Đến với Túc Đán , Trạm Tấu, Yên Bái nơi gieo vần những con chữ

(04/10/2018)

Đến với Yên Bái là đến với một trong các Tỉnh miền núi biên giới phía Bắc Tổ quốc, tỷ lệ người dân tộc thiểu số khá lớn, địa bàn rừng núi phức tạp, đi lại càng khó khăn.

Mấy năm vừa qua, Yên Bái là một trong những tỉnh phải chịu nhiều hậu quả từ mưa lũ, sạt lở đất, gây thiệt hại lớn về cơ sở vật chất, hạ tầng giao thông gấp bội, thậm chí cả con người, ước tính thiệt hại cả Tỉnh lên tới vài trăm tỷ đồng. Ảnh hưởng của mưa lũ cũng làm hành trình tới trường học hành tìm cái chữ  của trẻ em tại những vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn nơi đây trở nên gian khó gắp bội.

 

Hỗ trợ gạo cho các em học sinh vùng cao

 

Túc Đán là một xã vùng cao thuộc huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái, dân cư ở đây chưa tới hai nghìn người, mật độ khá thưa thớt. Đặc biệt, cơ sở hạ tầng còn xập xệ, hư hỏng nhiều.

Sáng ngày 27/8, đoàn công tác Cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) khu vực Vĩnh Phú  đã tới kiểm tra công tác giao nhận gạo tại một điểm trường tại xã Túc Đán. Ngay từ sáng sớm, xe chúng tôi bắt đầu lăn bánh xuất phát từ thị xã Nghĩa Lộ để đi vào khu vực huyện Trạm Tấu đến điểm Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Túc Đán.

 

 

 

Quang cảnh đường xá, trường học có nhiều thay đổi nhờ được Nhà nước quan tâm, con đường bê tông đã thay thế con đường đất lầy lội, gồ ghề nhưng uốn lượn, đèo dốc bám sườn núi cheo leo để đến với điểm trường. Vượt qua hơn 100 km đường từ trung tâm thành phố Yên Bái, qua các thôn bản với nhiều đoạn bị chia cắt do mưa lũ, xe ô tô của chúng tôi mới di chuyển được đến nơi.

 

Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và trung học cơ sở Túc Đán

 

Vượt qua con đường tới trường đầy khó khăn, chúng tôi càng thấm thía sự gian nan trên mỗi ngày đi học của trẻ em vùng cao. May thay, vừa tới nơi, tất cả mọi người như được tiếp thêm sinh lực khi nhận được sự đón tiếp nồng nhiệt từ Ban giám hiệu, tập thể giáo viên và tất cả các em học sinh.

Gặp đại diện nhà trường, có thầy Nguyễn Văn Thanh - Hiệu trưởng, là người đã gắn bó với nhà trường và các em học sinh gần 20 năm, cùng các cô Nguyễn Thị Minh - Hiệu phó nhà trường (quê Ứng Hòa - Hà Nội) làm việc trên 20 năm; cô Nguyễn Thị Như Hạnh - Hiệu phó nhà trường (quê Hưng Hà - Thái Bình). Bản thân thầy hiệu trưởng Nguyễn Văn Thanh cũng là một người con của xứ Nghệ - vùng đất sản sinh ra nhiều nhân tài cho đất nước. Có thể thấy, tập thể giáo viên của trường nói chung, tập thể lãnh đạo nhà trường nói riêng cùng với thầy Thanh, cô Minh, cô Hạnh đều là những con người giàu tâm huyết với nghề, yêu thương các cháu học sinh vùng cao nơi đây. Họ bỏ lại sau lưng mảnh đất quê hương yêu dấu, vượt đường sá xa xôi cách trở; dành trọn tuổi thanh xuân đồng hành với bao thế hệ học sinh. Tất cả các thầy cô đều có chung một lý tưởng, một mơ ước và một niềm hy vọng là đem từng con chữ, con số tới các em học sinh, hết mình vì sự nghiệp trồng người nơi vùng cao gian khó.

Cô Hạnh cho biết: “Nhà trường có tổng cộng 861 các em học sinh theo diện bán trú. Đội ngũ giáo viên nhà trường đầy đủ ở các bộ môn với khả năng chuyên môn cao và nghiệp vụ sư phạm vững vàng. Giáo viên trong trường có 54 thầy cô với nhiều vị trí đảm nhiệm, phụ trách các nội dung khác nhau. Các thầy cô phối hợp hỗ trợ nhau để truyền tải được nhiều kiến thức trọng tâm nhất cho các em với tâm nguyện chung là vì tương lai tươi sáng của các em, của bà con dân tộc nơi đây”.

Cùng với cô Hạnh, cả đoàn tới thăm nơi sinh hoạt của các em trong trường. Ngôi nhà 2 tầng là nơi học tập hàng ngày, phòng học được bố trí rất gọn gàng, ngăn nắp. Khu dành cho các em bán trú với những chiếc giường tầng đều đặn được xếp trong căn phòng nhỏ xinh. Nhà sinh hoạt cộng đồng khá rộng rãi,  được kê những chiếc ghế ngay ngắn, thẳng hàng trên nền đất ẩm ướt những ngày mưa.

 

 

 

Giờ sinh hoạt cộng đồng của các cháu trường Túc Đán

 

Đặc biệt khu vực nhà ăn của các cháu đảm bảo chuẩn thông thoáng, vệ sinh và tiện lợi. Các hàng ghế xếp dài nối nhau thấy thấp thoáng cảnh các em học sinh ngồi trật tự ăn cơm. Những khay cơm trắng ngần, thơm phức.

Tuy sạch đẹp lắm nhưng sao chúng tôi cứ thấy nghẹn ngào quá đỗi bởi trong tôi thoáng nghĩ sự so sánh với các cháu học sinh miền xuôi. Cơ sở vật chất so với nhiều năm trước đã bớt phần thiếu thốn, nhưng chúng tôi vẫn muốn mong ước làm sao được quan tâm đầu tư hơn nữa góp phần đưa được nhiều niềm vui và sự động viên tới các em để điều kiện học tập sinh hoạt của các em ngày càng đủ đầy hơn.

 

 

 

Gạo Chính phủ trong bữa ăn của các cháu

 

Trong đội ngũ giáo viên nhà trường, tôi đặc biệt ấn tượng với thầy giáo Nguyễn Hồng Thủy bởi sự nhiệt tình và chu đáo của thầy. Thầy phụ trách giảng dạy bộ môn âm nhạc và được rất nhiều em học sinh yêu quý. Chia sẻ với đoàn công tác,  thầy cho biết: “Cái nghèo sinh ra cái khó, các em đến trường nhưng vẫn phải lo kiếm cái ăn cùng gia đình. Vì vậy việc học không được tập trung, nhiều ngày đi học bị gián đoạn. Giáo viên như chúng tôi cũng rất trăn trở và có nhiều lo lắng cho hành trình tới trường học cái chữ của các em”.

Nỗi lo của thầy Thủy là nỗi lo chung của nhiều giáo viên nơi đây. Riêng thầy Thanh - Hiệu trưởng nhà trường, bản thân là người đứng đầu, thầy luôn phải chịu nhiều áp lực và đau đáu với việc giúp các em học sinh có thể chuyên tâm tới trường, học hành tiến bộ để mai ngày khôn lớn các em là lực lượng nòng cốt xây dựng bản làng, quê hương phát triển ngày càng giàu đẹp, khang trang.Thầy tâm sự: “Ở vùng cao các bạn học sinh cấp 2 cũng là thành phần lao động chính của gia đình. Do vậy tới khi mùa màng cấy gặt, thậm chí các em phải nghỉ học để đi làm nương. Các thầy cô, nhiều khi phải lặn lội xuống tận bản để động viện bố mẹ cho các em đến trường. Rào cản kinh tế, rào cản văn hóa thực sự vẫn làm Ban giám hiệu  và giáo viên nhà trường gặp nhiều trở ngại. Nhưng nay được Nhà nước quan tâm, hỗ trợ thực tế thế này, chúng tôi cũng rất mừng. Phần vì các em bớt đi nỗi lo cơm áo,các em ấm cái bụng để yên tâm tới trường, học lấy cái chữ. Rồi các em sẽ có một tương lai tươi sáng hơn, sẽ mang lại nhiều hi vọng cho bản làng, họ hàng, dòng tộc. Thay mặt nhà trường tôi cảm ơn các cán bộ, lãnh đạo, Đảng và Chính phủ  nhiều lắm”. Từ hạt gạo này đã góp phần nuôi lớn những ước mơ bay cao, bay xa của học sinh vùng cao xã Túc Đán nói riêng cũng như của học sinh Yên Bái nói chung.

Đồng cảm với nỗi lòng của thầy, chúng tôi càng thấy “trân quý” giá trị những chương trình hỗ trợ, quan tâm từ Đảng, Chính phủ tới các em học sinh dân tộc thiểu số, các em học sinh nơi vùng có điều kiện kinh tế khó khăn. Hành trình Yên Bái tạm khép lại trong nụ cười của các em học sinh vùng cao. Qua trận mưa rào trời lại sáng, trời tạnh, sáng hẳn ra, sau rừng cây từ dãy núi xa mờ, ánh mặt trời bừng sáng như báo hiệu một tương lai tươi đẹp của thầy trò nơi đây. Trong cái tâm của các thầy cô giáo vùng cao và chứa chan biết bao sự quan tâm, nghĩa tình của Đảng, Nhà nước. Một hành trình mới lại đang chờ đón chúng tôi phía trước. Hẹn gặp lại nhé, vùng đất Túc Đán dấu yêu./.

 

                             Hoàng Thị Thu Thanh - Cục DTNN khu vực Vĩnh Phú



Các tin đã đưa ngày: