Dự trữ quốc gia Israel - Những bài học kinh nghiệm

(24/11/2015)

Thực hiện Quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Đoàn công tác do đồng chí Phạm Phan Dũng - Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước làm trưởng đoàn đã đến thăm và làm việc tại Israel từ ngày 18/10/2015 đến ngày 26/10/2015; tháp tùng Tổng cục trưởng có các đồng chí là Cục trưởng và Vụ trưởng, Chánh văn phòng Tổng cục. Nội dung làm việc nhằm trao đổi kinh nghiệm về công tác quản lý dự trữ quốc gia tại Israel.

 

Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN Phạm Phan Dũng tặng quà lưu niệm

 đại diện lãnh đạo Bộ Quốc phòng Israel

 

Chuyến công tác của đoàn được Đại sứ quán hai nước Việt Nam, Israel và Phòng Thương Mại Israel - Châu Á bố trí rất chu đáo. Nhờ sắp xếp qua đường ngoại giao nên đoàn công tác đã được nhiều cơ quan Chính phủ Israel tiếp và làm việc như: Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ Năng lượng và nguồn nước, Chỉ huy mặt trận Hậu phương Israel, đại diện văn phòng Chính phủ Israel về dự trữ quốc gia. Ngoài ra nhiều doanh nghiệp Israel cũng đến tiếp xúc trao đổi về những nội dung liên quan đến cung cấp hàng hóa, dịch vụ phục vụ phòng ngừa, khắc phục thảm họa.

Qua trao đổi với các cơ quan Chính phủ Israel được biết: Xuất phát từ đặc điểm về điều kiện địa lý, kinh tế, xã hội, văn hóa, chính trị của Israel nên vấn đề ứng phó với các tình trạng khẩn cấp (trong đó, có vấn đề bảo đảm đầy đủ lực lượng DTQG) của Israel luôn được đặt ra ở tầm quan trọng đặc biệt. Việc dự trữ cái gì ? dự trữ bao nhiêu ? cấp phát cho ai ? cấp phát bao nhiêu ? thực hiện theo quân lệnh.

Để giải quyết nhưng vẫn đề trên nhà nước Israel giao cho cơ quan chuyên trách về xử lý tình trạng khẩn cấp (trong đó có vấn đề về dự trữ quốc gia) trực thuộc Bộ Quốc phòng gọi tắt là NEMA.

NEMA được thành lập với mục tiêu thống nhất chỉ huy khống chế tình trạng khẩn cấp quốc gia, NEMA có nhiệm vụ:

- Xây dựng cơ chế chính sách về xử lý, khắc phục các thảm họa quốc gia.

- Xác định và phân loại thứ tự các thảm họa quốc gia có thể xảy ra. Ở Israel, như sau:

1) Thảm họa chiến tranh;                         4) Thảm họa dịch bệnh;

2) Thảm họa khủng bố;                            5) Thảm họa thiên nhiên;

3) Thảm họa công nghiệp (rò rỉ hóa chất, khí đốt).

Ứng với mỗi loại thảm họa, NEMA dự báo các mức độ đe dọa của nó. Trên cơ sở đó dự báo và xây dựng các kịch bản khống chế cho từng loại thảm họa cụ thể. Trong kịch bản khống chế sẽ phải chỉ ra cách thức thực hiện như thế nào? và cơ quan nào chịu trách nhiệm từng nội dung cụ thể về nguồn lực hàng hóa (số lượng, chủng loại hàng hóa), trang thiết bị vật tư cần thiết để khống chế thảm họa..., đảm bảo tính mạng cho người dân và giúp họ có cuộc sống an toàn, ổn định.

Ở Israel hàng hóa dự trữ quốc gia được giao cho các bộ, ngành trực tiếp mua sắm và bảo quản tại các kho của các doanh nghiệp trải rộng trên lãnh thổ. Việc các Bộ, ngành thực hiện dự trữ cái gì ? dự trữ bao nhiêu ? xuất phát từ kịch bản do tổ chức NEMA xây dựng.

 NEMA thực hiện việc kiểm tra, giám sát bảo đảm tính liên tục và sự sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ được giao của các cơ quan, bảo đảm đầy đủ số lượng, chất lượng, chủng loại hàng hóa dự trữ quốc gia, đáp ứng yêu cầu khống chế có hiệu quả các thảm họa.

Ở Israel việc tổ chức điều phối, hỗ trợ các trang thiết bị, hàng hóa thiết yếu trong đó có hàng Dự trữ quốc gia khi xảy ra thảm họa được giao cho một cơ quan chuyên trách của Bộ Quốc phòng gọi là: Cơ quan Điều phối và hỗ trợ khẩn cấp quốc gia. Nhiệm vụ của cơ quan này là đảm bảo khả năng cung cấp cho nền kinh tế và người dân đầy đủ, kịp thời các điều kiện cần thiết trong các trường hợp khẩn cấp xảy ra. Trong đó quan trọng là các mặt hàng thiết yếu dự trữ quốc gia và kết hợp đề xuất với các cơ quan khác của Chính phủ như  Bộ Công An, Bộ Quốc phòng xác lập thứ tự ưu tiên và phân bố nguồn hàng dự trữ. Thực hiện nhiệm vụ giám sát, đôn đốc công tác chuẩn bị hàng hóa, nghiên cứu kế hoạch ứng phó với tình trạng khẩn cấp của đất nước. Cơ quan này đóng vai trò chỉ huy, đôn đốc và giám sát trong việc cung cấp các điều kiện cần thiết cho người dân, doanh nghiệp và cho xã hội khi có sự cố xảy ra và báo cáo với cơ quan có thẩm quyền. Cơ quan này thực hiện chỉ huy thống nhất tất cả các lực lượng hỗ trợ từ cấp đầu tiên đến cấp thấp nhất (cấp huyện, xã).

Về cách thức quản lý, hoạt động dự trữ của Israel được giao cho các Bộ quản lý, đồng thời trên địa bàn địa phương có văn phòng chịu trách nhiệm quản lý hàng dự trữ. Việc quyết định sử dụng hàng dự trữ quốc gia thuộc thẩm quyền của Bộ Quốc phòng. Bộ Quốc phòng đệ trình ý kiến lên hội đồng kinh tế khẩn cấp đặc biệt. Hội đồng này sẽ quyết định đối tượng nào sẽ nhận? Nhận bao nhiêu? Nhận những loại hàng gì? theo kịch bản đã xây dựng trước đó. Người đứng đầu của Hội đồng này là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Các thành viên hội đồng là các cơ quan của Chính phủ.

Các hàng hóa dự trữ quốc gia được Nhà nước cấp tiền mua và ký hợp đồng thuê bảo quản với các doanh nghiệp. Các Bộ là cơ quan quản lý trực tiếp các mặt hàng này. Đoàn công tác được phía bạn giới thiệu mô hình quản lý xăng dầu dự trữ ở Bộ Năng lượng và nguồn nước. Theo bạn cho biết phương thức quản lý xăng dầu DTQG của Israel thực hiện rất khoa học.

Nhà nước Israel (Bộ Năng lượng và nguồn nước được giao) sử dụng ngân sách mua toàn bộ xăng dầu đưa vào dự trữ và ký hợp đồng thuê bảo quản với các doanh nghiệp. Toàn bộ bồn bể do Nhà nước mua hoặc thuê. Xăng, dầu DTQG hoàn toàn được để bồn bể riêng, tách bạch với xăng dầu của doanh nghiệp.

Việc theo dõi giám sát số lượng, chất lượng xăng dầu hoàn toàn tự động bằng cách lắp đặt hệ thống máy tính. Số lượng, chất lượng xăng, dầu và bồn bể  được kết nối và truyền thông tin về máy chủ của cơ quan quản lý xăng dầu DTQG. Toàn bộ thông tin trên máy chủ là thông tin mật, được phân cấp quản lý khai thác thông tin cho từng cấp theo  thẩm quyền.

Xăng dầu DTQG của Israel thường được lưu kho khoảng 5 năm. Sau thời gian này, nếu không sử dụng vào mục tiêu DTQG thì được doanh nghiệp được thuê bảo quản xuất bán và chịu trách nhiệm mua đủ số lượng đúng chất lượng hàng DTQG để nhập kho. Định mức hao hụt do bốc hơi sau 5 năm là 0,1 - 0,2 %. Về chất lượng không có thay đổi gì so với chất lượng ban đầu. Vì vậy, giá bán ra tương đương so với xăng dầu mới.

Ngoài làm việc với các cơ quan chính phủ Israel, đoàn, đoàn công tác đã có buổi hội thảo với các doanh nghiệp của Israel. Số doanh nghiệp tham dự Hội thảo khoảng 20 doanh nghiệp trong các lĩnh vực cung cấp hàng hóa thiết yếu, công nghệ bảo quản, cung cấp dịch vụ vận chuyển, thông tin liên lạc, phần mềm quản lý,.... Tại hội thảo, các doanh nghiệp rất muốn được tham gia cung cấp các dịch vụ này nếu Việt Nam có nhu cầu.

 Qua tìm hiểu về công tác ứng phó với tình trạng khẩn cấp nói chung và công tác DTQG của Israel nói riêng, Đoàn có một số đánh giá, nhận xét và rút ra bài học kinh nghiêm như sau:

1. Đánh giá, nhận xét chung

Xuất phát từ đặc điểm về điều kiện địa lý, kinh tế, xã hội, văn hóa, chính trị của Israel nên vấn đề ứng phó với các tình trạng khẩn cấp (trong đó, có vấn đề bảo đảm đầy đủ lực lượng DTQG) của Israel luôn được đặt ra ở tầm quan trọng đặc biệt.

2. Những bài học kinh nghiệm

  • Những kinh nghiệm về quản lý xăng dầu DTQG

- Quản lý trực tiếp xăng dầu DTQG được giao cho Bộ chuyên ngành. Cơ quan quản lý ký hợp đồng bảo quản với doanh nghiệp xăng dầu, điều này khá trùng hợp với Việt Nam hiện nay.

- Xăng dầu DTQG của Israel được để riêng (kho riêng, bồn bể riêng). Nội dung này Việt Nam chưa làm được do điều kiện về kinh tế (kinh phí xây dựng kho).

- Toàn bộ hoạt động DTQG được lập trình và kiểm soát thông qua hệ thống máy tính. Việc quản lý này bảo đảm tính khách quan, liên tục, chính xác, kịp thời đầy đủ và bí mật. Đây là một trong những kinh nghiệm quý trong công tác quản lý hàng DTQG mà Việt Nam nên học tập và áp dụng.

- Khi sử dụng xăng dầu DTQG tuân thủ theo kịch bản được xây dựng trước, theo đó có sắp xếp thứ tự ưu tiên về đối tượng, số lượng được sử dụng. Nội dung này Việt Nam chưa có, cần nghiên cứu áp dụng.

  • Kinh nghiệm về điều phối, hỗ trợ hàng DTQG

 Ở Israel, công tác điều phối, hỗ trợ hàng DTQG (nhập, xuất, vận chuyển, cấp phát) được cơ quan điều phối, hỗ trợ trực thuộc Bộ Quốc phòng đảm nhiệm. Cơ quan này chỉ huy chung giữa cơ quan quản lý hàng dự trữ, lực lượng vận chuyển, cơ quan tiếp nhận và phân phối đến đối tượng sử dụng. Điều này bảo đảm được sự thống nhất kịp thời, hiệu quả trong việc sử dụng  hàng DTQG phục vụ ứng phó với các tình trạng khẩn cấp.

  • Kinh nghiệm về việc xây dựng kịch bản sử dụng hàng DTQG

Để ứng phó với các tình trạng khẩn cấp, một trong những kinh nghiệm Việt Nam cần phải nghiên cứu và học tập đó là tiến hành phân loại và xếp thứ tự các loại thảm họa có thể xảy ra. Xây dựng các kịch bản ứng phó với các thảm họa này. Việc xây dựng kịch bản ứng phó bảo đảm cho công tác chuẩn bị được đầy đủ hơn, công tác ứng phó khi thảm họa xảy ra một cách nhanh chóng và không bị lúng túng.

  • Kinh nghiệm về xây dựng cơ sở hạ tầng và thực hiện xã hội hóa hoạt động DTQG

 

Đoàn công tác Tổng cục DTNN chụp ảnh kỷ niệm với đại diện Bộ Năng lượng và nguồn nước Israel

 

Quản lý hàng DTQG của Israel là rất khoa học và hiệu quả. Tuy nhiên, để thực hiện được như vậy nhà nước Israel đã đầu tư hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị cho công tác DTQG. Song song với sự đầu tư của Nhà nước, Israel thực hiện xã hội hóa hoạt động DTQG rất tốt. Để làm được điều đó Israel thực hiện những chính sách khuyến khích doanh nghiệp các thành phần kinh tế tham gia. Chính sách đầu tư và thực hiện xã hội hóa về DTQG của Israel rất đáng để Việt Nam nghiên cứu học tập./.

 

Phòng Hợp tác Quốc tế



Các tin đã đưa ngày: