Bộ trưởng Bộ Tài chính trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội

(02/11/2018)

Trong 2 ngày đầu của phiên chất vấn các thành viên Chính phủ tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, khá nhiều ĐBQH dành sự quan tâm cho lĩnh vực tài chính – ngân sách nhà nước. Cổng TTĐT Tổng cục Dự trữ Nhà nước xin đăng tải toàn bộ nội dung phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng.

 

 

ĐB Vũ Thị Lưu Mai - TP Hà Nội:

Tại Nghị quyết 25 của Quốc hội đã đề ra nhiệm vụ tiếp tục sửa đổi, bổ sung chính sách thu, nâng dần tỷ lệ huy động GDP vào ngân sách nhà nước, hạn chế tối đa việc đề ra chính sách làm giảm thu ngân sách nhà nước. Tại Kỳ họp thứ 4, khi trả lời trước Quốc hội thì đồng chí Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng đã khẳng định tính đúng đắn của nhiệm vụ trên. Tuy nhiên, kỳ họp này, tại Báo cáo 507 của Chính phủ về tái cơ cấu nền kinh tế đã đề ra nhiệm vụ sớm ban hành chính sách cắt giảm mạnh mẽ các loại thuế, phí. Vì vậy, trân trọng đề nghị Bộ trưởng cho biết quan điểm của mình về vấn đề này, về tính nhất quán trong ban hành và thực hiện chính sách. Giải pháp nào được coi là quan trọng nhất để thực hiện một nguyên tắc cơ bản của thuế đó là bảo đảm hài hòa về lợi ích giữa người nộp thuế và nhà nước.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng:

Triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII, phải tái cơ cấu lại ngân sách, quản lý an toàn nợ công, chúng tôi đã báo cáo với Ban Cán sự Đảng Chính phủ trình ra Bộ Chính trị và ban hành Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị. Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 25 về kế hoạch tài chính ngân sách 5 năm. Trong điều kiện chúng ta cắt giảm thuế quan do hội nhập quốc tế, giảm nguồn thu ngân sách Trung ương do giá dầu thô giảm thì việc chúng ta phải điều chỉnh lại các chính sách thuế là vô cùng hợp lý. Trong Nghị quyết 07 Bộ Chính trị và Nghị quyết 25 Quốc hội, trong các giải pháp thực hiện có giải pháp điều chỉnh và bổ sung 8 luật thuế trong đó có thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế bảo vệ môi trường, thuế tài nguyên và nghiên cứu để trình với cấp thẩm quyền ban hành thuế tài sản.

Thời gian qua, bám sát chương trình hành động của Chính phủ về triển khai thực hiện Nghị quyết 07 Bộ Chính trị và 25 Quốc hội chúng tôi đang quyết liệt tổng kết đánh giá các luật thuế này cũng như tổng kết các kinh nghiệm quốc tế. Theo tinh thần chung là điều chỉnh chính sách thuế đảm bảo tính trung lập của thuế cũng như mở rộng cơ sở thu, bám sát khuyến nghị của IMF. Qua tổng kết đánh giá thấy rõ trong chính sách thuế của ta còn lồng ghép nhiều chính sách an sinh xã hội, kể cả chính sách ưu đãi về thuế để thu hút đầu tư theo quy mô vốn, vùng miền, công nghệ, sản phẩ,…, rõ ràng chúng ta đang thu hút rất dàn trải. Chúng tôi sẽ tổng kết đánh giá, báo cáo Quốc hội. Chúng ta phải đảm bảo điều chỉnh chính sách thuế nhưng đảm bảo tỷ lệ theo huy động cho ngân sách nhà nước, tức là đảm bảo nguồn thu ngân sách nhà nước đồng thời tăng cường cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế để tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh và đảm bảo hài hòa cũng như phù hợp các sắc thuế của chúng ta, phù hợp thông lệ quốc tế.

ĐB Phạm Văn Hòa - Đồng Tháp:

Câu thứ hai xin gửi tới Bộ Tài chính. Hiện nay nợ nước ngoài, quốc gia đang tăng nhanh, tiệm cận ngưỡng an toàn của Quốc hội cho phép là 50% GDP, chủ yếu là của doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng tự vay, tự trả tăng đột biến, như vậy sẽ rất khó kiểm soát chi tiêu nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn Quốc hội cho phép. Nếu các doanh nghiệp này là doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp nhà nước chiếm cổ phần chi phối không có khả năng trả nợ thì nợ này ai trả vì các loại doanh nghiệp này là của nhà nước, tài sản nhà nước sử dụng phần lớn là tài sản công, xin Bộ trưởng nói rõ cho cử tri biết.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng:

Nợ nước ngoài của quốc gia tăng nhanh và khó kiểm soát nợ nước ngoài. Trường hợp doanh nghiệp nhà nước vay mà không trả được nợ thì ai trả.

Báo cáo với Quốc hội, theo quy định của Luật Quản lý nợ công, nợ nước ngoài của quốc gia bao gồm nợ nước ngoài của Chính phủ, nợ nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh và nợ nước ngoài của doanh nghiệp theo phương thức tự vay, tự trả trong đó nợ nước ngoài của Chính phủ và nợ nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh thuộc phạm vi nợ công. Thời gian qua chúng ta thực hiện nhiệm vụ, giải pháp cơ cấu lại nợ công nên đối với nợ nước ngoài Chính phủ chúng ta đã tích cực cơ cấu lại giảm dần tỷ trọng vay nước ngoài từ 60% năm 2011 xuống còn 40% năm 2018. Trong đó, tỷ lệ nợ nước ngoài của Chính phủ giảm từ 24% GDP cuối 2011 xuống còn 21% năm 2018. Đối với nợ nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh đã hạn chế cấp bảo lãnh của Chính phủ nên giảm từ 10,9% GDP 2015 xuống còn 8,7% năm 2018. Trong đó bảo lãnh nước ngoài giảm từ 5,9% GDP cuối 2015 còn khoảng 5% cuối năm 2018. Riêng đối với nợ nước ngoài tự vay tự trả của doanh nghiệp đang có xu hướng tăng nhanh trong những năm gần đây. Năm 2016 tăng 25,7% so với năm 2015, năm 2017 tăng 39,6% so với năm 2016, đây là nguyên nhân chính dẫn đến gia tăng nợ nước ngoài của quốc gia. Chỉ số nợ nước ngoài của quốc gia so với GDP là 42%, 44,8% hoặc 48,9% tương ứng các năm 2015, 2016, 2017 và dự kiến cuối năm 2018 là 49,7%, sát ngưỡng 50% như đại biểu đã nêu.

Quán triệt nghị quyết của Bộ Chính trị và nghị quyết Quốc hội là không dùng ngân sách nhà nước để tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Đồng thời khoản nợ nước ngoài của doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế bao gồm doanh nghiệp nhà nước, tổ chức tín dụng theo cơ chế tự vay, tự trả là bên vay có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ trả nợ theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, doanh nghiệp nhà nước là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên chịu trách nhiệm hữu hạn trên tổng số vốn điều lệ được cấp. Trường hợp doanh nghiệp không trả được nợ có thể thực hiện phá sản theo quy định pháp luật.

Theo quy định Chính phủ tại Điều 9 Nghị định 219 năm 2013 Ngân hàng nhà nước được giao quản lý các khoản nợ nước ngoài tự vay tự trả của doanh nghiệp và tổ chức tín dụng phù hợp với mục tiêu chính sách tiền tệ và quản lý ngoại hối của nhà nước. Hiện nay, Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng nhà nước chủ trì nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nhằm kiểm soát chặt chẽ hoạt động vay nước ngoài theo phương thức tự vay tự trả của doanh nghiệp và tổ chức tín dụng. Đảm bảo chỉ tiêu nợ nước ngoài quốc gia trong giới hạn đã được Quốc hội cho phép.

ĐB Nguyễn Quốc Hưng - TP Hà Nội:

Sự cần thiết cũng như việc thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch đã được quy định tại Luật Du lịch năm 2005 và Luật Du lịch năm 2017. Tuy nhiên, từ đó đến nay, Chính phủ vẫn còn nợ ngành du lịch Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch. Xin Bộ trưởng cho biết, nguyên nhân của sự chậm trễ này, khó khăn trở ngại gì, đâu và trách nhiệm thuộc về ai?

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng:

Ý kiến của đại biểu về Quỹ phát triển du lịch. Đúng như hôm qua Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đã báo cáo trước Quốc hội, Chính phủ giao cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì soạn thảo quỹ này. Trong quá trình soạn thảo cũng rất nhiều cuộc họp và bộ tham gia tích cực, gần đây nhất là Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã có chỉ đạo. Lâu nay cái vướng từ đầu năm đến giờ chính là địa vị pháp lý của quỹ này. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình là đơn vị sự nghiệp công lập nhưng cũng vướng, vì vừa qua Phó thủ tướng chỉ đạo thành lập quỹ này hoạt động theo cơ chế công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên. Chúng tôi vừa bàn lại cơ chế quản lý quỹ cách đây 2 tuần, tôi và Bộ trưởng Thiện trực tiếp trao đổi với nhau, thống nhất và sau đó Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoàn thiện và trình Chính phủ. Tới đây Thủ tướng sẽ có ý kiến, có thể ký được sớm. Chúng tôi nghĩ quỹ ra đời sẽ bố trí dự toán để cấp vốn điều lệ quỹ theo quy định là 300 tỷ/năm.

ĐB Mai Sỹ Diến - Thanh Hoá:

Trong các báo cáo về tài chính ngân sách gửi tới Quốc hội cho thấy Bộ trưởng đã triển khai nhiều giải pháp để thu hồi nợ đọng thuế. Tuy nhiên, nợ đọng thuế vẫn còn cao và xu hướng của năm 2018 cao hơn năm 2017. Trong nhiều nguyên nhân, tôi quan tâm đến nguyên nhân là các cơ quan chức năng đã khó kết luận hành vi đúng, sai của doanh nghiệp, của người nộp thuế và của cơ quan thuế. Xin Bộ trưởng cho biết những giải pháp của mình nhằm khắc phục nguyên nhân của tồn tại nêu trên?

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng:

Để thu hồi nợ đọng thì Bộ Tài chính đã triển khai thực hiện nhiều biện pháp để thu hồi theo đúng quy định của Luật Quản lý thuế và mấy năm gần đây đã thu nợ đọng thuế đạt khoảng 82% số nợ đọng có khả năng thu. Cụ thể, năm 2016 đã thu được 40.049 tỷ đồng, tăng 6,6% so với cùng kỳ. Năm 2017 thu được 44.773 tỷ đồng, tăng 12% so với năm trước và 9 tháng đầu năm 2018, chúng tôi đã thu được 25.382 tỷ đồng, đạt 61% số tiền nợ đọng thuế có khả năng thu hồi đến ngày 31/12/2017. Đồng thời hàng năm đã đôn đốc, thu hồi các khoản thuế truy thu, tiền phạt theo kết luận của cơ quan kiểm toán và đạt trên 80% số kiến nghị tăng thu.

Về tỷ lệ nợ đọng thuế trên tổng thu nội địa thì đã giảm dần qua các năm. Năm 2016 là 8,5%, cuối năm 2017 còn 7,6% và tính đến cuối tháng 9 năm 2018 còn 7,5%.

Về tỷ lệ nợ đọng thuế có khả năng thu trên tổng thu nội địa đã giảm mạnh, năm 2016 là 5,6%, năm 2017 là 4,4% và cuối tháng 9/2018 còn 4,3%. Chúng tôi báo cáo thêm với Quốc hội, nếu so sánh với các nước trong khu vực ASEAN thì tỷ lệ nợ đọng thuế trên tổng thu nội địa của Việt Nam hiện nay ở mức khoảng 7,5%, trong khi các nước trong khu vực ASEAN bình quân là 8,5%, các nước OECD là 9,2%. Tuy nhiên, như ĐB đã nêu tổng số nợ thuế hiện nay còn rất lớn. Tính đến cuối tháng 9/2018 đang đọng 82.961 tỷ đồng, trong đó nợ thuế không có khả năng thu hồi chiếm 42,1% trên tổng số nợ đọng thuế, tăng 11% so với thời điểm ngày 31/12/2017. Tiền phạt vi phạm hành chính thuế và chậm nộp thuế chiếm tỷ trọng 20% và tăng 6%. Nguyên nhân nợ thuế chủ yếu do số nợ đọng không có khả năng thu hồi của người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, giải thể phá sản và không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh và tiền phạt, tiền chậm nộp tính 0,03%/ 1 ngày. Hiện nay, theo chỉ đạo của Chính phủ chúng tôi đang tổng hợp rà soát phân tích và báo cáo Quốc hội về xử lý nợ đọng thuế không có khả năng thu hồi.

Về các biện pháp, chúng tôi đã triển khai nhiều, gần đây nhất Bộ Tài chính có Chỉ thị số 04 của Bộ trưởng về tăng cường công tác quản lý nợ và cưỡng chế thu hồi nợ để giảm nợ đọng thuế. Giao chỉ tiêu thu nợ cho từng Chi cục thuế, đến từng bộ phận, phân công từng cán bộ, công chức thu nợ và áp dụng kiên quyết các biện pháp cưỡng chế nợ theo quy định của Luật Quản lý thuế và công khai thông người nộp thuế chây ỳ trên phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời, theo chương trình bộ đã soạn thảo và trình Chính phủ, tới đây sẽ báo cáo Quốc hội sửa đổi Luật Quản lý thuế.

ĐB Phạm Hồng Phong - Hậu Giang:

Qua kết quả kiểm toán nhà nước năm 2017, hầu hết các dự án BT đều lựa chọn nhà thầu theo hình thức chỉ định, thiếu minh bạch, giảm sự cạnh tranh. Ví dụ, dự án BT rơi vào một doanh nghiệp sử dụng 100ha đất đối ứng để tạo vốn thanh toán không qua đấu giá về đất cho một dự án đường có chiều dài 1,39 km. Như vậy, sẽ không bảo đảm tính ngang giá là kẽ hở thất thoát ngân sách nhà nước. Xin Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết giải pháp khắc phục những hạn chế trong thời gian tới.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng:

Chúng tôi thấy đúng như thế, trước ngày 1 tháng 1 năm 2018 các địa phương, các bộ, ngành thanh toán BT bằng đất theo Quyết định 23/2015 của Thủ tướng. Kể từ 1 tháng 1 năm 2018 Luật Quản lý tài sản công có hiệu lực và trong tháng 10 năm 2017, chúng tôi đã trình với Chính phủ nghị định về hướng dẫn để thanh toán dự án BT bằng tài sản công và đất. Đây là vấn đề rất phức tạp và Chính phủ cũng đã họp rất nhiều lần.

Trước tình hình như thế chúng tôi báo cáo và lãnh đạo Chính phủ cũng đã có thông báo cho tạm dừng thanh toán BT bằng đất và giao Bộ Tài chính hướng dẫn. Vừa qua, chúng tôi trình lại và đưa Chính phủ họp, Chính phủ nhất trí giao Bộ Tài chính dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về hướng dẫn dự án chuyển tiếp đến nay đã xong. Hiện Chính phủ đang lấy ý kiến thành viên Chính phủ.

Việc ngang giá, trước kia cũng ngang giá theo Quyết định 23 nhưng phần lớn khi triển khai thực hiện là các địa phương đối với dự án thanh toán BT bằng đất đều chỉ định thầu cả 2 đầu nên việc đại biểu nói là rất đúng. Tinh thần kỳ này chúng tôi đưa ngang giá nhưng có 2 ngang giá, ngang giá thứ nhất là ngang về giá trị của dự án BT với giá trị đất hoặc tài sản công thanh toán phải ngang nhau về tiền và giá thị trường.

Thứ hai là ngang giá nhưng phải đảm bảo ngang về hiện vật vì thực tế có những dự án BT khi triển khai giao chỉ định đất ví dụ dự án khoảng 400 tỷ nhưng chỉ định miếng đất tại thời điểm đó giá tạm tính tương đương nhưng 60 hecta. Đến thời điểm thanh toán khi tính lại giá đất lên đến 2.000 tỷ. Tôi cho rằng rất chặt chẽ để đảm bảo ngang giá trị nhưng cũng ngang về hiện vật, tránh tình trạng thứ 2 là chuyển sang chỉ định thầu dự án sử dụng đất hay nói cách khác là dự án đô thị. Đây là cái chúng tôi trình với Chính phủ và tinh thần chung là đấu giá 2 đầu như vậy có thể nói rất khó khăn. Các địa phương đối với dự án đất sạch rồi đưa ra đấu giá là đúng quy định Luật Đất đai nhưng phần lớn các địa phương gặp khó khăn về nguồn lực, nên chúng ta đã báo cáo Thủ tướng trong tình hình Kho bạc hiện nay đang tồn dòng tiền khá lớn, chúng tôi thấy các địa phương khó khăn thì Thủ tướng đồng ý là có thể cho các địa phương vay theo quy định đảm bảo quản lý bội chi trong năm để có nguồn lực giải phóng mặt bằng làm đất sạch đấu giá. Chắc thời gian tới Chính phủ sẽ ban hành nghị quyết này sẽ tháo gỡ khó khăn.

ĐB Quách Thế Tản - Hoà Bình:

Việc quản lý đất đai trước và sau cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước còn nhiều thiếu sót, tức là không tính hoặc tính thiếu giá trị quyền sử dụng đất khi xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa. Việc này đã dẫn đến thất thoát vốn, tài sản nhà nước. Mặt khác, những vướng mắc liên quan đến đất đai đã gây ảnh hưởng đến tiến độ, kết quả của quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Đề nghị đồng chí Bộ trưởng cho biết các giải pháp để khắc phục những hạn chế nêu trên.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng:

Về việc xác định giá trị quyền sử dụng đất của doanh nghiệp để cổ phần hóa thì thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai trong từng thời kỳ.

Theo đó, trước năm 2011 đã quy định, đất thuê trả tiền hàng năm phải tính giá trị vị trí địa lý và giá trị doanh nghiệp. Sau năm 2011 đến nay, theo quy định Luật Đất đai năm 2013 đã điều chỉnh lại việc tính tiền thuê đất sát với thị trường trong giá trị doanh nghiệp và doanh nghiệp phải nộp ngân sách nhà nước phần chênh lệch. Việc quản lý, sử dụng chặt chẽ đất đai sau cổ phần hóa ở mỗi địa phương, mỗi địa bàn tôi cho rằng trước hết là thuộc trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Trên thực tế, một số doanh nghiệp sau cổ phần hóa đã lợi dụng chính sách quản lý đất đai của nhà nước như việc di dời cơ sở ô nhiễm ra khỏi nội đô để chuyển đổi mục đích sử dụng đất mà không để thu hồi, để đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai.

Trước tình hình đó, chúng tôi đã trình với Chính phủ ban hành Nghị định 126 về chuyển công ty nhà nước về công ty cổ phần và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018. Theo đó, phương án sử đụng đất của doanh nghiệp cổ phần hóa phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, phê duyệt trước thời điểm cổ phần hóa. Sau thời điểm cổ phần hóa thì công ty cổ phần phải thực hiện quản lý và sử dụng đất của doanh nghiệp theo đúng mục đích và phương án đã được phê duyệt. Trường hợp chuyển đổi mục đích đất thì phải được thu hồi để đấu giá theo quy định. Như vậy, chúng tôi cho rằng, việc quản lý đất đai nói chung, trong đó của doanh nghiệp cổ phần hóa trước, sau cổ phần hóa nói riêng là vấn đề hệ trọng. Theo quy định của Luật Đất đai thì dù là doanh nghiệp cổ phần hay doanh nghiệp nhà nước hay doanh nghiệp thành phần khác thì khi chuyển đổi mục đích vẫn phải thu hồi để đấu giá.

Trên thực tế vừa qua cũng có một số trường hợp không đấu giá, dẫn đến dư luận tâm tư, nhiều ý kiến cho rằng thất thoát và lãng phí. Nhiều ý kiến ĐB nêu rằng vướng mắc quản lý sử dụng đất có ảnh hưởng đến quá trình cổ phần hóa của doanh nghiệp hay không. Báo cáo với ĐB, chúng tôi cho rằng cơ bản không vướng mắc, vấn đề là trong Nghị định 126 đã quy định rõ, các địa phương là nơi doanh nghiệp cổ phần hóa có sử dụng đất thì chịu trách nhiệm phê duyệt phương án sử dụng đất của doanh nghiệp sau cổ phần hóa. Nhưng thực tế triển khai thì đúng là có những doanh nghiệp sử dụng đất đai ở nhiều địa phương nên việc triển khai bị chậm lại. Do vậy, năm nay theo kế hoạch phải cổ phần hóa 85 doanh nghiệp thì mới phê duyệt được 12 doanh nghiệp và cần có sự vào cuộc rất đồng bộ của các tổ chức, các cấp, các ngành.

ĐB Bùi Thu Hằng - Hoà Bình:

Thời gian qua mặc dù Bộ đã có nhiều biện pháp để quản lý hóa đơn, tuy nhiên tình trạng kinh doanh không xuất hóa đơn VAT vẫn diễn ra rất phổ biến và chưa có chuyển biến tích cực, làm giảm tính minh bạch và cạnh tranh lành mạnh trên thị trường. Ngoài ra, người tiêu dùng có thể chịu thua thiệt bởi người bán hàng không bị ràng buộc pháp lý đối với người mua, Nhà nước thì thất thu thuế. Vậy Bộ trưởng có những giải pháp như thế nào để khắc phục tình trạng trên trong thời gian tới.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng:

Về ý kiến của đại biểu Bùi Thu Hằng đoàn Hòa Bình, về hóa đơn. Đúng như đại biểu nêu, từ trước đến nay vẫn còn tình trạng một số người nộp thuế không xuất hóa đơn, không kê khai nộp thuế và gây thất thu thuế cho ngân sách. Qua thanh tra, kiểm tra chúng tôi thấy không xuất hóa đơn mà có những doanh nghiệp, có những cá nhân lập nên doanh nghiệp để lợi dụng buôn bán hóa đơn và rút tiền hoàn thuế của nhà nước. Đã nhiều doanh nghiệp bị phát hiện như thế và chúng tôi đã phối hợp với các cơ quan chức năng, đặc biệt là cơ quan công an xử lý nghiêm một số vụ. Chúng ta đã có hành lang pháp lý, Nghị định số 51/2010, quy định về hóa đơn, cung ứng hàng hóa, dịch vụ và Nghị định số 109/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí và hóa đơn.

Vừa qua chúng tôi cũng đã kiến nghị với Chính phủ, trình với Chính phủ ban hành Nghị định số 119 tháng 9 năm 2018 quy định về hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa cung cấp dịch vụ. Trong thực tế, mấy năm vừa qua Bộ Tài chính cũng đã triển khai rất đồng bộ các giải pháp như kê khai, nộp thuế, hoàn thuế hóa đơn điện tử. Thực tế đến nay chúng tôi cho rằng các doanh nghiệp và nhà đầu tư đã có ý thức chấp hành pháp luật về thuế, bán hàng hóa có xuất hóa đơn và kê khai nộp thuế. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng bán hàng không xuất hóa đơn và để khắc phục tình trạng này ngoài công tác thanh tra, kiểm tra chúng tôi thấy cần tổ chức thực hiện tốt Nghị định 119 về hóa đơn điện tử.

Thứ hai, đang tập trung vào sửa đổi Luật Quản lý thuế và trình với Quốc hội kỳ này.

Thứ ba, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để mọi người dân hiểu về việc mua hàng hóa dịch vụ phải được cung cấp hóa đơn, chứng từ. Thực tế nền kinh tế của chúng ta là nền kinh tế sử dụng quá nhiều tiền mặt.

Thứ tư, chúng tôi phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan khác để tăng cường giải pháp đẩy mạnh việc thanh toán không dùng tiền mặt.

Thứ năm, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về thuế và vi phạm pháp luật về hóa đơn.

 

Nguồn: Cổng TTĐT Bộ Tài chính



Các tin đã đưa ngày: