Khơi dậy niềm tự hào 65 năm hình thành và phát triển

(31/08/2021)

Đỗ Việt Đức - Tổng cục trưởng

Tổng cục Dự trữ Nhà nước   

 

Trải qua 65 năm hình thành và phát triển, có nhiều chuyển đổi về tổ chức, khi phân tán, lúc tập trung, đến nay ngành Dự trữ Nhà nước đã không ngừng lớn mạnh, đáp ứng các yêu cầu cấp bách về phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai; phát huy vai trò đảm bảo an sinh xã hội, an ninh quốc gia và thực hiện các nhiệm vụ khác được Đảng, Nhà nước giao.

 

Trong 6 tháng đầu năm 2021, trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp,

Tổng cục DTNN đã xuất cấp các mặt hàng với tổng trị giá khoảng 650 tỷ đồng

 

Phát huy vai trò của dự trữ trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc

Ngay từ khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi, huy động đưa vào dự trữ lương thực, tiền vàng, muối ăn, đạn dược… để phục vụ các yêu cầu cấp thiết của cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và kịp thời hỗ trợ cứu đói cho nhân dân.

Tháng 9/1955, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa I nước Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa đã thông qua Nghị quyết mang ý nghĩa lịch sử đối với ngành Dự trữ Nhà nước (DTNN), trong đó nêu rõ: “Phải xây dựng một lực lượng dự trữ hùng hậu để ứng phó với mọi tình huống, bất trắc xảy ra”. Quán triệt chủ trương đề ra tại Nghị quyết của Quốc hội, ngày 7/8/1956, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 997-TTg thành lập Cục Quản lý Vật tư nhà nước trực thuộc Thủ tướng Chính phủ – tổ chức tiền thân của Tổng cục DTNN ngày nay.

Thời gian đầu thành lập, tổ chức bộ máy của Cục Quản lý Vật tư nhà nước tuy còn đơn giản, khối lượng hàng hóa dự trữ ít ỏi, chỉ với 27 loại hàng hoá thiết yếu; hệ thống bảo quản hầu hết là kho lán tạm, cơ chế quản lý dự trữ cũng chưa được hình thành... nhưng với sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, đội ngũ cán bộ, công  chức toàn Ngành đã nỗ lực vượt bậc, vượt mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ qua các giai đoạn lịch sử, cụ thể như:

Giai đoạn 1956-1960: Cục Quản lý Vật tư nhà nước vừa thực hiện tiếp nhận hàng hóa, kho tàng, vừa đẩy mạnh nhập tăng cường hàng hóa dự trữ; xây dựng hệ thống kho chứa 64.000 tấn thóc, 25.000 tấn muối, 12.160 m2 kho chứa vật tư thiết bị. Đồng thời, xuất cấp 160.000 tấn lương thực cung cấp cho cán bộ nhà nước, công nhân viên, quân đội, cứu đói cho dân, thóc giống cho sản xuất nông nghiệp và hàng vạn tấn kim khí, xi măng, hóa chất, thuốc tân dược, thiết bị, săm lốp... cho các công trình trọng điểm…

Giai đoạn 1961-1975: Đáp ứng yêu cầu thời chiến, DTNN đã kịp thời chuyển đổi phương thức quản lý, chuyển giao một số hàng hóa dự trữ cho các bộ, ngành trực tiếp quản lý, phân tán, sơ tán hàng hóa dự trữ, chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, đảm bảo an toàn cho dự trữ quốc gia (DTQG), đồng thời tăng cường quy mô dự trữ để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, bình quân tổng giá trị hàng dự trữ trong những năm 1970-1975 đã tăng từ 5-7 lần. Tổng giá trị hàng hóa xuất kho phục vụ các lực lượng vũ trang trực tiếp chiến đấu chiếm 28,5%, cho các lực lượng phục vụ chiến đấu chiếm 65,1% cho sản xuất và dân sinh chiếm 6%... góp phần vào công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Giai đoạn từ 1976-1988: Hòa bình lập lại, kiến thiết đất nước và chuyển sang thời kỳ đổi mới, hệ thống DTNN đã không ngừng phát triển lớn mạnh.

Năm 1988, Hội đồng Chính phủ quyết định đổi tên Cục Quản lý Vật tư nhà nước thành Cục DTQG (tại Nghị định số 142/HĐBT ngày 08/9/1988 về Quy chế quản lý DTQG). Theo đó, Chính phủ phân công 9 bộ quản lý hàng DTQG.

Nhìn chung, giai đoạn từ 1956-1988, DTNN đã hình thành hệ thống kho, tích luỹ nguồn lực hàng hoá dự trữ lớn, góp phần quan trọng, kịp thời, hiệu quả cho sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà, cùng cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Tô đậm thêm truyền thống 65 năm

Thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16/8/1999 Hội nghị lần thứ Bảy Ban Chấp hành Trung ương Khóa VIII, ngày 24/8/2000, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 102/2000/QĐ-TTg chuyển Cục DTQG về trực thuộc Bộ Tài chính. Nhằm đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ mới, Bộ Tài chính đề xuất nâng cấp Cục DTQG thành Tổng cục DTNN, các đơn vị DTQG khu vực được đổi thành Cục DTNN khu vực, thành lập thêm 4 Cục DTNN khu vực, nâng tổng số Cục DTNN khu vực lên 22 đơn vị tại các địa bàn chiến lược trên cả nước. Cục DTNN khu vực có các Chi cục DTNN trực thuộc. Hệ thống DTQG được hoàn thiện với 3 cấp quản lý. Đến nay, sau 21 năm về "mái nhà chung" Bộ Tài chính (2000 - 2021), ngành DTNN đã không ngừng lớn mạnh, tăng cường nguồn lực DTQG, với nhiều dấu mốc nổi bật như:

Thứ nhất, ngày 29/4/2004, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Khóa XI) đã thông qua Pháp lệnh DTQG số 17/2004/PL-UBTVQH11 (có hiệu lực từ ngày 1/9/2004). Trên cơ sở đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 196/2004/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của pháp lệnh và thiết lập hệ thống tổ chức ngành DTNN. Đặc biệt, ngày 20/11/2012, Quốc hội khóa XIII đã ban hành Luật DTQG (số 22/2012/QH13). Từ khi có hiệu lực thi hành (1/7/2013) đến nay, hàng loạt văn bản quy phạm pháp luật về DTQG đã được Tổng cục DTNN tham mưu, xây dựng trình cấp có thẩm quyền ban hành; qua đó, tạo nên hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về DTQG tương đối đầy đủ và đồng bộ, thúc đẩy nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về DTQG.

Thứ hai, ngày 20/8/2009, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 106/2009/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục DTNN trực thuộc Bộ Tài chính. Để phù hợp với Luật DTQG, chức năng, nhiệm vụ của Tổng cục DTNN tiếp tục được đổi mới theo Quyết định số 36/2019/QĐ-TTg ngày 25/12/2019 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục DTNN thuộc Bộ Tài chính.

Thứ ba, giai đoạn 2011-2020, ngành DTQG luôn được Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm, hàng năm đều bố trí mức tăng NSNN cho DTQG, tổng chi NSNN cho DTQG giai đoạn này trên 8.000 tỷ đồng. Nhờ đó, đến cuối năm 2020 tổng mức DTQG đã đạt trên 11.000 nghìn tỷ đồng, tăng gấp 1,25 lần năm 2015 và gấp khoảng 1,7 lần so với năm 2010. Việc tăng dần nguồn lực DTQG góp phần tạo sự chủ động cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc quản lý, điều hành, xuất cấp phân phối, sử dụng hàng DTQG.

Điển hình trong năm 2020, trong cùng một thời điểm mà người dân ở nhiều địa phương phải đối diện với tác động của dịch bệnh Covid-19 trong khi nhân dân các tỉnh miền Trung, vừa ứng phó với bão lũ nặng nề... Giữa những khó khăn đan xen, thách thức lớn đặt ra, trong khoảng thời gian này, Tổng cục DTNN đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp, nêu cao tinh thần tận tình phục vụ, ý thức trách nhiệm của mỗi cán bộ, công chức trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao. Theo đó, năm 2020, Tổng cục DTNN đã xuất cấp trên 132.000 tấn gạo, giá trị gần 1.400 tỷ đồng; xuất cấp vật tư, thiết bị cho bộ, ngành, địa phương để phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn với tổng giá trị trên 200 tỷ đồng. Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm 2021, trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp, Tổng cục DTNN đã xuất cấp kịp thời các mặt hàng với tổng trị giá khoảng 650 tỷ đồng.

Có thể khẳng định, trong suốt 65 năm hình thành và phát triển, ở bất kỳ hoàn cảnh nào, ngành DTNN luôn nỗ lực hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Với nỗ lực đó, Tổng cục DTNN đã vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Hồ Chí Minh (2006); Huân chương Độc lập hạng nhất (2015); Cờ thi đua của Chính phủ (2016); 2 danh hiệu Anh hùng Lao động; nhiều đơn vị và cá nhân được tặng thưởng Huân chương Độc lập và Huân chương Lao động các hạng... Thành tích này đã tô đậm thêm nét son truyền thống 65 năm xây dựng và trưởng thành của ngành DTNN.

Tăng cường tiềm lực dự trữ quốc gia, đáp ứng yêu cầu mới

Thực tiễn cho thấy, để DTQG thực sự là một trong những công cụ hữu hiệu của Nhà nước trong việc góp phần phát triển kinh tế-xã hội bền vững của đất nước, giai đoạn 2021-2030, ngành DTNN cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:

Thứ nhất, hoàn thiện thể chế chính sách về DTQG, làm cơ sở cho việc quản lý, điều hành hoạt động DTQG. Trong đó, trọng tâm là xây dựng Chiến lược DTQG giai đoạn 2021-2030; Xây dựng quy hoạch tổng thể và chi tiết hệ thống mạng lưới kho DTQG giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để phục vụ cho công tác quản lý.

Thứ hai, bố trí NSNN để tăng cường nguồn lực DTQG theo hướng ưu tiên tăng dự toán chi NSNN hàng năm cho DTQG sẵn sàng mọi nguồn lực ứng cứu khi có tình huống cấp bách xảy ra; Quản lý chặt chẽ hàng DTQG đảm bảo về số lượng, chất lượng; bố trí NSNN để đầu tư, xây dựng, hoàn chỉnh hệ thống kho DTQG theo quy hoạch được duyệt theo hướng hiện đại, bền vững.

Thứ ba, tăng cường công tác nghiên cứu, đánh giá tình hình dự báo, chủ động tham mưu cho Chính phủ, Bộ Tài chính để có các kịch bản ứng phó với các tình huống đột xuất, cấp bách.

Thứ tư, tiếp tục chỉ đạo sắp xếp lại tổ chức bộ máy quản lý hàng DTQG theo hướng tinh gọn hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đồng thời, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ của công chức, viên chức trong hệ thống DTQG nhằm thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển DTQG giai đoạn 2020-2030.

Thứ năm, đẩy mạnh hiện đại hóa ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động quản lý hàng DTQG; tăng cường kiểm tra, giám sát nội bộ tại các bộ, ngành quản lý hàng DTQG. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ.

Thứ sáu, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, nghiên cứu, tiếp thu và chuyển giao công nghệ bảo quản hàng DTQG, công nghệ xây dựng hệ thống kho DTQG.

Thứ bảy, tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cán bộ công chức, các tầng lớp nhân dân về DTQG.