Nghiên cứu, triển khai ứng dụng công nghệ mới để nâng cao chất lượng bảo quản hàng DTQG tại các điểm kho dự trữ

(13/05/2022)

 

Tổng cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) là đơn vị thực hiện quản lý Nhà nước trong lĩnh vực dự trữ quốc gia có nhiều hoạt động đặc thù, trong đó phải kể đến hoạt động nghiên cứu khoa học. Theo đó, các đề tài khoa học công nghệ tập trung theo hướng triển khai ứng dụng công nghệ mới; đẩy nhanh áp dụng tiến bộ kỹ thuật nhằm tìm kiếm các giải pháp kéo dài thời gian bảo quản đồng thời nâng cao chất lượng hàng hóa DTQG. Theo đó công nghệ bảo quản lương thực, nhóm hàng hóa chiếm tỷ trọng lớn trong tổng mức dự trữ quốc gia có bước phát triển mới.

Thành tựu nổi bật trong nghiên cứu khoa học là đã nghiên cứu và triển khai áp dụng thành công trong toàn ngành các công nghệ bảo quản lương thực mới (bào quản gạo trong môi trường kín có bổ sung khí N2, CO2; bảo quản thóc trong điều kiện áp suất thấp). Ứng dụng của các phương pháp này mang lại hiệu quả cao trong việc nâng cao chất lượng thóc, gạo bảo quản và giảm tỷ lệ hao hụt góp phần tiết kiệm ngân sách Nhà nước. Trên cơ sở tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện công nghệ bảo quản kín nhằm tìm kiếm phương pháp bảo quản tối ưu,  Tổng cục Dự trữ Nhà nước tích cực phối hợp cùng với các đơn vị để nghiên cứu, thực nghiệm nhằm hoàn thiện phương pháp bảo quản kín có bổ sung khí N2 ở nồng độ cao ≥ 98%; tiếp tục nghiên cứu kéo dài thời gian lưu kho gạo trên 18 tháng, thóc trên 30 tháng đối với các đơn vị phía Bắc, miền Trung và trên 18 tháng đối với các đơn vị Đồng bằng Nam Bộ. Đề tài “Nghiên cứu giải pháp kéo dài thời hạn lưu kho đối với gạo DTQG bảo quản trong môi trường khí Nitơ trên 98 %” đã bước đầu cho hướng khả quan trong việc tìm giải pháp nâng cao chất lượng gạo bảo quản và kéo dài thời hạn bảo quản gạo lên đến 24 tháng. Đối với nhiệm vụ KH&CN cấp Bộ, năm 2014 Tổng cục DTNN có 01 đề tài “Nghiên cứu bảo quản thóc DTQG đóng bao trong môi trường khí ni tơ, thời gian bảo quản 36 tháng tại miền Bắc và miền Trung, Tây Nguyên nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trong bảo quản thóc DTQG”; chủ nhiệm đề tài ThS. Phan Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ bảo quản.  Đến nay đề tài đã tiến hành thử nghiệm trên thóc kéo dài thời hạn bảo quản thóc đến 36 tháng cho kết quả chất lượng thóc khả quan, đáp ứng yêu cầu chất lượng xuất quy định. Trên cơ sở các kết quả nghiên cứu, thử nghiệm; Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã triển khai xây dựng, trình Bộ Tài chính ban hành các Thông tư ban hành các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các mặt hàng thóc, gạo dự trữ quốc gia; trong đó quy định về phương thức bảo quản áp suất thấp hoặc bảo quản kín trong điều kiện bổ sung khí Nitơ≥98%. Đến nay, các đơn vị dự trữ quốc gia bảo quản gạo chủ yếu bằng phương thức bảo quản kín trong điều kiện bổ sung khí Nitơ≥98%, mặt hàng thóc các đơn vị từng bước chuyển sang toàn bộ bảo quản phương thức bảo quản kín trong điều kiện bổ sung khí Nitơ≥98%   .

 

Ông Phan Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ bảo quản

chia sẻ công tác nghiên cứu và ứng dụng công nghệ mới trong công tác

bảo quản hàng DTQG tại Hội thảo Khoa học ngành Tài chính

 

Để nâng cao chất lượng bảo quản hàng dự trữ quốc gia tại các điểm kho dự trữ, trong giai đoạn 2020-2030, Tổng cục DTNN định hướng tập trung nghiên cứu phát triển ứng dụng các công nghệ mới trong công tác quản lý, tận dụng tối đa lợi thế của cuộc cách mạng công nghiệp để từng bước tiến hành tự động hóa các khâu trong quy trình nghiệp vụ bảo quản hàng dự trữ quốc gia. Đề tài khoa học cấp cơ sở năm 2019 Các giải pháp công nghệ để duy trì nồng độ khí Nitơ ≥ 98 % trong bảo quản gạo DTQG do ông Phùng Văn Ngọc, Chuyên viên Vụ Khoa học và Công nghệ bảo quản làm chủ nhiệm đã triển khai nghiên cứu tại Chi Cục DTNN Đông Anh, Cục DTNNKV Hà Nội. Đề tài đã được Hội đồng khoa học chuyên ngành đánh giá, nghiệm thu tại Tổng cục Dự trữ Nhà nước ngày 26/10/2021 với kết quả đạt loại giỏi. Đây là một giải pháp mới trong công tác bảo quản của ngành, có khả năng ứng dụng rộng rãi. Đề tài đã nghiên cứu giải pháp điều chế khí Nitơ tại chỗ bằng công nghệ PSA để để cấp cho các lô gạo, tăng tính chủ động trong việc sử dụng máy tạo khí Nitơ, nhất là tại các đơn vị vùng sâu, vùng xa và chủ động bổ sung khí Nitơ trong quá trình bảo quản nồng độ Nitơ xuống dưới 98 % hay tại các lô gạo xuất dở. Trong quá trình triển khai đề tài, thiết bị đã cung cấp khí Nitơ tại chỗ cho 3 lô gạo 125 tấn/lô nhập kho 2020 tương ứng 3 phương án cấp khí khác nhau. Kết quả các lô lương thực đều có nồng độ khí Nitơ lớn hơn 99,99%, đảm bảo các quy định của QCVN đối với gạo dự trữ quốc gia và đáp ứng mục tiêu đề ra của đề tài. Đồng thời nghiên cứu đã phân tích tính hiệu quả kinh tế của giải pháp điều chế khí Nitơ tại chỗ so với giải pháp mua khí từ các nhà thầu cung cấp hiện nay và đánh giá các phương án cấp khí để lựa chọn giải pháp tối ưu dựa trên thời gian tăng nồng độ của khí Nitơ. Kết quả nghiên cứu của đề tài là bước tiếp theo để tiến hành nghiên cứu tự động hóa trong quá trình nạp khí Nitơ đảm bảo nồng độ khí Nitơ luôn đạt ≥ 98 % trong bảo quản gạo, thóc.       

 

Hội nghị đánh giá, nghiệm thu đề tài “Các giải pháp công nghệ để duy trì

nồng độ khí Nitơ ≥ 98 % trong bảo quản gạo DTQG

 

Đề tài khoa học cấp cơ sở năm 2020 “Nghiên cứu kết nối theo dõi, đánh giá điều kiện bảo quản môi trường trong lô hàng, trong kho và ngoài kho trong quá trình bảo quản lương thực” do bà Đặng Thùy Dương - Chuyên viên chính Vụ Khoa học và Công nghệ bảo quản, Tổng cục Dự trữ Nhà nước làm chủ nhiệm. Đề tài hiện đang triển khai thực nghiệm tại Chi cục DTNN Đông Anh, Cục DTNN Hà Nội nghiên cứu theo dõi các thông số về nhiệt độ, độ ẩm trong lô hàng, trong kho và ngoài kho trong quá trình bảo quản lương thực. Các kết quả về nhiệt độ, độ ẩm được kết nối với máy tính nhằm hiển thị các thông số thu được từ thiết bị đo, từ đó đưa ra giải pháp trong quá trình bảo quản nhằm đảm bảo chất lượng lương thực (thóc, gạo) trong quá trình lưu kho.

Với sự nỗ lực của các cán bộ làm công tác khoa học kỹ thuật tại Tổng cục DTNN, trong thời gian tới các nghiên cứu, triển khai ứng dụng công nghệ mới theo hướng tự động hóa theo dõi các thông số bảo quản và điều khiển tự  động các khâu trong quá trình bảo quản tại các kho dự trữ quốc gia sẽ sớm được hoàn thiện, áp dụng rộng rãi trong toàn ngành nhằm nâng cao chất lượng bảo quản hàng hóa dự trữ quốc gia theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đóng góp vào sự phát triển không ngừng của ngành dự trữ quốc gia./.

Vụ Khoa học và Công nghệ bảo quản