56 năm ngành Dự trữ quốc gia: Sẵn sàng trước mọi tình huống

(08/08/2012)

Phóng viên: Thưa Tổng cục trưởng, với tư cách là người đứng đầu ngành Dự trữ Nhà nước, xin ông điểm lại những thành tựu nổi bật mà ngành đã đạt được trong 56 năm qua?

Ông Phạm Phan Dũng: Hoạt động dự trữ quốc gia có vai trò quan trọng đối với việc phát triển bền vững, bảo đảm ổn định chính trị - kinh tế - xã hội. Dự trữ quốc gia là nguồn dự trữ chiến lược của Nhà nước nhằm chủ động đáp ứng những yêu cầu cấp bách về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh; bảo đảm quốc phòng, an ninh. Ngoài ra, dự trữ quốc gia còn có nhiệm vụ tham gia bình ổn thị trường, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và thực hiện các nhiệm vụ đột xuất, cấp thiết khác của Nhà nước. 56 năm phấn đấu, xây dựng và trưởng thành của ngành dữ trữ là cả một chặng đường dài vất vả, nhưng cũng đầy tự hào. Trải qua quá trình phát triển với rất nhiều biến đổi về tổ chức và phương thức quản lý, khi phân tán, lúc tập trung, ngày nay DTQG đã trở thành một hệ thống tổ chức vững mạnh, gồm Tổng cục DTNN và 10 bộ, ngành quản lý hàng dữ trữ. Trong đó, Tổng cục DTNN là tổ chức trực thuộc Bộ Tài chính, thực hiện chức năng quản lý nhà nước các hoạt động dữ trữ quốc gia và trực tiếp quản lý các loại hàng chiến lược theo phân công của Chính phủ. Tổng cục DTNN được tổ chức theo hệ thống dọc với 3 cấp quản lý: Tổng cục, Cục DTNN khu vực và chi cục DTNN. 

Các mặt hàng DTQG rất đa dạng và nhiều chủng loại, từ máy bay trực thăng cứu hộ, cứu nạn, các loại vật tư thiết bị phục vụ an ninh, quốc phòng; các hàng hóa phục vụ dân sinh như xăng dầu, thuóc phòng chống dịch cho người, cho gia súc, gia cầm, đến hạt gạo, hạt muối …được dự trữ tại nhiều đơn vị trên những địa bàn trọng điểm. Do thời gian dự trữ dài nên yêu cầu về đảm bảo chất lượng được đặt lên hàng đầu. Đến nay chất lượng hàng bảo quản tại các đơn vị luôn được đảm bảo. Công tác bảo quản hàng dự trữ nhà nước được thực hiện theo đúng quy trình, quy phạm của ngành. Nhà kho luôn sạch sẽ, kê lót đảm bảo chất lượng, an toàn về số lượng; sổ sách theo dõi công tác bảo quản ghi chép đầy đủ, rõ ràng, phản ánh trung thực chất lượng hàng hóa đang bảo quản. Thông qua công tác xuất đổi hàng luân phiên hằng năm, ngành DTNN đã góp phàn quan trọng trong công tác tham gia điều tiết quan hệ cung - cầu của thị trường đối với nhiều loại hàng hóa, nhất là lương thực và một số vật tư, thiết bị quan trọng khác.

Với quy mô quỹ DTQG còn khiêm tốn song Chính phủ đã sử dụng có hiệu quả trang thiết bị, vật tư, hàng hóa DTQG để đáp ứng những yêu cầu cấp bách, trong đó ưu tiên cho nhiệm vụ an sinh xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng. Số lượng hàng DTQG xuất cấp theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ qua các năm bao gồm: hơn 300 ngàn tấn gạo, gần 20 triệu liều vắcxin, 532 ngàn chiếc phao cứu sinh, 662 bộ xuồng cao tốc, hơn 20 ngàn bộ nhà bạt các loại, 140 bộ thiết bị chữa cháy, 113 xe ô tô đặc chủng; 224 ngàn lít thuốc sát trùng, 2.800 tấn hóa chất, hơn 7.000 tấn giống cây trồng, trên 4.000 tấn muối và nhiều trang thiết bị, vũ khí phòng chống bạo loan, khủng bố. Mặt khác, hàng DTQG tạm xuất, tái nhập phục vụ nhiệm vụ an ninh, quốc phòng đã hỗ trợ các lực lượng chuyên ngành tổ chức an toàn nhiều sự kiện chính trị, xã hội và phục vụ quan hệ đối ngoại của nước ta trong thời gian qua. Ngoài ra, Nhà nước ta đã sử dụng nguồn lương thực DTQG viện trợ nhân đạo cho nhân dân một số nước gặp khó khăn như: Cu Ba, Campuchia, Indonexia, CHDC ND Triều Tiên, Mông Cổ, Angola, Mondavi… để thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả. Chính nhờ sự hỗ trợ kịp thời của Chính phủ thông qua hoạt động của ngành DTQG và nỗ lực của nhân dân cùng cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể ở các địa phương nên hoạt động sản xuất và đời sống của nhân dân trong các vùng bị thiên tai, dịch bệnh nhanh chóng được phục hồi, góp phần ổn định chính trị xã hội, thể hiện tính ưu việt của Nhà nước ta và củng cố vững chắc lòng tin của nhân dân ta đối với Đảng và Nhà nước.

Thay mặt chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ

trao cờ thi đua cho các đơn vị Tổng cục DTNN

Có được thành quả đó, trước hết là nhờ có sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, kịp thời của Lãnh đạo Bộ Tài chính, sự phối hợp tích cực của các Bộ, ngành, địa phương và các Bộ, ngành quản lý hàng DTNN, sự chỉ đạo quyết liệt với tinh thần trách nhiệm cao của tập thể Lãnh đạo Tổng cục, cùng với sự phấn đấu nỗ lực của đội ngũ CBCC, ngành Dự trữ Nhà nước.

Phóng viên: Với đặc thù công việc như vậy, thời gian qua, Ban lãnh đạo Tổng cục đã có những quyết sách gì nhằm huy động, phát huy các nguồn lực đảm bảo được các tiêu chí đặt ra, thưa ông?

Ông Phạm Phan Dũng:

Ngành DTQG luôn xác định mục tiêu phải xây dựng lực lượng dự trữ quốc gia ngày càng vững mạnh, Đến nay, tổng mức dự trữ quốc gia mới ở mức 0,5% GDP, tuy nhiên quy mô của DTQG đã được bố trí tăng dần hàng năm để đáp ứng với yêu cầu của tình hình mới. Đồng thời, với việc tăng cường tổng mức, danh mục hàng dữ trữ quốc gia cũng được nghiên cứu, xây dựng theo các nhóm hàng phù hợp với nhu cầu phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, nhu cầu an ninh, quốc phòng, phòng chống dịch bệnh, đảm bảo an sinh xã hội, góp phần ổn định kinh tế trong nước. Ðể phát huy vai trò của dự trữ quốc gia trong tình hình mới cần thực hiện tốt các giải pháp:

Trước hết về chính sách: trong năm 2012 sẽ tập trung trí tuệ và nguồn lực để hoàn thành việc xây dựng và trình Quốc hội (kỳ họp thứ 4) thông qua Luật DTQG, đồng thời trình Chính phủ ban hành các văn bản dưới luật, tạo ra khung chính sách có tính pháp lý cao đối với hoạt động DTQG. Bên cạnh đó cần phối hợp các Bộ, ngành xây dựng và thực hiện Chiến lược phát triển dự trữ quốc gia đến 2020 để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Hai là, bố trí ngân sách tăng dần hằng năm cho dự trữ quốc gia để nâng mức tồn kho hàng hóa trữ quốc gia vào năm 2015 đạt khoảng 0,8% GDP. Tăng lượng dự trữ quốc gia phục vụ an sinh xã hội và bình ổn thị trường. Danh mục mặt hàng cần dự trữ sẽ được đề xuất theo hướng lựa chọn những loại hàng chiến lược để bảo đảm tốt an ninh tài chính và an sinh xã hội.

Ba là, triển khai bố trí, sắp xếp, xây dựng hệ thống kho dự trữ quốc gia theo quy hoạch chi tiết của từng bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia; lựa chọn đầu tư xây dựng các loại hình kho, công nghệ bảo quản tiên tiến, phù hợp với điều kiện ở Việt Nam. 

Bốn là, triển khai thực hiện nghị định số 43/2012.NĐ-CP, Tổng cục DTNN phải chủ động tham mưu đề xuất cho Bộ Tài chính để phối hợp chặt chẽ với các Bô, ngành khẩn trương hoàn thành việc xây dựng và ban hành các loại định mức, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và quản lý chất lượng hàng dự trữ quốc gia. Xây dưng mô hình phòng kỹ thuật bảo quản ở cấp Cục và Chi cục với các thiết bị tiến tiến phục vụ tốt công tác bảo quản hàng DTQG

Năm là, hoàn thiện tổ chức bộ máy dự trữ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; phát triển Ngành dự trữ Nhà nước toàn diện theo hướng tăng cường vai trò quản lý Nhà nước của Tổng cục DTNN, thực hiện tốt chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tài chính quản lý nhà nước về dự trữ nhà nước và thực hiện  nhiệm vụ được giao trong trực tiếp quản lý hàng dự trữ nhà nước. Các Bộ, ngành quản lý hàng Dự trữ quốc gia cần củng cố lại đội ngũ cán bộ và bố trí đủ cán bộ làm công tác quản lý dự trữ. Việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức đủ về số lượng, có cơ cấu hợp lý, có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt và có trình độ chuyên môn ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ; kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy, tăng cường công tác xây dựng Đảng bộ - Chính quyền và các đoàn thể để trong toàn đơn vị bảo đảm trong sạch vững mạnh, luôn đoàn kết nhất trí để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

 Phóng viên: Thưa ông, để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ trong thời kỳ mới, ngành Dữ trữ cần được tạo những điều kiện gì?

Ông Phạm Phan Dũng: Chúng tôi mong rằng, trong thời gian tới, Quốc hội, Chính phủ, lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương và lãnh đạo Bộ Tài chính tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa về tạo cơ chế chính sách, về nguồn lực, về cơ sở vật chất, nhân lực để ngành dữ trữ ngày càng phát triển mạnh mẽ. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cần bố trí hợp lý các nguồn vốn nhằm tạo điều kiện để hoàn thành đầu tư xây dựng hiện đại hóa hệ thống kho dự trữ Nhà nước theo mô hình công nghệ mới, đồng thời tiến hành cải tạo, mở rộng, xây dựng trụ sở làm việc của một số đơn vị đảm bảo khang trang, sạch đẹp; từng bước cải thiện cơ sở vật chất - kỹ thuật, điều kiện làm việc của cán bộ, công chức và hệ thống kho của các đơn vị Dự trữ Nhà nước, kịp thời phục vụ yêu cầu nhiệm vụ đã được Đảng và Nhà nước giao, tạo tiền đề cho quá trình hiện đại hóa ngành DTQG.

              Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Tổng cục trưởng!

 

                    Thời báo Tài chính Việt Nam



Các tin đã đưa ngày: