Lần đầu tiên có một Luật chuyên ngành về Dự trữ Quốc gia

(05/12/2012)

Luật Dự trữ quốc gia (DTQG) đã được thông qua tại kỳ họp họp thứ 4, phiên họp ngày 20/11/2012 Quốc hội khóa XIII. Sự kiện này đã mở ra một trang mới cho hoạt động DTQG vì lần đầu tiên trong lịch sử hoạt động có một Luật chuyên ngành về DTQG. DĐDN đã có cuộc trao đổi với Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước, ông Phạm Phan Dũng xung quanh sự kiện này.

Ông Phạm Phan Dũng chia sẻ, khi Quốc hội khóa XIII thông qua dự án Luật Dự trữ quốc gia tại kỳ họp thứ 4, phiên họp ngày 20/11/2012 với tỷ lệ thông qua tới 99,8%, toàn thể cán bộ công chức ngành DTQG vô cùng phấn khởi và tự hào. Đây là niềm mong đợi của ngành từ rất lâu. Để có được niềm vui to lớn này, trước hết là được sự quan tâm, giúp đỡ của Bộ Tài chính, của các Bộ, ngành Trung ương và địa phương; sự giúp đỡ, chia sẻ và ủng hộ của các Ủy ban của Quốc hội, của các đại biểu quốc hội và sự quyết tâm phấn đấu không mệt mỏi của cán bộ công nhân viên toàn ngành. Đây là kết quả rất đáng khích lệ. Chúng tôi coi sự thành công này đánh dấu bước phát triển mới ngành DTQG nói riêng và của Bộ Tài chính nói chung, khẳng định vị thế của hoạt động dự trữ quốc gia trong giai đoạn lịch sử nhất định.

- Quốc hội khóa XIII chính thức thông qua dự án Luật DTQG tại kỳ họp thứ 4, phiên họp ngày 20/11/2012 với tỷ lệ lên tới 99,8%. Tuy nhiên, quá trình soạn thảo dự án Luật DTQG không phải là một chặng đường đơn giản, thưa Tổng cục trưởng?

Qúa trình chuẩn bị xây dựng dự án Luật DTQG được Bộ Tài chính chỉ đạo rất rất chặt chẽ, công phu và triển khai xây dựng trong thời gian rất ngắn. Trước hết, ngay từ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII, được phép của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã phối hợp Ủy ban Kinh tế và Ngân sách Quốc hội (Khóa XII) tiến hành giám sát. đánh giá và tổng kết quá trình thưc hiện Pháp lệnh DTQG để báo cáo Quốc hội. Sau 8 năm thực hiện, Pháp lệnh DTQG cũng bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, một số quy định chưa đồng bộ với các luật khác, chưa đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật, chưa đáp ứng yêu cầu hoạt động dự trữ quốc gia trong điều kiện mới. Đồng thời để bảo đảm sự điều hành, sử dụng nguồn lực DTQG của Nhà nước theo nguyên tắc tập trung, thống nhất, có hiệu lực và hiệu quả nhằm nâng cao vai trò của DTQG trong tình hình mới cần phải hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung và nâng cấp lên thành Luật DTQG.

Sau quá trình đánh giá tổng kết, triển khai thực hiện Nghị quyết số 07/2011/QH13 của Quốc hội khóa XIII về Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2012, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã thành lập Ban soạn thảo dự án Luật DTQG do đồng chí Nguyễn Hữu Chí, Thứ trưởng Bộ Tài chính làm trưởng ban soạn thảo, Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước là Phó ban thường trực ban soạn thảo và các thành viên gồm cán bộ một số bộ ngành tham gia quản lý hoạt động DTQG như: Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Giao thông vận tải. Ngoài ra có một số cán bộ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và của các Vụ chức năng của Bộ Tài chính như: Vụ Pháp chế, Vụ Ngân sách Nhà nước, Vụ Kế hoạch Tài chính, Cục Quản lý giá…

Từ khi giao nhiệm vụ đến nay, chỉ trong vòng 6 tháng Ban soạn thảo đã hoàn thành việc xây dựng Luật DTQG. Trong thời gian rất ngắn, Ban soạn thảo đã khẩn trương triển khai một số công việc có liên quan. Theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, để trình được dự Luật sang Quốc hội thì cơ quan soạn thảo phải chuẩn bị 10 loại văn bản, bao gồm: Tờ trình Quốc hội; Báo cáo tóm tắt; Dự thảo Luật; Thuyết minh chi tiết dự án Luật; Báo cáo đánh giá tác động của dự án Luật; Bản tổng hợp ý kiến góp ý của cơ quan, tổ chức cá nhân về dự án Luật; Báo cáo tổng kết, đánh giá tình hình triển khai thực hiện Pháp lênh DTQG từ năm 2004-2011; Báo cáo kinh nghiệm quốc tế; Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật DTQG và công văn thẩm định dự án luật của Bộ Tư pháp. Như vậy, để triển khai đồng bộ tất cả công việc, dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Tài chính, các Vụ chức năng của Bộ Tài chính mà trực tiếp là Vụ Pháp chế đã phối hợp với Tổng cục DTNN chuẩn bị và hoàn thiện các văn bản. Suốt trong quá trình chuẩn bị có sự phối hợp chạt chẽ của Bộ Tư pháp và Văn phòng Chính phủ.

Theo đúng kế hoạch, sau khi có sự thẩm tra của Ủy ban Tài chính – Ngân sách và qua một số phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự án Luật Dự trữ quốc gia đã được trình ra Quốc hôi cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII, diễn ra vào tháng 5/2012. Trên cơ sở ý kiến đóng góp của các Đại biểu Quốc hội, cơ quan thẩm tra (Ủy ban Tài chính Ngân sách , Ủy ban Pháp luật của Quốc hôi) cùng với cơ quan soạn thảo (Bộ Tài chính, Tổng cục DTNN) đã phối hợp tiếp thu, chuẩn bị giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội để thông qua dự án Luật DTQG tại kỳ họp thứ 4 (tháng 11/2012).

- Thưa Tổng cục trưởng, có thể nói đây là thời điểm “bước ngoặt” với ngành DTQG. Vậy nhiệm vụ trong ngắn hạn và dài hạn đặt ra với Tổng cục như thế nào?

Luật Dự trữ quốc gia là luật chuyên ngành và có những nét đặc thù riêng cần phải tuyên truyền, giải thích đến các Đoàn đại biểu quốc hội. Vì vậy được phép của Bộ trưởng Bộ Tài chính và Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, Tổng cục DTNN đã tổ chức các đợt tiếp xúc với các đoàn đại biểu Quốc hội để báo cáo những nét về hoạt động của ngành Dự trữ Quốc gia, đồng thời giới thiệu và giải thích rõ một số  nội dung trong Dự thảo Luật Dự trữ quốc gia. Trong thời gian ngắn giữa hai kỳ họp thứ 3 và thứ 4, Ban soạn thảo cũng tiếp xúc được với gần 30 đoàn đại biểu Quốc hội trên tổng số 63 đoàn để báo cáo nội dung này. Kết quả tương đối khả quan. Bước vào kỳ họp thứ 4, Cơ quan thẩm tra và Ban soạn thảo tiếp tục báo cáo với Ủy ban thường vụ Quốc hội một số nội dung cần chỉnh sửa. Đến nay (ngày 20/11/2012) các đại biểu quốc hội đã thông qua dự án Luật DTQG với tỉ lệ gần như tuyệt đối.

Sau khi Luật DTQG được Quốc hội thông qua, công việc tiếp theo còn rất nhiều. Trước hết, chúng tôi cùng phối hợp với cơ quan thẩm tra (Ủy ban Tài chính- Ngân sách, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội) rà soát, chuẩn văn bản cuối cùng của dự án Luật DTQG. Luật DTQG sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2013. Như vậy, từ nay đến đấy, khoảng thời gian còn lại cũng rất ngắn. Chúng tôi cũng đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện dự án Luật DTQG, trong đó có một số việc nổi lên như sau:

Thứ nhất, phải tuyên truyền, phổ biến, quán triệt sâu, rộng Luật DTQG đến tất cả mọi tầng lớp dân cư cũng như cán bộ trong ngành, các cấp để mọi người có thể hiểu rõ được Luật DTQG, giúp cho quá trình triển khai, thực hiện được thuận lợi. Rút kinh nghiệm từ một số dự án luật thì vấn đề tuyên truyền, giới thiệu và giải thích rõ những nội dung của Luật là rất quan trọng. Muốn làm được việc này thì trước hết phải nhờ các cơ quan báo chí, truyền thông đại chúng. Thông qua đó, mọi người sẽ hiểu rõ hơn về hoạt động DTQG, để chúng ta có thể thực hiện tốt ngay từ thời điểm đầu tiên khi Luật có hiệu lực.

Thứ hai, phải chuẩn bị những văn bản hướng dẫn, bao gồm một số văn bản như: Nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư... để 1/7/2013, chúng ta có thể thực hiện  theo Luật mới.

Thứ ba, là rà soát lại tất cả những điểm còn hạn chế, tồn tại được Luật DTQG chỉ ra và khơi thông, tạo ra sức chuyển biến mới cho toàn ngành để cán bộ công chức của Tổng cục DTNN nói riêng và của cả ngành DTQG nói chung thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.

- Xin cảm ơn ông!       
            
 
                       Báo Diễn đàn Doanh nghiệp Điện tử
 


Các tin đã đưa ngày: