Tổng cục Dự Trữ Nhà Nước làm việc với cơ quan Bảo vệ Dân sự Thụy Sỹ

(03/10/2019)

Thực hiện kế hoạch đoàn ra năm 2019 được Bộ Tài chính phê duyệt, nhằm tăng cường giao lưu học hỏi, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực DTQG, trong công tác dự báo, phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, thảm họa. Đoàn công tác của Tổng cục DTNN do đồng chí Đỗ Việt Đức, Tổng Cục trưởng đến khảo sát và làm việc với cơ quan Bảo vệ Dân sự của Liên bang Thụy Sỹ từ ngày 16 đến 21 tháng 9 năm 2019. Tham gia đoàn công tác có lãnh đạo các Vụ, Văn phòng Tổng cục, một số Cục DTNN khu vực và Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính. Cơ quan Bảo vệ Dân sự Liên bang Thụy Sỹ là một trong 5 cơ quan trực thuộc Bộ Quốc phòng Thụy sỹ và thuộc cơ cấu của Chính phủ Liên bang Thụy Sỹ.

.

Đoàn công tác Tổng cục DTNN chụp ảnh lưu niệm với cơ quan Bảo vệ Dân sự Thụy Sỹ

 

Cơ quan Bảo vệ Dân sự Liên bang Thụy Sỹ có chức năng, nhiệm vụ: Xây dựng các chiến lược, cơ chế, chính sách, và lập kế hoạch bảo vệ dân sự cho toàn Liên bang Thụy Sỹ; tổ chức chỉ đạo xây dựng các hệ thống bảo vệ người dân, những nơi trú ẩn và các hệ thống để phục vụ cho các trường hợp có thảm họa khẩn cấp; ngăn chặn các vụ việc có sử dụng vũ khí, như sử dụng vũ khí hạt nhân, vũ khí hóa học, vũ khí sinh học…; vận hành các hệ thống về cảnh báo, hệ thống báo động, hệ thống thông tin, hệ thống báo cáo tình hình thảm họa. Trực tiếp điều hành, ứng phó với các thảm họa, thiên tai, giải quyết khủng hoảng; tiến hành các hoạt động đào tạo cho cán bộ làm công tác phân tích, vận hành hệ thống bảo vệ dân sự và đào tạo cho người dân ứng phó trước các thảm họa; triển khai các hoạt động truyền thông trong lĩnh vực bảo vệ dân sự. Thay mặt Cơ quan Bảo vệ Dân sự Liên bang Thụy Sỹ, Tiến sỹ Roland Bollin - Trưởng bộ phận phân tích và hoạch định chính sách đã báo cáo với Đoàn công tác của Tổng cục DTNN - Việt Nam về cơ cấu, tổ chức và chức năng, nhiệm vụ của Cơ quan Bảo vệ Dân sự Liên bang Thụy Sỹ. Theo tiến sỹ Bollin, Cơ quan Bảo vệ Dân sự Liên bang Thụy Sỹ được tổ chức theo 03 cấp hành chính gồm: Cơ quan Bảo vệ Dân sự Liên bang, Cơ quan Bảo vệ Dân sự Bang và Cơ quan Bảo vệ Dân sự địa phương.

Cũng tại nội dung buổi làm việc, tiến sỹ Markert - chuyên gia phân tích rủi ro Cơ quan Bảo vệ Dân sự Liên bang Thụy Sỹ cho biết nhiệm vụ nghiên cứu đề xuất, phân loại các thảm họa, rủi ro, cảnh báo, xây dựng kịch bản ứng phó và hướng dẫn các tổ chức, cá nhân tham gia công tác xử lý các sự cố, rủi ro không mong muốn xảy ra, nhằm giải quyết hai yêu cầu: Tạo lập hệ thống đánh giá rủi ro và hệ thống bảo vệ cơ sở hạ tầng trọng yếu quốc gia. Việc tạo lập hệ thống đánh giá, phân tích rủi ro được thực hiện bởi nhiều bên (các nhà khoa học, các nhà chính trị, các tổ chức liên quan) bảo đảm tính toàn diện và thực tiễn. Hệ thống phân tích đánh giá rủi ro bao gồm 4 nội dung: Xây dựng danh mục rủi ro, các yếu tố gây ô nhiễm, tác động đến môi trường (hiện tại ở Thụy Sỹ xác định có có hơn 400 loại rủi ro được liệt kê, trong đó có hơn 100 rủi ro, yếu tố gây tác động đến đời sống người dân); nội dung tiếp theo là tiến hành phân tích, đánh giá tác động của các rủi ro đối với người dân; trên cơ sở phân tích đánh giá tác động tiến hành xây dựng kịch bản ứng phó; xây dựng kịch bản phục hồi, khắc phục.

 

Đoàn công tác Tổng cục DTNN làm việc với cơ quan Bảo Vệ Dân Sự Liên bang Thụy Sỹ

 

Song song công việc tạo lập hệ thống đánh giá phân tích rủi ro, Trung tâm xây dựng hệ thống bảo vệ các cơ sở hạ tầng trọng yếu quốc gia. Hiện tại Trung tâm đã phân tích đề xuất 9 lĩnh vực cần được bảo vệ. Trong mỗi lĩnh vực xác định các cơ sở hạ tầng trọng yếu và mối cơ sở hạ tậng trọng yếu xây dựng kịch bản nhằm phòng ngừa, can thiệp khi có sự cố xảy ra. Hiện tại Thụy Sĩ đã xây dựng kịch bản cho 33 loại thảm họa thuộc các lĩnh vực như: Thảm họa thiên tai, biến đổi khí hậu, nhiệt độ trái đất tăng cao, tai nạn máy bay, tai nạn đường sắt, tai nạn giao thông đường bộ, các sự cố só thể xảy ra nhà máy hóa học, nhà máy điện hạt nhân, nhà máy sinh học cho đến những thảm họa bệnh dịch, mất nguồn cung điện, tấn công bằng bom bẩn, bom hạt nhân…Trung tâm điều hành xây dựng và vận hành hệ thống cảnh báo quốc gia toàn Liên bang gồm 5,000 vị trí được lắp đặt bảo đảm toàn thể người dân Thụy Sỹ được thông báo khi sự cố xảy ra. Trung tâm điều hành thực hiện thông báo, hướng dẫn cho người dân các việc cần làm khi xảy ra thảm họa. Trung tâm là cơ quan điều phối các nguồn lực (nhân lực, vật lực) tham gia giải quyết các sự cố.

Thay mặt Đoàn công tác, đồng chí Đỗ Việt Đức, Tổng Cục trưởng, Trưởng đoàn công tác đã cảm ơn sự đón tiếp trọng thị và nội dung trao đổi chi tiết về tổ chức, hoạt động của cơ quan Bảo vệ Dân sự Liên bang Thụy Sỹ và Trung tâm điều hành xử lý sự cố. Đồng thời, đồng chí Đỗ Việt Đức và các thành viên trong đoàn đã trao đổi với bạn về phương thức xây dựng các kịch bản ứng phó cũng như sử dụng nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ, trong đó có nguồn lực dự trữ quốc gia.

 

Đoàn công tác Tổng cục DTNN làm việc với Trung tâm huấn luyện thuộc

 cơ quan Bảo vệ Dân Sự Liên bang Thụy Sỹ

 

Trong chuyến công tác lần này, đoàn cũng đã có buổi Làm việc với Trung tâm đào tạo Liên bang tại Schwarzenbug. Trung tâm đào tạo Liên bang là một tổ chức trực thuộc Cơ quan Bảo vệ Dân sự Liên bang Thụy sỹ, có 4 nhiệm vụ chính gồm: Đào tạo cán bộ, chuyên gia trong lĩnh vực bảo vệ dân sự để làm việc trong các tổ chức, cơ quan; đào tạo cho những người sẽ làm nhiệm vụ đào tạo ở các cơ quan sẽ tham gia vào hệ thống bảo vệ dân sự ở Thụy sỹ; xây dựng các kịch bản về diễn tập, có phối hợp với các cơ quan quản lý, các đối tác và thực hiện việc diễn tập không chỉ ở vùng Schwarzenbug mà ở các Bang; xây dựng các quy định, các tài liệu tập huấn, đào tạo cho tất cả các bang để triển khai thực hành đối với nhân viên tham gia công tác bảo vệ dân sự. Tại đây đoàn được giới thiệu về công tác đào tạo, huấn luyện cho các cá nhân tham gia nhiệm vụ và trung tâm thông tin hệ thống mạng lưới radio (Polycom), mạng lưới báo động (Poly Alert Wiss) của quốc gia với trên 5,000 điểm báo động trên toàn quốc.

Qua chuyến đi khảo sát, làm việc tại Liên bang Thụy Sỹ, Đoàn công tác nhận thấy: Công tác phòng ngừa, khắc phục các thảm họa rủi ro được bạn rất quan tâm và được tiến hành rất bài bản từ việc: Xây dựng danh mục thảm họa, tiến hành phân tích đánh giá, xây dựng kịch bản ứng phó, hoạch định chính sách phòng ngừa, xây dựng vận hành hệ thống cảnh báo. Đặc biệt bạn rất quan tâm đến việc xây dựng các kịch bản ứng phó và tổ chức diễn tập thường xuyên. Kịch bản ứng phó được xây dựng rất chi tiết và cụ thể: Trách nhiệm của từng cơ quan, từng tổ chức, từng cá nhân; phương thức huy động phương tiện, nguồn lực; cách thức điều phối, hỗ trợ của các địa phương lân cận, sự hỗ trợ của Chính phủ Trung ương…Việc xây dựng kịch bản ứng phó và luyện tập thường xuyên sẽ giúp cho công tác ứng phó được hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại với con người và cơ sở vật chất quốc gia. Đây là những bài học quý cho Việt nam trong việc phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tại, thảm họa trong tương lai./.

 

 Đoàn công tác tại Thụy Sỹ

 



Các tin đã đưa ngày: