Nâng tầm quy mô các kho dự trữ quốc gia

Trong nhiều năm qua, Tổng cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) đã quan tâm thực hiện tốt công tác đầu tư xây dựng, đảm bảo đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển, tính kết nối giữa các kho trong toàn ngành gắn với quy hoạch vùng chiến lược của địa phương. Đồng thời, lựa chọn nội dung đầu tư, xây dựng kho dự trữ quốc gia (DTQG) đáp ứng được các tiêu chí, tiêu chuẩn kho tập trung, đa năng, tích lượng lớn, đã nâng tầm quy mô các kho DTQG, hình thành rõ nét các kho dự trữ chiến lược trong toàn ngành.

Nhìn chung, đến nay hệ thống kho DTQG đã có bước phát triển, cơ sở vật chất phục vụ công tác quản lý nguồn lực DTQG từng bước được nâng cao, góp phần bảo quản hàng dự trữ theo phương thức hiện đại, tiên tiến.

Ngành Dự trữ Nhà nước luôn duy trì bảo quản tốt hệ thống kho tàng.

Không chỉ thực hiện tốt công tác đầu tư quy hoạch hệ thống kho dự trữ, để giữ gìn và phát huy hết tiềm năng của các vùng kho, Tổng cục DTNN đã luôn duy trì phong trào thi đua xây dựng vùng kho “An toàn, xanh, sạch, đẹp”. Phong trào thi đua này đã được duy trì, nhân rộng trong toàn ngành DTNN trong suốt hơn 20 năm qua, trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống của ngành DTNN. Phong trào hướng đến mục tiêu đảm bảo an toàn về số lượng và chất lượng hàng DTQG được giao quản lý; tận dụng quỹ đất trồng ở xung quanh vùng kho để tăng gia sản xuất, trồng cây xanh…

Nhờ phát động, triển khai một cách bài bản, khoa học, phong trào “Xây dựng vùng kho an toàn, xanh, sạch, đẹp” đã được các đơn vị trong ngành Dự trữ hưởng ứng tích cực, tạo ra sức lan tỏa lớn. Nhiều giải pháp, nhiều cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả đã được các đơn vị áp dụng.

Duy trì hoạt động kiểm tra mùa xuân

Triển khai xây dựng các điểm kho đảm bảo an toàn, xanh, sạch, đẹp, các Cục DTNN khu vực đã tổ chức thực hiện nghiêm túc hoạt động kiểm tra mùa xuân ngay từ đầu năm để đảm bảo hàng DTQG an toàn, đủ về số lượng, chất lượng theo quy định.

Đáng chú ý, thông qua công tác kiểm tra mùa xuân, các Cục DTNN khu vực đã kịp thời chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế trong công tác bảo quản, vệ sinh các điểm kho DTQG, từ đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý các mặt hàng DTQG theo quy định.

Tuy nhiên bên cạnh kết quả đạt được, phong trào thi đua xây dựng kho an toàn, xanh, sạch, đẹp vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Một số đơn vị chưa thực hiện tốt công tác vệ sinh; công tác ghi chép sổ theo dõi bảo quản chưa thường xuyên, nội dung ghi chép còn ghi chung chung, chưa rõ công việc và diễn biến chất lượng hàng hóa; Một số ngăn, lô thóc chưa đảm bảo nồng độ khí Nitơ theo quy định; phao tròn cứu sinh có hiện tượng ẩm và hấp hơi nước trên bề mặt phao và túi đựng phao…

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trên, Tổng cục DTNN yêu cầu các đơn vị nâng cao hiệu quả bảo quản hàng DTQG. Theo đó, đối với mặt hàng lương thực như thóc nhập kho năm 2019 và gạo nhập kho năm 2020, trong thời gian chờ thực hiện quy trình xuất hàng, Tổng cục DTNN yêu cầu các đơn vị thực hiện theo Công văn số 408/TCDT-KHCNBQ ngày 21/3/2022 của Tổng cục DTNN.

Đối với các ngăn, lô thóc nhập kho năm 2021 bảo quản kín bổ sung khí Nitơ có nồng độ khí chưa đảm bảo, các đơn vị tiếp tục nạp bổ sung khí Nitơ để duy trì nồng độ khí đạt >98%. Đối với một số lô gạo nhập kho năm 2021 tại các Cục DTNN khu vực có tỷ lệ hạt vàng > 0,8%.

Tổng cục DTNN đề nghị các đơn vị tăng cường kiểm tra chất lượng gạo. Trường hợp phát hiện có biểu hiện bất thường về nhiệt độ, độ ẩm, độ kín, màu sắc, mùi vị... lấy mẫu phân tích các chỉ tiêu chất lượng của gạo, kịp thời có biện pháp xử lý...

Đối với vật tư, thiết bị như nhà bạt cứu sinh, các Cục DTNN khu vực chủ động yêu cầu đơn vị đối tác thay thế lô vỏ nhà bạt, đảm bảo chất lượng theo đúng quy định; tổ chức kiểm tra ngoại quan, tiến hành phơi khô, lau chùi, vệ sinh phao tròn và bao đựng, mở cửa kho thông thoáng đối với toàn bộ số lượng phao tròn đang lưu kho bảo quản.

Đồng thời, các Cục DTNN khu vực thường xuyên vệ sinh hàng hóa DTQG, nền kho, tường kho, trần kho, màng PVC luôn đảm bảo sạch sẽ. Đồng thời, rà soát danh mục hồ sơ, tài liệu ngăn, lô hàng đảm bảo đúng theo quy định...

 

 

Nguồn: Bích Nguyệt - Thời báo Tài chính Việt Nam