Phát huy vai trò, hiệu quả nguồn lực dự trữ quốc gia

(03/05/2020)

Lực lượng dự trữ quốc gia (DTQG) vừa là công cụ của Nhà nước vừa là tiềm lực tài chính nhằm sẵn sàng, chủ động đáp ứng yêu cầu cấp bách về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh.
 

Đặc biệt, trong thời điểm cả nước chung tay phòng chống dịch Covid-19,

thì vai trò nguồn lực DTQG càng được thể hiện rõ nét.

 

Tăng cường nguồn lực DTQG

Theo đại diện Tổng cục Dự trữ Nhà nước (DTNN), từ năm 2013, khi Luật DTQG có hiệu lực thi hành, đến nay, lượng hàng DTQG đã đáp ứng đủ 100% đề xuất xuất cấp hàng DTQG để ứng cứu thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh…

Trong giai đoạn 2013 - 2019, nguồn lực huy động cho DTQG tăng đều qua các năm thể hiện ở giá trị tổng mức DTQG tăng bình quân 1,42%/năm; kinh phí đầu tư phát triển cơ sở vật chất cho DTQG, đặc biệt là cho hệ thống kho DTQG có sự tăng trưởng đáng kể (đạt 833,6 tỷ đồng).

Thời gian qua, các bộ, ngành đã tích cực mua sắm, nhập kho DTQG những mặt hàng tiên tiến, hiện đại, đáp ứng nhu cầu trong tình hình mới. Các mặt hàng thuốc vắc-xin, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, hạt giống cây trồng, vật tư, thiết bị cứu hộ, cứu nạn, phòng chống khắc phục hậu quả thiên tai,… lượng tồn kho đủ để đáp ứng nhu cầu khi có thiên tai, dịch bệnh và bảo đảm thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” khi có sự cố xảy ra. Đồng thời, hàng hóa dự trữ được xuất cấp kịp thời giải quyết khó khăn trong đời sống của người dân, giúp người dân sớm khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, bảo đảm quốc phòng – an ninh, bảo đảm an sinh xã hội và thực hiện các nhiệm vụ quan hệ quốc tế.

Theo Chiến lược phát triển DTQG đến năm 2020 (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 2091/QĐ/TTg ngày 28/12/2012), đối với mặt hàng lương thực đến năm 2015 giữ mức ổn định khoảng 500.000 tấn (quy thóc), sau năm 2015, căn cứ tình hình thực tế để quyết định mức tăng cụ thể. Căn cứ chiến lược DTQG và chỉ tiêu kế hoạch DTQG được Thủ tướng Chính phủ giao hàng năm, năm 2019, Tổng cục DTNN đã triển khai hoàn thành 100% kế hoạch được giao, nhập mua 80.000 tấn thóc và 200.000 tấn gạo.

Để ứng phó với dịch bệnh Covid-19, Bộ Tài chính (Tổng cục DTNN) đã chủ động xây dựng kế hoạch cũng như kịch bản về dự trữ gạo quốc gia. Nhằm triển khai Quyết định số 05/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về giao chỉ tiêu kế hoạch DTQG năm 2020, Tổng cục DTNN đã và đang triển khai đầy đủ các thủ tục và giao cho các cục DTNN khu vực triển khai mua lương thực (thóc, gạo) nhập kho DTQG gồm 190.000 tấn gạo và 80.000 tấn thóc, đảm bảo đúng quy định, công khai, minh bạch, từ việc xây dựng và giao chỉ tiêu kế hoạch.

Xuất cấp kịp thời hàng DTQG

Ngay từ đầu quý I/2020, trước diễn biến phức tạp ngày càng nguy hiểm, khó lường của dịch Covid-19 trên thế giới cũng như ở Việt Nam, để hoàn thành nhiệm vụ được giao, Tổng cục DTNN đã chỉ đạo quyết liệt, chủ động triển khai nhiều biện pháp đồng bộ nhằm vừa phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, đồng thời đảm bảo triển khai xuất cấp kịp thời hàng DTQG.

Đầu tháng 2, ngay sau đợt nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, thực hiện các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Y tế, Tổng cục DTNN, các cục DTNN khu vực đã xây dựng phương án phòng, chống dịch Covid-19, triển khai đến từng cán bộ, công chức trong đơn vị. Hầu hết các cục DTNN khu vực thực hiện phun thuốc khử trùng, mua sắm các dụng cụ vật tư y tế như: dung dịch sát khuẩn, nước rửa tay, khẩu trang để chủ động phòng, chống dịch,…

Việc chủ động phòng, chống dịch bệnh vừa giúp bảo vệ sức khỏe cán bộ, công chức, thể hiện trách nhiệm với cộng đồng, xã hội vừa đảm báo nguồn lực sẵn sàng để các đơn vị trong ngành DTNN hoàn thành nhiệm vụ đột xuất, cấp bách được giao.

Về xuất cấp hàng vật tư, thiết bị phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn, trong quý I/2020, Tổng cục DTNN (Bộ Tài chính) đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn, xuất cấp 78 bộ xuồng cao tốc các loại; 103 bộ máy bơm nước chữa cháy; 46 bộ máy phát điện loại 30KVA; 35 bộ máy khoan cắt bê tông (trị giá 129 tỷ đồng).

Ngoài việc xuất cấp hàng để thực hiện các mục tiêu của DTQG đã đề ra, Thủ tướng Chính phủ còn giao cho ngành DTNN xuất cấp các mặt hàng để phục vụ nhiệm vụ hỗ trợ học sinh tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, hỗ trợ các dự án trồng rừng tại Hà Giang, Thanh Hóa và Bắc Giang.

Chỉ tính trong 3 tháng đầu năm 2020, thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ, ngành DTNN (Bộ Tài chính) đã xuất cấp 51.014 tấn gạo DTQG, trong đó đã xuất cấp 12,76 nghìn tấn gạo DTQG để khắc phục hậu quả thiên tai, cứu trợ, cứu đói cho nhân dân trong dịp giáp hạt đầu năm 2020; hỗ trợ nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý khoảng 6.460 tấn gạo; hỗ trợ người dân thực hiện dự án trồng rừng ở Thanh Hóa, Bắc Giang khoảng 2.665 tấn gạo; hỗ trợ gạo cho học sinh học kỳ II năm học 2019 - 2020 là 38.126 tấn gạo…

Trước tình hình diễn biến phức tạp, khó lường của dịch Covid-19, trên cơ sở đề nghị của Bộ Quốc phòng, để trang bị cho các đơn vị quân đội thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19; đồng thời thực hiện quyết định của Bộ Tài chính, Tổng cục DTNN, 22 cục DTNN khu vực xuất cấp kịp thời 2.600 bộ nhà bạt các loại (gồm: 350 bộ loại 60m2; 800 bộ loại 24,75m2; 350 bộ loại 24,5 m2 và 1.100 bộ loại 16,5 m2) theo đúng kế hoạch tiếp nhận, phân bổ của Tổng cục Hậu cần (Bộ Quốc phòng), bảo đảm kịp thời cho các đơn vị làm nhiệm vụ trên các tuyến biên giới đất liền, đơn vị triển khai bệnh viện dã chiến để thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19.

Việc xuất cấp hàng DTQG hỗ trợ cho mỗi mục tiêu, tại mỗi thời điểm mang ý nghĩa khác nhau, tuy nhiên đối với xuất cấp hàng DTQG để hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh Covid-19 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, không những khẳng định được vai trò của ngành DTNN trong các tình huống đột xuất, cấp bách mà còn góp phần cùng Đảng, Chính phủ và quần chúng nhân dân tham gia đẩy lùi dịch Covid-19.


Trên cơ sở đề nghị của Bộ Quốc phòng, để trang bị cho các đơn vị quân đội thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19; đồng thời thực hiện quyết định của Bộ Tài chính, Tổng cục DTNN, 22 cục DTNN khu vực xuất cấp kịp thời 2.600 bộ nhà bạt các loại (gồm: 350 bộ loại 60m2; 800 bộ loại 24,75m2; 350 bộ loại 24,5 m2 và 1.100 bộ loại 16,5 m2) theo đúng kế hoạch tiếp nhận, phân bổ của Tổng cục Hậu cần (Bộ Quốc phòng).

Thời báo Tài chính Việt Nam