phủ đã cho gạo để các con chúng tôi được đến trường. Chúng tôi hiểu ra rồi, dù nghèo đến mấy cũng phải cố gắng cho con đi học để lấy cái chữ, sau này về giúp thôn bản. Mà phải cho con đi học đầy đủ, Đảng và Chính phủ sẽ giúp đỡ và hỗ trợ!”- Bà mẹ người Dao vừa quệt mồ hôi nói.

Đưa gạo dự trữ quốc gia đến tận tay đồng bào

Không riêng gì Nhứt và bà mẹ người Dao, trong 4 năm học qua, hàng trăm ngàn học sinh nghèo và phụ huynh trong cả nước đều có chung tâm trạng phấn khởi. Nếu không được cùng các anh chị trong đoàn trực tiếp giao gạo cho các em học sinh những bản làng xa xôi nới địa đầu Tổ quốc thì có lẽ tôi sẽ không thể hiểu hết khó khăn của các em, của đồng bào dân tộc. Gạo đến với các em học sinh lúc này rất cần thiết. Ngoài việc tiếp sức cho các em đến trường, gạo còn giúp các hộ có con em đi học đủ lương thực để vượt qua cái đói trong những ngày giáp hạt.

Đặc biệt, tại đây, để kiểm tra kỹ hơn về chất lượng gạo giao cho các em học sinh, ông Lê Văn Thời còn yêu cầu nhà trường lấy gạo nấu cho các em ăn. Nhìn những bát cơm nóng hổi, tỏa mùi thơm, các em ăn ngon miệng, trưởng đoàn công tác không dấu được niềm vui. Ông tâm sự: “Có thể khẳng định chất lượng gạo DTQG ở bất cứ thời điểm nào, khi xuất cho người sử dụng luôn đảm bảo chất lượng theo quy định. Quy trình nhập, bảo quản, xuất cấp gạo dự trữ quốc gia, được chúng tôi thực hiện rất chặt chẽ. Trước tiên, khi nhập kho, gạo phải đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng đã được qui định trong qui chuẩn quốc gia về gạo DTQG mới được nhập kho; trong quá trình bảo quản, các đơn vị DTNN áp dụng công nghệ bảo quản kín để bảo quản gạo được lâu dài theo quy định. Khi xuất gạo cho người sử dụng, các Cục DTNN khu vực phải lấy mẫu, cùng với đơn vị tiếp nhận đối chứng và cùng ký biên bản lưu lại mẫu gạo đã xuất kho…”.

 

Để kiểm tra kỹ hơn về chất lượng gạo, Trưởng đoàn công tác Tổng cục DTNN

yêu cầu nhà trường lấy gạo nấu cơm cho các em

 

Thầy giáo Phạm Tiếp Lực, Hiệu trưởng Trường tiểu học A Thượng Sơn cũng tâm sự với chúng tôi rằng: “Công tác kiểm tra gạo DTQG rất chặt chẽ. Chúng tôi đều thành lập ban tiếp nhận, quản lý, sử dụng gạo hỗ trợ cho học sinh, gồm có đại diện Ban giám hiệu nhà trường, công đoàn, đoàn thanh niên nhà trường, tổng hội, giáo viên chủ nhiệm và đại diện Ban Chi hội phụ huynh, đại diện chính quyền địa phương sở tại để giám sát quản lý. Số lượng gạo hỗ trợ luôn được công khai: Mỗi ngày ăn bao nhiêu, còn bao nhiêu. Chúng tôi đã lựa chọn nhà kho, gian phòng cao, khô ráo nhất và có kê lót để bảo quản gạo cho các em”.

Những năm học gần đây, nhờ có chính sách hỗ trợ gạo cho học sinh nghèo của Thủ tướng Chính phủ nên đã giúp các trường khó khăn của huyện Vị Xuyên nói chung và trường Trường tiểu học A Thượng Sơn của chúng tôi nói riêng giải được bài toán khó mà nhiều năm nay những người làm giáo dục vùng cao đều trăn trở. Mỗi chuyến hàng chở gạo dự trữ quốc gia về hỗ trợ cho các em học sinh dường như đã và đang nối dài thêm những ước mơ được cắp sách đến trường trong cơm no, áo ấm của học sinh nghèo nơi địa đầu Tổ quốc”, Thầy Phạm Tiếp Lực nhấn mạnh.

Từ điểm trường này, đoàn công tác của Tổng cục DTNN lại lần lượt đến kiểm tra các điểm giao gạo ở huyện Bắc Quang, Xín Mần, Hoàng Su Phì, Vị Xuyên, Bắc Mê và thành phố  Hà Giang. Ở điểm  trường nào, cũng cảm nhận được sự tận tụy, hết lòng vì các em học sinh của các anh, các chị cán bộ ngành dự trữ.

Qua thời gian tiếp xúc và làm việc với các đồng chí lãnh đạo Sở Giáo dục Đào tạo, Phòng giáo dục huyện và các cơ quan chức năng của các huyện, đều thấy được ở đây sự nhiệt tình, trân trọng, tạo nhiều điều kiện để đoàn công tác chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ chính trị rất quan trọng này, cùng đưa gạo của Chính phủ đến tận tay học sinh ở những vùng xa xôi hẻo lánh, thể hiện rõ sự quan tâm của Đảng và Chính phủ, thấm đầy ý nghĩa và tính nhân văn.

Từ những huyện vùng cao của tỉnh Hà Giang, đoàn công tác chúng tôi quay xe trở về khi mặt trời bắt đầu xuấng sau những đỉnh núi. Lúc này mỗi người đều kể về một địa danh ở nơi đây đã rất nổi tiếng trong sách vở như di tích kiến trúc nhà Vương, cột cờ Lũng Cú, phố cổ Đồng Văn, đèo Mã Pì Lèng, núi Đôi Quản Bạ để rồi hẹn nhau vào dịp khác sẽ ghé chơi. Và tất cả chúng tôi cùng mong ước, đến khi đó sẽ là một chuyến du lịch thảnh thơi và sẽ được gặp lại những gương mặt thân quen từ cuộc gặp hôm nay khi đó các em đã trưởng thành và là chủ nhân dựng xây vùng đất địa đầu Tổ quốc này ấm no, đẹp giàu.

 

 

Một số hình ảnh của Đoàn kiểm tra công tác hỗ trợ gạo cho học sinh vùng đặc biệt

khó khăn tại một số điểm trường của huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang

 

 

Trong điều kiện vận chuyển gặp rất nhiều khó khăn, gạo Chính phủ được cán bộ ngành dự trữ

vận chuyển kịp thời đến từng điểm trường cho các em học sinh vùng cao Hà Giang

 

Với số gạo được hỗ trợ, nhà trường đã sử dụng để tổ chức nấu ăn tập trung cho các em học sinh;

nhà trường trực tiếp quản lý, cùng với sự tham gia giám sát của chính quyền,

đoàn thể xã, bản, qua đó quản lý chặt chẽ và sử dụng đúng mục đích

 

 

Ông Lê Văn Thời, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN thăm

và kiểm tra bếp ăn tập thể của Trường tiểu học A Thượng Sơn

 

Chính sách hỗ trợ gạo đã góp phần giúp các em học sinh vùng cao có

được những bữa cơm no đủ hơn

 

 

Nhờ có gạo hỗ trợ của Chính phủ, các em học sinh yên tâm học tập,

không bỏ trường, bỏ lớp và còn là động lực để các em phấn đấu học tập

 

Phạm Việt Hà - Nguyễn Hồng Sâm