Những chuyến xe chở nặng nghĩa tình

(12/03/2019)

Vào dịp này, khi cả nước hướng về biên giới phía Bắc - nơi 40 năm trước hàng vạn chiến sĩ, đồng bào ta ngã xuống để giữ từng tấc đất biên cương thì cũng là lúc những đoàn ô tô hối hả xuyên đêm mang gạo lên với học sinh miền núi.

Hành trình lên phía Bắc

Tròn 40 năm trước, ông Triệu Duy Tâm, nay là Cục trưởng Cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) khu vực Hải Hưng còn là anh lính tuổi đôi mươi đang cầm súng bảo vệ biên giới Tây Nam, rồi tiến sâu vào lãnh thổ Campuchia giúp bạn giải phóng khỏi chế độ Khơ Me Đỏ. Ông bảo, nếu ngày ấy mình không đánh Pol Pot ở phía Tây Nam thì chắc chắn sẽ có mặt tại các chiến trường biên giới phía Bắc. Vì vậy hơn ai hết, ông càng thấu hiểu về ý nghĩa của chuyến đi. Đoàn xe lên mạn ngược lần này không chỉ chở gạo, hàng hóa, đồ dùng học tập mà còn chở nặng nghĩa tình đến với vùng cao, nhất là học sinh ở những nơi còn đầy gian khó.

Chiều một ngày cuối tháng hai, chiếc ô tô cuối cùng chở theo hơn 40 tấn gạo rời Chi cục DTNN Kim Thi đi về phía Bắc; đây là 1 trong gần 40 chiếc xe trọng tải lớn chở gạo hỗ trợ cho học sinh vùng khó khăn của tỉnh Lai Châu. Anh Tiến lái xe quay sang giục tôi tranh thủ chợp mắt, vì chuyến đi còn dài và vất vả. Để đến được điểm giao gạo sẽ trải qua hành trình trên 500 km, hầu hết đường đèo dốc và phải đi trong khoảng 20 giờ liên tục. "Hạt gạo - hạt vàng", vì thế trước lúc khởi hành, gạo luôn được bốc xếp gọn gàng, che phủ, chằng buộc kỹ càng. Anh Tiến kể đã nhiều lần chở gạo hỗ trợ cho học sinh những vùng khó khăn. Mỗi chuyến đi ấy, do ai cũng luôn trong tâm thế phải làm tròn trách nhiệm nên chuyến nào cũng suôn sẻ, đi đến nơi về đến chốn.

 

Xe chở gạo vượt đèo Ô Quy Hồ

 

Bên ngoài cabin, mưa xuân và sương mù giăng mắc, trời càng mau tối. Cả đoàn xe chầm chậm nối đuôi nhau lên cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Khoảng 21 giờ, xe qua Phú Thọ vào Yên Bái rồi dừng lại để anh em kiểm tra hàng hóa, ăn tối và thay người lái. Đã gần 30 năm cầm lái trên các cung đường Tây Bắc nên anh Tiến cùng người lái phụ thông thuộc từng khúc quanh lên xuống và rất thạo đi đêm. Bữa cơm qua loa rồi tất cả lại vội vã lên đường. Trời se lạnh, sương mù thêm đặc quánh, trăng cuối tháng sắc mảnh như lá lúa ẩn hiện sau những dãy núi chập chùng đen thẫm. Trên chiếc giường nhỏ phía cuối cabin, người lái chính đã chìm vào giấc ngủ. Đường vắng, chỉ còn tiếng gió rít vi vu qua khe kính. Đoàn xe cứ thế lặng lẽ xuyên đêm đen, xuyên qua màn sương trắng tiến lên phía Bắc.

Gần 10 giờ di chuyển, đoàn xe đi trên quốc lộ 4D và tiếp tục một hành trình khó khăn gấp bội. Sương tan, các khúc quanh tay áo dần hiện ra như những sợi dây ngoằn ngoèo vắt men theo chân núi. Xe trườn qua 50 km đèo Ô Quy Hồ - "Vua đèo vùng Tây Bắc" với độ cao gần 2.000 m so với mực nước biển. Vào đến địa phận Lai Châu, những chiếc xe giữ nguyên tốc độ 10 km/giờ; xe oằn mình, ngắc ngư, lúc chồm lên, khi khựng lại trên suốt 6 km đường đèo Giang Ma mới vào được TP Lai Châu. Qua thành phố, đoàn xe tiếp tục leo lên khoảng 8 km rồi lại tụt xuống cũng chừng ấy km đường đèo Hồng Thu Mán. Thêm gần 2 giờ đồng hồ nữa đoàn xe mới đến ngã ba Mường So, huyện Phong Thổ rồi rẽ phải vào quốc lộ 100, vượt qua cầu Phiêng Đanh đến điểm tập kết tại xã Mường So. Gần 24 giờ liên tục hành trình mới kết thúc. Gạo sẽ được tập kết tại đây và trung chuyển tới các điểm trường trong huyện.

Búp non trên đá

Trẻ em ở vùng cao như những nhành cây non vươn lên từ kẽ đá; chúng được sinh sôi, lớn lên cùng những cánh rừng, những dòng suối và những ngọn núi cao sương trắng. Bẽn lẽn, rụt rè, ít nói, nhưng mắt đứa nào đứa nấy vẫn sáng long lanh và đen lay láy. Những ánh mắt biết nói ấy được truyền từ cha sang con, được nối tiếp nhau và sâu thẳm bên trong là bản lĩnh của người miền sơn cước - những con người từ đời này sang đời khác giữ núi, giữ rừng trên vùng phên dậu quốc gia.

 

Gạo được chuyển đến từng điểm trường của tỉnh Lai Châu

 

Lý Tuấn Rồng người Dao tiền là học sinh Trường phổ thông Dân tộc (PTDT) bán trú THCS Hoang Thèn (Phong Thổ); đã là học sinh lớp 6, nhưng Rồng nhỏ bé như mới học lớp 2; bù lại, Rồng khỏe mạnh, săn chắc và ham học; tiếng là trường và nhà ở cùng xã Hoang Thèn, nhưng từ nhà đến trường phải vượt qua quãng đường gần 20 km. Cứ cuối tuần, Lý Tuấn Rồng và anh trai Lý Tuấn Dũng đang học lớp 7 cùng trường lại được mẹ đi xe máy đến đón về nhà. Đầu tuần, mẹ bận lên nương, anh em Rồng - Dũng lại lay nhau dậy từ lúc con gà rừng le te gáy để cuốc bộ gần 20 km đường đèo dốc đến trường. "Đi học vui lắm, chứ ở nhà chỉ vào rừng kiếm củi hay lên nương rẫy. Cháu muốn các bạn ở bản cũng được đến trường" - qua người "phiên dịch" là cô giáo Lại Thị Phương, Rồng nói với tôi như thế. Rồng kể nhà chỉ có 2 anh em, bố mẹ làm nương rẫy không biết chữ nhưng đều bắt các con đến trường, muốn các con "Đầy cái bụng chữ" để không khổ như bố mẹ. "Không bắt nó ở nhà làm rẫy đâu. Cho nó đi học có cái chữ để sau này mình không ân hận", qua cô giáo Phương, chị Lý Thị Hoa - mẹ của Rồng cho biết.

Còn Sùng Thị Pàng - cô học sinh lớp 6C Trường PTDT bán trú THCS Hoang Thèn là chị cả của 3 em. Cứ cuối tuần, nếu không được bố đón, Pàng lại xuyên rừng khoảng 12 km về nhà ở bản Sin Chải. Đã có lần bị bố bắt ở nhà trông em, không được đến trường, Pàng khóc suốt một ngày đêm. Giọt nước mắt trong veo của Pàng đã làm mềm lòng ông bố người Mông, để rồi Pàng lại được cắp sách đến trường gặp thầy, gặp bạn. "Muốn đến trường để học, để múa hát và ăn cơm trắng các bác ở xuôi mang lên", cô giáo Phương thuật lại lời Pàng nói.

 

Lãnh đạo Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Hải Hưng trao quà

 cho học sinh Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Hoang Thèn

 

Theo các giáo viên của Trường PTDT bán trú THCS Hoang Thèn cha mẹ học sinh không phải đóng góp bất kỳ kinh phí nào. Ngoài số gạo được hỗ trợ, sách vở, bút mực cũng được thầy cô vận động các tổ chức, cá nhân tài trợ. Trường hiện có 9 lớp, 304 học sinh người Dao, Thái... chủ yếu là nội trú. Ngoài trường trung tâm, xã Hoang Thèn còn có các điểm trường tiểu học rải rác trong các bản Lèng Xuôi Chin, Mồ Sì Câu, Huổi Luông, Séo Lẻn, Nặm Và... Từ điểm trường Hoang Thèn, theo đường chim bay khoảng 10 km là sang Trung Quốc. Men theo quốc lộ 12 chỉ 30 km sẽ đến khu kinh tế cửa khẩu Ma Lù Thàng. Tuy thế, kinh tế - xã hội của Hoang Thèn chưa phát triển, đời sống vật chất, điều kiện học tập của trẻ em còn gặp nhiều khó khăn. Thầy Vũ Văn Pho, Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú THCS Hoang Thèn cho biết: "Đưa được các em đến trường đã khó, giữ được các em không bỏ học lại càng khó hơn. Vì vậy, hơn 14 tấn gạo do Cục DTNN khu vực Hải Hưng chuyển đến lần này là món quà rất ý nghĩa, sẽ giúp học sinh thêm đủ đầy lương thực và các thầy cô giáo yên tâm hơn để bám bản, bám trường",  Từ đỉnh Ma Ly Pho cao vút ánh nắng chiều vàng trong như mật rót xuống các bản làng, đoàn xe rời Hoang Thèn ngược ra quốc lộ 100, qua cầu Phiêng Đanh để đến thêm các điểm trường. Bên kia dòng suối Nậm So trong vắt, từng tốp học sinh giơ những bàn tay nhỏ xíu vẫy chào. Sẽ có một ngày chúng tôi trở lại Hoang Thèn, khi ấy Pàng hay Rồng đã lớn. Và có thể, thầy Pho, thầy Thiều, cô Phương... vẫn đang cắm bản để có thêm những lứa học trò miền cao đủ đầy kiến thức tiếp tục xây dựng bản làng và giữ vững miền biên ải quốc gia./.

 

 

Phạm Khương - Cục DTNN Khu vực Hải Hưng