Gạo Dự trữ Quốc gia tiếp sức học sinh nghèo nơi cuối trời Tổ quốc

(25/04/2018)

Những ngày cuối tháng 4 nắng như đổ lửa, đoàn công tác của Tổng cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) do ông Lê Văn Thời – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN làm trưởng đoàn đã phối hợp với  Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện kiểm tra, nắm tình hình triển khai hỗ trợ gạo cho học sinh tại một số vùng đất phương Nam của Tổ quốc. Đến những nơi này, mọi người trong đoàn công tác không dấu được xúc động khi được trực tiếp chứng kiến và cảm nhận tình cảm của thầy và trò ở vùng đất gian khó khi đón nhận gạo hỗ trợ của Chính phủ.

 

Ông Lê Văn Thời – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước và đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo

kiểm tra chất lượng gạo hỗ trợ cho học sinh tại Trường tiểu học An Thạnh 2A, Huyện Cù Lao Dung, Tỉnh Sóc Trăng

 

Nuôi dưỡng ước mơ học sinh nghèo đến trường

Điểm làm việc đầu tiên của đoàn công tác là Sở giáo dục và đào tạo tỉnh Sóc Trăng. Anh Nguyễn Việt Mười – Phó Giám đốc Sở cho biết: “Trong năm học 2017-2018, toàn tỉnh Sóc Trăng có 13.370 học sinh được nhận hỗ trợ hơn 1 nghìn tấn gạo”. Anh cũng cho biết, vừa rồi xuất gạo hỗ trợ học sinh, dù rất ít cán bộ thế mà cùng một lúc, Sở đã nỗ lực rà soát, lập danh sách học sinh thụ hưởng chính sách một cách kịp thời, chính xác để cho các em kịp nhận được gạo hỗ trợ của Đảng và Nhà nước ngay từ đầu năm học.  “Không chỉ cán bộ trực tiếp mà cả cán bộ gián tiếp, chúng tôi làm ngày làm đêm, mười hai giờ đêm hay một giờ sáng cùng các anh, các chị cán bộ ngành Dự trữ xuất quân đi các huyện xa xôi nhất của tỉnh Sóc Trăng là chuyện thường tình”- Anh Mười nói.

Từ câu chuyện ăm ắp niềm tâm huyết ấy, đoàn công tác chúng tôi cùng các anh chị của Sở giáo dục và đào tạo tỉnh Sóc Trăng đến thăm trường trường Tiểu học An Thạch 2A, thuộc huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng. Khi đoàn xe của chúng tôi tới nơi, mặc dù mới chỉ là 1h30 phút chiều nhưng bà con, người dân và các em học sinh đã có mặt rất đông đủ. Ngôi trường hiện ra trước mắt chúng tôi với vẻ ngoài đơn sơ, cơ sở vật chất thiếu thốn trăm bề, nhưng niềm hân hoan của học sinh, phụ huynh và thầy cô giáo khi đón đoàn công tác làm chúng tôi không khỏi xúc động.

Thầy Lâm Văn Nam - Hiệu trưởng trường tiểu học An Thạch 2 cho biết: “Do gia đình học sinh còn nhiều khó khăn nên nhiều em phải bỏ học giữa chừng để về tham gia lao động phụ giúp bố mẹ. Các thầy cô giáo phải thường xuyên đến tận nhà các em vận động học sinh ra lớp. Những năm gần đây, nhờ có chính sách hỗ trợ gạo cho học sinh nghèo của Nhà nước nên đã giúp các trường khó khăn của huyện Cù Lao Dung nói chung và trường tiểu học An Thạch 2A của chúng tôi nói riêng giải được bài toán khó mà nhiều năm nay những người làm giáo dục rất trăn trở. Có thể nói, chính sách hỗ trợ gạo cho học sinh nghèo của Nhà nước thực sự có hiệu quả, sát thực với thầy trò chúng tôi, không chỉ thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với sự nghiệp giáo dục mà còn mang đậm tính nhân văn sâu sắc.”.

Đúng như thầy Lâm Văn Nam chia sẻ, khi gặp các em học sinh được nhận gạo hỗ trợ tôi thấy trong đôi mắt các em không chỉ có niềm vui mà còn ánh lên những ước mơ, khát vọng đầy tươi mới. Chẳng thế mà, em Võ Thị Mỹ Tiên – học sinh lớp 5 trường tiểu học An Thạch 2C là người con thứ hai trong một gia đình có tới 8 miệng ăn (cả bố và mẹ cùng 6 người con) nên lương thực mỗi bữa ăn cho các em cũng là vấn đề mà cả gia đình thấy hết sức khó khăn.  Em Mỹ Tiên chia sẻ trong niềm vui phấn khởi: “Được nhận gạo hỗ trợ con cảm thấy rất vui. Số gạo này con sẽ dùng để ăn, có sức khỏe tới trường. Con mong ước sẽ học thật giỏi, con sẽ cố gắng chăm ngoan đi học để còn được hỗ trợ nhiều hơn”

Em Nguyễn Hoàng Khang – một bé trai với phong thái đĩnh đạt có những chia sẻ cùng cả ước mơ làm chúng tôi hết sức xúc động: “Con rất vui, con mong được hỗ trợ nhiều hơn trong hành trình đến trường. Con ước mơ sau này trở thành kế toán. Con cảm ơn Nhà nước đã hỗ trợ gạo cho con cùng nhiều bạn học sinh nghèo khác nữa”.

Mỹ Tiên và Hoàng Khang chỉ là hai trong số rất nhiều học sinh nghèo khác được nhận gạo ở nơi đây. Các em luôn cố gắng học tập và mong muốn được nhận nhiều gạo hỗ trợ hơn. Điều này làm chúng tôi cảm thấy thật ấm lòng…

Không quản khó khăn vất vả

Là đơn vị trực tiếp thực hiện nhiệm vụ xuất cấp gạo dự trữ quốc gia để hỗ trợ gạo cho học sinh tại các trường ở khu vực có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, năm năm qua các cán bộ của Tổng cục DTNN đã không quản ngại khó khan, vất vả để vận chuyển gạo kịp thời, đảm bảo chất lượng đưa đến tận tay các em học sinh ngay từ đầu năm học. Dù thêm việc, thêm trách nhiệm, thế nhưng với bất kỳ người cán bộ dự trữ nào cũng hồ hởi đón nhận nhiệm vụ này khi được thấy các em nhận gạo hỗ trợ mà đôi mắt trẻ thơ đong đầy mơ ước… Niềm hạnh phúc này càng lớn lên biết bao nhiêu khi qua mỗi năm những chuyến hàng chở đến các trường tăng dần. Nếu như học kỳ đầu tiên thực hiện chính sách (học kỳ I năm 2013-2014) có hơn 400 nghìn học sinh được nhận gạo hỗ trợ thì sau năm năm đã có hơn 550 nghìn học sinh nghèo trên cả nước được hỗ trợ gạo.

Sau khi kiểm tra đột xuất việc giao nhận, phân bổ, quản lý, giám sát gạo dự trữ quốc gia hỗ trợ cho học sinh tại trường tiểu học An Thạnh 2A, đoàn công tác lại nhanh chóng lên đường đến với Sở giáo dục đào tạo tỉnh Hậu Giang và tỉnh Cà Mau. Qua thời gian tiếp xúc và làm việc với các đồng chí lãnh đạo Sở Giáo dục Đào tạo, Phòng giáo dục huyện và các cơ quan chức năng của các tỉnh, các huyện, đều thấy được ở đây sự nhiệt tình, trân quý, tạo nhiều điều kiện để đoàn công tác chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ, cùng đưa gạo của Chính phủ đến tận tay học sinh ở những vùng xa xôi hẻo lánh, thể hiện rõ sự quan tâm của Đảng và Chính phủ, thấm đầy ý nghĩa và tính nhân văn.

Đặc biệt, tôi rất ấn tượng với những chia sẻ của chị Hằng – Giám đốc Sở giáo dục và đào tạo tỉnh Hậu Giang.  “Chúng tôi đánh giá rất cao chính sách hỗ trợ gạo cho học sinh. Những năm trước, có em học sinh phải nghỉ học vì gạo trong nhà đã hết. Nhưng từ khi được nhận gạo hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, nỗi buồn ấy không còn nữa. Giờ đây, dù là ngày mùa bội thu hay những ngày tám tháng ba khi gạo trong nhà đã cạn, mỗi sớm tinh mơ, từ các bản làng xa xôi nhất lại ríu ran tiếng gọi nhau đến trường của các em học sinh… Cũng từ đây, các em được tiếp xúc sớm với tiếng kinh nên chất lượng học tập nâng cao và mạnh dạn hơn khi giao tiếp xã hội. Mặt khác, đây cũng là cách gián tiếp giải quyết khó khăn cho nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn, gián tiếp xóa đói giảm nghèo”.

Thay mặt đoàn công tác, Phó Tổng cục trưởng tổng cục DTNN Lê Văn Thời ghi nhận những kiến nghị của các Sở GD&ĐT và đánh giá cao việc công tác tiếp nhận, bảo quản, cấp phát gạo hỗ trợ cho học sinh được thực hiện đúng quy trình, quy định. Đặc biệt là tại các trường, công tác bảo quản và cấp phát được thực hiện nghiêm túc. Các trường đã bố trí nơi bảo quản trong các phòng thoáng mát, không bị ẩm thấp, không bị dột mưa. Trong tuần lễ sau ngày tiếp nhận, các trường đã tổ chức kịp thời việc cấp phát cho tất cả các đối tượng học sinh thụ hưởng.

Chuyến đi đầy kỷ niệm đã gieo vào trong tôi bao ấn tượng. Đấy là ấn tượng của tôi về hình ảnh những cán bộ dự trữ luôn lăn lộn và bận rộn trên suốt chặng đường dài để làm sao sớm đưa được gạo đến với các em học sinh. Và đặc biệt là hình ảnh của các em học sinh, dù áo quần của các em chưa được đủ đầy, da dẻ các em nhẻm đen vì cuộc sống còn khó khăn nhưng những ánh mắt trong trẻo, những nụ cười tươi sáng của các em khi đón nhận những hạt gạo của Đảng và Nhà nước thật rạng rỡ, khiến bao vất vả, bao nhọc nhằn, dường như tan biến hết. Phía trước mở ra một khoảng trời tươi sáng khi các em được đến trường với những bữa cơm ấm no hơn, đủ đầy hơn….

 

Phạm Việt Hà – Nguyễn Hồng Sâm



Các tin đã đưa ngày: