Kỷ niệm 30 năm thành lập Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Nam Tây Nguyên: Hành trình 30 năm dưới “Mái nhà Dự trữ”

(06/05/2022)

 

Trong lịch sử đấu tranh giành độc lập và giữ nước của dân tộc, trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai để đi đến thắng lợi cuối cùng; ngành Dự trữ Nhà nước đã có những đóng góp thầm lặng trong công cuộc thống nhất hai miền Nam, Bắc. Tiếp nối truyền thống hào hùng đó, biết bao thế hệ cán bộ, công chức, viên chức ngành Dự trữ luôn nêu cao tinh thần, trách nhiệm, tận tụy phục vụ Nhân dân để cùng vượt qua những khó khăn, vất vả từ những ngày đất nước còn “non trẻ”, khắc phục hậu quả thiên tai, mất mùa, dịch bệnh, … mang lại cuộc sống ấm no cho đồng bào khi thiếu đói và làm tròn nghĩa vụ quốc tế cao cả, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước tin tưởng giao phó.

 

Cục DTNN khu vực Nam Tây Nguyên xuất cấp gạo DTQG

hỗ trợ nhân dân tỉnh Đắk Lắk bị ảnh hưởng dịch Covid-19

 

Sau ngày đất nước được thống nhất, với tầm nhìn chiến lược, mang tính vĩ mô trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, Đảng và Nhà nước đã có các quyết sách bảo đảm an sinh xã hội, do đó ngành Dự trữ đã hiện diện trên tất cả các tỉnh, thành phố của đất nước Việt Nam. Ngành Dự trữ có nhiệm vụ chính trị quan trọng trong công tác an sinh xã hội và bình ổn thị trường trong nước, đặc biệt là các tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, có đường biên giới tiếp giáp các nước bạn Lào, Campuchia, Trung Quốc. Trong bối cảnh đó, Chi cục Dự trữ Tây Nguyên (nay là Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Nam Tây Nguyên) được thành lập theo Quyết định số 657/DT-QĐ ngày 26/5/1992 do Cục Dự trữ Quốc gia (nay là Tổng cục Dự trữ Nhà nước) ban hành; phạm vi quản lý công tác dự trữ trên địa bàn 04 tỉnh Tây Nguyên là Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng. Những ngày đầu mới thành lập đơn vị chỉ có 03 phòng nghiệp vụ và 04 Tổng kho trực thuộc, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ cho hoạt động gần như bắt đầu từ con số “không”, phải mượn tạm nhà làm việc và một số phương tiện làm việc như bàn, tủ để làm việc; hệ thống kho thì cũ, xuống cấp, tích lượng thấp, mặt hàng dự trữ chủ yếu là thóc bảo quản bằng phương pháp đổ rời, … Có mặt từ những ngày đầu mới thành lập đơn vị, bản thân cùng với tập thể cán bộ, công chức (phần lớn được tiếp nhận là bộ đội phục viên, xuất ngũ và từ các ngành khác sang, chủ yếu là ngành lương thực) nhận thức được những khó khăn đó nhưng với tinh thần đoàn kết, yêu ngành, yêu nghề, đổi mới trong tư duy, sáng tạo trong công việc, chung sức đồng lòng cùng nhau đặt những “viên gạch” đầu tiên để xây dựng đơn vị phát triển vững mạnh.

Ngày 20/08/2009, đơn vị được đổi tên thành Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Nam Tây Nguyên, thực hiện chức năng trực tiếp quản lý hàng dự trữ quốc gia và quản lý nhà nước về dự trữ quốc gia trên địa bàn 3 tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng. Cơ cấu tổ chức của đơn vị được hoàn thiện và hoạt động ổn định, gồm 05 phòng nghiệp vụ và 02 Chi cục Dự trữ Nhà nước trực thuộc. Được sự quan tâm của Tổng cục Dự trữ Nhà nước, hệ thống kho dự trữ quốc gia của đơn vị đã từng bước được cải tạo, sửa chữa xây mới với tổng tích lượng quy đổi hơn 15.000 tấn, trụ sở làm việc khang trang. Dự kiến trong thời gian tới, đơn vị được Tổng cục đầu tư xây dựng 02 kho dự trữ quốc gia với tổng tích lượng là 5.000 tấn và nhà điều hành tại tỉnh Đắk Nông.

Ngày nay tự hào và phấn khởi khi ngành đã có Luật Dự trữ quốc gia và các văn bản dưới luật là khung pháp lý để thực thi công vụ, thế hệ trẻ được trang bị đầy đủ kiến thức sẵn sàng tiếp bước thế hệ đi trước đặt những “viên gạch” tiếp theo cho việc xây dựng “mái nhà chung”. Toàn đơn vị mạnh mẽ vươn lên theo hướng hiện đại theo kịp đà phát triển của ngành và đất nước; đời sống cán bộ, công chức được từng bước cải thiện, trình độ chuyên môn nghiệp vụ luôn được bồi dưỡng và cập nhật; phát huy tinh thần sáng tạo nâng cao trình độ năng lực chuyên môn, tu dưỡng rèn luyện đạo đức, lối sống, nâng cao bản lĩnh chính trị nỗ lực hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ cấp trên giao.

 

Gạo dự trữ quốc gia hỗ trợ học sinh các tỉnh Tây Nguyên (tháng 12/2021)

 

Giờ đây đã trải qua 30 năm công tác trong ngành Dự trữ Nhà nước với bao khó khăn thử thách, xen lẫn những cảm xúc tự hào là những bồi hồi khi nhớ về những kỷ niệm khó quên của ngày đầu được đứng chân trong hàng ngũ của những người làm công tác Dự trữ Quốc gia: khi đó để hoạt động nhanh chóng đi vào nề nếp trong điều kiện người mới, công việc mới các đồng chí lãnh đạo Chi cục lúc bấy giờ đã nhạy bén cho tổ chức những lớp tập huấn cấp tốc ngắn ngày do cán bộ chủ chốt của Chi cục hướng dẫn về nghiệp vụ bảo quản hàng dự trữ quốc gia, nghiệp vụ quản lý chuyên môn của ngành, để hỗ trợ anh em dễ dàng bắt tay vào công việc; hay những lúc mưa bão, đêm vẫn lặng thầm đi kiểm tra từng góc kho chống hắt, bảo quản an toàn hàng hoá dự trữ quốc gia; những ngày vượt suối, băng rừng mang gạo đến cho đồng bào để “ấm cái bụng” lúc thiên tai, giáp hạt; về tận các trường xa xôi trao cho các em những hạt gạo nghĩa tình của Đảng và Nhà nước giúp các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn để tiếp tục tới trường; … dù vất vả mệt nhọc nhưng trong lòng luôn hạnh phúc biết bao như lời Bác Hồ đã từng ước nguyện: "Tôi có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm cho đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành".

 

Hệ thống kho dự trữ quốc gia tại Chi cục Dự trữ Nhà nước Lâm Đồng

 

Một niềm tin và hy vọng ở tương lai, bình minh đang lên, một ngày mới bắt đầu, bóng cây Kơ-nia trải dài giữa đại ngàn Tây nguyên mùa con ong đi lấy mật. Những cán bộ, công chức Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Nam Tây Nguyên như những chú ong thầm lặng làm việc, hút mật lặng lẽ dâng cho đời. Ngoài kia tiếng loa ngoài phố đang vang lên lời bài hát vang vọng "Tôi đang nghe Tổ quốc gọi tên mình..." như thúc dục thế hệ trẻ tiếp nối truyền thống những người đi trước, quyết tâm xây dựng Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Nam Tây Nguyên không ngừng phát triển và vững mạnh để xây dựng đất nước và phục vụ Nhân dân./.

 

Trần Văn Hoa - Chi cục trưởng Chi cục DTNN Lâm Đồng