Triển khai Chính phủ điện tử tại Tổng cục Dự trữ Nhà nước

(28/08/2019)

Cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động và thúc đẩy xu hướng chuyển dịch sang tự động hóa ở mọi ngành, mọi lĩnh vực trên toàn thế giới cũng như tại Việt Nam, tạo ra nhiều cơ hội và thách thức mới cho công tác ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính phủ điện tử, đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương trong đó có Tổng cục Dự trữ Nhà nước phải chủ động, tích cực nghiên cứu, tìm hiểu về Cách mạng công nghiệp 4.0 để điều chỉnh về ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính phủ điện tử.

Nhận thức rõ tầm quan trọng trong việc ứng dụng công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) vào triển khai chính phủ điện tử và hiện đại hóa hoạt động của ngành Dự trữ quốc gia, Tổng cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) đã chỉ đạo sát sao Cục Công nghệ thông tin (CNTT) phối hợp với các đơn vị trong Tổng cục xây dựng kế hoạch hành động chi tiết để triển khai trong hoạt động của Ngành.

 

Thời gian tới, Tổng cục DTNN tiếp tục nghiên cứu triển khai phần mềm quản lý Văn bản

điều hành tại đơn vị và kết nối với Trục liên thông văn bản điện tử ngành Tài chính

 

Theo đó, ngày 22/8/2018, Tổng cục DTNN đã ban hành Quyết định số 618/QĐ-TCDT ban hành Kế hoạch hành động chi tiết của Tổng cục DTNN thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/BCSĐ ngày 09/3/2018 của Ban cán sự Đảng bộ Bộ Tài chính về triển khai ứng dụng công nghệ của CMCN 4.0 trong lĩnh vực tài chính – ngân sách. Quyết định số 618/QĐ-TCDT xác định rõ các nhiệm vụ cụ thể phải thực hiện từ nay đến năm 2025, sản phẩm đầu ra và trách nhiệm của các đơn vị từ đơn vị chủ trì đến đơn vị phối hợp trong vệc triển khai ứng dụng công nghệ 4.0 vào hoạt động của Ngành.

Một số kết quả bước đầu

Một là, xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách về ứng dụng CNTT. Tổng cục DTNN đã chỉ đạo các đơn vị chức năng xây dựng Chiến lược DTQG đến năm 2030, định hướng đến 2040; xây dựng các Thông tư về hệ thống chỉ tiêu, báo cáo thống kê DTQG làm tiền đề cho việc triển khai hệ thống phần mềm nghiệp vụ phục vụ hoạt động của Ngành trong thời gian tới. Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện, bổ sung hệ thống văn bản nội ngành hướng dẫn về ứng dụng CNTT, xây dựng Chính phủ điện tử để triển khai đồng bộ, hiệu quả trong toàn hệ thống.

Hai là, từng bước thiết lập môi trường làm việc điện tử, tích cực triển khai chương trình quản lý văn bản và điều hành cho toàn Tổng cục, kết quả là tất cả các đơn vị thuộc cơ quan Tổng cục đã khai thác sử dụng tốt các chức năng quản lý văn bản đến, văn bản đi. 100% số lượng văn bản đến đã được nhập hoàn toàn trên chương trình. Đối với văn bản đi, các đơn vị đã thực hiện 100% chuyển văn bản điện tử xuống văn thư Tổng cục để lấy số công văn, văn thư Tổng cục đã bỏ hoàn toàn việc cấp số qua sổ giấy trước đây.

Thời gian tới, Tổng cục DTNN tiếp tục nghiên cứu triển khai phần mềm quản lý văn bản điều hành tại đơn vị và kết nối với trục liên thông văn bản điện tử ngành Tài chính đảm bảo đáp ứng đầy đủ yêu cầu về thời gian triển khai, yêu cầu nghiệp vụ, quản lý theo Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg ngày 12/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước và các thông tư hướng dẫn của các bộ: Nội vụ, Thông tin và truyền thông, Tài chính.

Ba là, đẩy mạnh việc tích hợp thông tin tại cổng thông tin điện tử của ngành với cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính và các đơn vị trong Bộ, tiến tới triển khai hệ thống hỏi đáp cơ chế, chính sách tự động tích hợp trên cổng thông tin điện tử của Tổng cục.Cổng thông tin điện tử Tổng cục DTNN được xây dựng và đi vào hoạt động chính thức từ tháng 10/2009. Đến đầu năm 2012, hệ thống Cổng thông tin điện tử của Tổng cục DTNN đã được nâng cấp trên nền tảng SharePoint, phục vụ công tác quảng bá thông tin và chỉ đạo điều hành của Tổng cục. Hiện nay, hệ thống Cổng thông tin điện tử được duy trì hoạt động ổn định, vận hành thông suốt và bảo dưỡng, bảo trì hàng năm với nội dung, chất lượng của Cổng thông tin điện tử ngày càng hoàn thiện, cung cấp đầy đủ, kịp thời những thông tin của ngành DTQG nói riêng và ngành Tài chính nói chung, phục vụ tốt cho tuyên truyền, quảng bá và chỉ đạo điều hành.

Bốn là, tiếp tục hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật CNTT, triển khai các giải pháp kỹ thuật đảm bảo an toàn an ninh thông tin phục vụ cho việc triển khai các dịch vụ và phần mềm ứng dụng CNTT tại các đơn vị trong toàn Tổng cục, đáp ứng sẵn sàng cho yêu cầu thực hiện chính phủ điện tử. Trong những năm qua, Tổng cục DTNN đã đầu tư, cấp trang thiết bị CNTT cho các đơn vị trong toàn Ngành, đến nay, về cơ bản đã trang cấp đủ trang thiết bị đầu cuối (máy tính, máy in) đáp ứng yêu cầu sử dụng, khai thác các phần mềm và dịch vụ CNTT cho toàn bộ cán bộ nghiệp vụ tại các đơn vị trong toàn hệ thống. Bên cạnh đó, tiếp tục duy trì hoạt động ổn định hệ thống an toàn an ninh thông tin, đặc biệt hệ thống virus nói riêng cho các máy chủ và máy trạm trong toàn Tổng cục, 100% các đơn vị được triển khai các giải pháp thiết bị tường lửa hệ thống mạng và phần mềm diệt virus có bản quyền cho máy trạm.

Những giải pháp cần làm ngay

Một là, cần quán triệt nhận thức trong toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức, đặc biệt đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo về những tác động của cuộc CMCN 4.0 đối với việc thực hiện chính phủ điện tử tại Tổng cục DTNN. Từ đó, đưa ra những kế hoạch hành động cụ thể; từng cán bộ, công chức và từng đơn vị trong Tổng cục cần có những sáng kiến, giải pháp cụ thể để cải cách, hoàn thiện tổ chức và hoạt động của đơn vị, đáp ứng yêu cầu phát triển của cuộc CMCN 4.0.

Hai là, tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về DTQG, đổi mới quy trình nghiệp vụ để theo kịp sự phát triển của nền kinh tế số, công nghiệp thông minh.

Ba là, đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu công nghệ hiện đại vào hoạt động quản lý ứng dụng CNTT nhằm hiện đại hoá cơ sở hạ tầng kỹ thuật, xây dựng hệ thống điện tử kết nối và liên thông từ Trung ương tới địa phương, ứng dụng mạnh mẽ CNTT gắn chặt với công cuộc cải cách hành chính; đồng thời, tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thông tin để nắm bắt cơ hội phát triển trong cuộc CMCN 4.0.

Bốn là, xây dựng đội ngũ công chức DTNN có cơ cấu phù hợp; có trình độ, năng lực, bảo đảm có thể ứng dụng nhiều thành tựu công nghệ hiện đại của cuộc CMCN 4.0 vào công tác quản lý, điều hành của Tổng cục DTNN.

 

Nguyễn Trần Duy - Cục trưởng Cục CNTT



Các tin đã đưa ngày: