Chấm điểm uy tín nhà thầu trong đấu thầu mua gạo dự trữ quốc gia: Đảm bảo công bằng, tăng tính cạnh tranh

(04/03/2021)

Việc đánh giá chấm điểm uy tín nhà thầu để bảo đảm công khai minh bạch trong hồ sơ mời thầu, không phải là “loại nhà thầu” mà đảm bảo sự công bằng cho tất cả các nhà thầu tham dự thầu, tăng tính cạnh tranh giữa các nhà thầu ...
 
Ảnh minh họa.
 

Theo kế hoạch nhập hàng năm 2021 của Tổng cục DTNN, đối với lương thực là 190.000 tấn gạo, 80.000 tấn thóc. Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid–19 vẫn đang diễn ra như hiện nay, để hoàn thành kế hoạch này, Tổng cục DTNN đã quán triệt và chỉ đạo các cục DTNN khu vực triển khai quyết liệt, lựa chọn nhà thầu có uy tín, năng lực kinh nghiệm để cung cấp gạo dự trữ quốc gia (DTQG). Phóng viên TBTCVN đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Vũ Anh, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục DTNN xung quanh vấn đề này.

PV: Tổng cục DTNN đang triển khai đấu thầu mua lương thực nhập kho theo kế hoạch được giao năm 2021. Vậy năm nay có gì khác năm 2020 thưa ông?

Ông Phạm Vũ Anh: Về lượng, chúng tôi được giao chỉ tiêu bằng năm 2020. Việc đấu thầu, tham gia cung ứng gạo cho DTQG được thực hiện theo các quy định của pháp luật về đấu thầu hiện hành. Qua triển khai thực hiện thời gian vừa qua cho thấy, một số quy định chưa đủ sức ràng buộc trách nhiệm của nhà thầu, chưa có chế tài đủ mạnh để xử lý vi phạm. Từ thực tế triển khai và những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện, chúng tôi đã tổng hợp và báo cáo Bộ Tài chính để đề xuất, kiến nghị  sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật về đấu thầu nhằm tăng cường ràng buộc trách nhiệm của nhà thầu khi tham dự thầu cung cấp hàng DTQG nói chung và các gói thầu mua gạo DTQG nói riêng như: tăng mức bảo đảm dự thầu, tăng chế tài xử phạt khi vi phạm...

Để bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch và đặc biệt là tăng tính cạnh tranh trong đấu thầu, căn cứ quy định của Luật Đấu thầu và Nghị định số 63/2014/NĐ-CP và thực tế tình hình đấu thầu mua gạo DTQG trong các năm qua tại hồ sơ mời thầu (HSMT) mua gạo năm 2021 các cục DTNN khu vực đã quy định về chấm điểm “uy tín nhà thầu” trong bảng chấm điểm kỹ thuật để đánh giá mức độ uy tín nhà thầu.

PV: Việc chấm điểm “uy tín nhà thầu” theo những tiêu chí nào thưa ông?

Ông Phạm Vũ Anh: Việc chấm điểm uy tín nhà thầu trên cơ sở thống kê danh sách uy tín nhà thầu trong việc cung cấp hàng DTQG trong thời gian 5 năm (từ năm 2016 đến năm 2020) được đánh giá bằng phương pháp chấm điểm (thang điểm cụ thể cho từng tiêu chí) theo các tiêu chí, các nhóm như sau:

- Nhà thầu hoặc nhà thầu liên danh trúng thầu, ký kết hợp đồng, thực hiện các điều khoản của hợp đồng theo đúng quy định;

- Nhà thầu hoặc nhà thầu liên danh đã ký hợp đồng nhưng không thực hiện một phần hoặc không thực hiện theo đúng tiến độ (giao hàng chậm) hoặc giao hàng từ một lần trở lên không đảm bảo chất lượng khiến các đơn vị từ chối nhập hàng;

- Nhà thầu hoặc nhà thầu liên danh trúng thầu nhưng không tiến hành hoặc từ chối tiến hành hoàn thiện hợp đồng hoặc đã hoàn thiện hợp đồng nhưng từ chối ký hợp đồng;

Theo các nhóm này thì nhà thầu uy tín cao hơn sẽ được chấm điểm cao hơn. Cụ thể như tôi nói thì nhóm thứ nhất chắc chắn có điểm cao hơn hai nhóm sau. Ở đây tôi xin lưu ý là điểm uy tín chỉ là một trong nhiều tiêu chí khi đánh giá lựa chọn nhà thầu. Và trên thực tế cũng không phải là điều gì quá mới, có mới chỉ là mới đối với ngành dự trữ chúng tôi để xử lý các bất cập trong hoạt động đấu thầu mua hàng DTQG.

Theo đó, hàng năm Tổng cục DTNN sẽ cập nhật, bổ sung danh sách uy tín các nhà thầu theo các nhóm nêu trên; đây là cơ sở dữ liệu quan trọng sẽ thường xuyên được cập nhật để theo dõi, đánh giá, xếp hạng uy tín của từng nhà thầu theo mức độ tuân thủ quy định về đấu thầu và thực hiện các hợp đồng đã ký, làm cơ sở đưa vào tiêu chí đánh giá hồ sơ dự thầu về kỹ thuật theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 12 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP trong các hồ sơ mời thầu mua gạo DTQG các đợt đấu thầu tiếp theo.

Các nhà thầu có lịch sử chấp hành tốt sẽ có điểm uy tín cao khi tham dự thầu các gói thầu cung cấp gạo DTQG. Các nhà thầu có lịch sử chấp hành không tốt, như từ chối ký hợp đồng khi đã trúng thầu hoặc có lịch sử không tuân thủ đúng quy định của hợp đồng (về thời gian giao hàng, về chất lượng, số lượng hàng,…), tùy theo mức độ sẽ bị đánh giá, xếp hạng uy tín thấp hơn, đó là lẽ đương nhiên.

PV: Thưa ông cũng có một vài ý kiến chưa rõ về căn cứ của việc ban hành quy định này và tạo ra không công bằng cho các nhà thầu. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Ông Phạm Vũ Anh: Việc quy định đánh giá uy tín của nhà thầu được các cục DTNN khu vực thực hiện theo đúng quy định tại điểm b Khoản 3 Điều 12 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP quy định: “Việc xây dựng tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật dựa trên các yếu tố về khả năng đáp ứng các yêu cầu về số lượng, chất lượng, thời hạn giao hàng, vận chuyển, lắp đặt, bảo hành, uy tín của nhà thầu thông qua việc thực hiện các hợp đồng tương tự trước đó và các yêu cầu khác nêu trong HSMT…”.

Ngoài ra về mặt chuyên môn, trên cơ sở ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu) và chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính (Tổng cục DTNN) cần có giải pháp xử lý đối với việc nhà thầu trúng thầu nhưng không ký hợp đồng theo hướng đánh giá về uy tín nhà thầu, tùy theo mức độ vi phạm mà bị đánh giá không đạt hoặc bị đánh giá uy tín rất thấp khi tham dự các gói thầu tương tự để tăng cường trách nhiệm tổ chức, cá nhân có liên quan, xử lý nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm hợp đồng hoặc không ký hợp đồng để đảm bảo kịp thời, hiệu quả và tránh thất thoát, lãng phí trong thu mua gạo DTQG.

Như vậy, chúng tôi cho rằng việc đánh giá chấm điểm uy tín nhà thầu nêu trên để bảo đảm công khai minh bạch trong HSMT, không phải là “loại nhà thầu” mà để đảm bảo sự công bằng cho tất cả các nhà thầu tham dự thầu (nhà thầu có uy tín cao hơn thì sẽ được chấm điểm cao hơn và ngược lại), tăng tính cạnh tranh giữa các nhà thầu trong đấu thầu mua gạo dự trữ quốc gia và các cục DTNN khu vực sẽ lựa chọn được nhà thầu đáp ứng tốt nhất, đúng quy định của pháp luật về đấu thầu và HSMT (đáp ứng tốt tất cả các yêu cầu kỹ thuật và giá dự thầu); các nhà thầu nghiên cứu kỹ yêu cầu của HSMT trước khi tham gia dự thầu và phải bảo đảm năng lực thực hiện trách nhiệm khi được phê duyệt trúng thầu, ký hợp đồng và thực hiện hợp đồng.

PV: Có ý kiến cho rằng việc đánh giá uy tín nhà thầu gây thất thoát ngân sách nhà nước. Ông bình luận gì về vấn đề này?

Ông Phạm Vũ Anh: Ý kiến này mang tính suy diễn. Những ai hiểu pháp luật về đấu thầu thì đều biết rằng kết quả lựa chọn nhà thầu căn cứ vào tổng hợp điểm kỹ thuật nhà thầu đạt được (trong đó điểm đánh giá uy tín chỉ là một trong các tiêu chí) và giá dự thầu của nhà thầu. Về giá, theo quy định tại điểm e Khoản 1 Điều 43 Luật Đấu thầu, giá đề nghị trúng thầu trong lựa chọn nhà thầu cung cấp gạo DTQG của các Cục DTNN khu vực không được vượt giá gói thầu do Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN phê duyệt. Chúng tôi khẳng định, việc quy định chấm điểm uy tín nhà thầu trong đấu thầu mua gạo DTQG gia chỉ tạo thêm sự công bằng cho tất cả các nhà thầu tham dự thầu, tăng tính cạnh tranh giữa các nhà thầu và qua đó ngân sách nhà nước tiết kiệm, hiệu quả.

Việc mua gạo tăng cường nguồn DTQG theo kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao là một trong những nhiệm vụ chính trị hết sức quan trọng của Tổng cục DTNN, đặc biệt trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid–19 vẫn đang diễn ra và trước diễn biến bất thường, khó lường của thiên tai, thời tiết như trong thời gian vừa qua. Do vậy, để bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao, Tổng cục DTNN đã quán triệt và chỉ đạo các cục DTNN khu vực tập trung triển khai quyết liệt, đảm bảo tuân thủ đúng theo quy định của pháp luật về đấu thầu; lựa chọn các nhà thầu phải có uy tín, năng lực kinh nghiệm để khi được phê duyệt trúng thầu khẩn trương ký kết hợp đồng và thực hiện hợp đồng cung cấp gạo DTQG bảo đảm số lượng, chất lượng theo đúng tiến độ, kế hoạch được Nhà nước giao.

PV: Xin cảm ơn ông!

Thanh Thủy - Thời báo Tài chính Việt Nam (thực hiện)