Cục DTNN khu vực Hoàng Liên Sơn: Sát cánh cùng người dân vùng lũ

(25/07/2018)

Đã gần 1 tuần qua, tỉnh Yên Bái gánh chịu hậu quả nặng nề của mưa lũ khiến tình hình đời sống của nhiều hộ dân trên địa bàn rơi vào cảnh khốn khó, cơ cực. Cùng với chính quyền, các cơ quan, đoàn thể, đơn vị trong toàn tỉnh, Cục DTNN khu vực Hoàng Liên Sơn đã đến với dân trong những lúc nguy cấp, về với dân trong những lúc khó khăn, sát cánh cùng cấp ủy, chính quyền tỉnh Yên Bái giúp dân vượt qua hoạn nạn...

 

 

Trong những ngày qua, trên địa bàn tỉnh Yên Bái xảy ra mưa nhiều, kéo dài trên nhiều vùng trong tỉnh. Đặc biệt, mưa lớn kéo dài từ đêm ngày 19/7 đến  ngày 21/7/2018, trên địa bàn tỉnh có mưa to đến rất to trên diện rộng, gây ngập úng, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét gây thiệt hại lớn về người, tài sản của Nhà nước và nhân dân; 9/9 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Yên Bái bị ảnh hưởng, nhất là các huyện Mù Cang Chải, Văn Yên, Trấn Yên, Văn Chấn, thị xã Nghĩa Lộ.

Theo thống kê của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Yên Bái, tính đến 16h ngày 21/7/2018, đã có 19 người chết và mất tích, 11 người bị thương, 4.170 nhà ở bị thiệt hại (trong đó 119 nhà bị lũ cuốn trôi, sập đổ hoàn toàn; 161 nhà nhà bị thiệt hại nặng; 3.356 nhà bị ngập nước, sạt lở ta luy, tốc mái, hư hỏng; 691 nhà phải di dời khẩn cấp), nhân dân vùng bị thiên tai lâm vào cảnh khó khăn do mất nhà cửa, tài sản, tư liệu sản xuất. Tổng diện tích lúa, hoa màu bị thiệt hại ảnh hưởng khoảng 2.126 ha; thiệt hại 1.258 con gia súc, gia cầm, 198,5 ha diện tích thuỷ sản. 422 tuyến đường, cầu cống và nhiều công trình thuỷ lợi, điện lực, viễn thông bị hư hỏng sập trôi...

Giá trị thiệt hại ước tính sơ bộ đến thời điểm này khoảng trên 200 tỷ đồng.

Có thể nói, mưa lũ dồn dập trong những ngày qua đã làm cho cuộc sống người dân tỉnh Yên Bái vốn đã khó khăn lại càng khó khăn thêm.

Mưa lũ không chỉ mang đến khổ đau mà còn mang đến...tình người. Những ngày sau cơn bão, chính quyền địa phương và các lực lượng vũ trang đang nỗ lực trong việc tham gia cứu nạn, cứu hộ và khắc phục hậu quả cơn bão.

Cùng với những nỗ lực của các cấp, các ngành, với phương châm đến với dân trong những lúc nguy cấp, về với dân trong những lúc khó khăn, trước, trong và sau lũ, những người làm nghề “tích cốc phòng cơ” tại Cục DTNN khu vực Hoàng Liên Sơn vẫn luôn sát cánh cùng cấp ủy, chính quyền tỉnh Yên Bái giúp dân vượt khó khăn...

Phó Cục trưởng Cục DTNN khu vực Hoàng Liên Sơn Lê Tiến Dũng cho biết, với những kinh nghiệm từ nhiều năm trước, từ trước khi mưa bão xảy ra, Cục DTNN khu vực Hoàng Liên Sơn đã phối hợp rất chặt chẽ với các cấp chính quyền địa phương để sẵn sàng ứng cứu ngay các tình huống có thể xảy ra, hạn chế thấp nhất thiệt hại về con người kho tàng, hàng hóa và tài sản. Các Chi cục DTNN đang bảo quản gạo và vật tư cứu hộ, cứu nạn luôn chuẩn bị sẵn sàng về mọi mặt để xuất cấp hàng DTQG khi có lệnh của các cấp có thẩm quyền với phương châm “4 tại chỗ, 3 sẵn sàng”.

“Trước thiệt hại của cơn bão số 3 gây ra cho nhân dân các địa phương trong tỉnh Yên Bái, ngày 21/7, Cục DTNN khu vực Hoàng Liên Sơn đã chủ động báo cáo Tổng cục DTNN  và được sự đồng ý của Tổng cục DTNN, đơn vị đã kịp thời xuất cấp cho tỉnh Yên Bái 50 bộ nhà bạt, loại 24,75 m2/bộ, công tác xuất cấp đảm bảo khẩn trương, không quản đêm tối, thời tiết mưa bão để tỉnh Yên Bái cấp cho các địa phương dựng làm chỗ ở cho người dân mất nhà do mưa lũ : - ông Dũng thông tin.

 

 

Với địa bàn phụ trách là các tỉnh miền núi thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ, đời sống nhân dân còn rất nhiều khó khăn, hàng năm thường xuyên nhận các nguồn trợ cấp của Chính phủ để ổn định đời sống. Ngay sau khi bão lũ đi qua, Cục DTNN khu vực Hoàng Liên Sơn đã chủ động phối hợp với các cơ quan ban ngành tỉnh Yên Bái để có số liệu các hộ gia đình cần phải hỗ trợ gạo cứu đói, báo cáo Tổng cục Dự trữ Nhà nước, Bộ Tài chính  trình Chính phủ xuất cấp gạo hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả bão lũ, Cục DTNN khu vực Hoàng Liên Sơn sẵn sàng triển khai xuất cấp kịp thời khi có lệnh của Chính phủ, vì đây là chính sách thể hiện tính nhân văn của Đảng, Chính phủ , góp phần giảm bớt khó khăn trước mắt, xoa dịu nỗi đâu mất mát người thân, tài sản của đồng bào trong bão lũ. Chính vì vậy, những người làm công tác dự trữ luôn tâm niệm, bằng bất cứ lý do gì cũng không được để người dân đói, mồ hôi của mình đổ xuống nhưng nhận lại là niềm vui của bà con khi được nhận được sự quan tâm, chăm lo kịp thời của Chính phủ.

Chính việc giúp đỡ dân trong những lúc khó khăn, hoạn nạn đã không chỉ giúp các địa phương kịp thời, chủ động khắc phục hậu quả thiên tai, giải quyết khó khăn, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định an ninh, chính trị trên địa bàn tỉnh mà còn là công cụ đắc lực trong công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ.

Và nhân dân địa phương ngày càng tin tưởng vào đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, tiếp tục bám bản, bám làng, hăng hái lao động, sản xuất, ổn định cuộc sống, xây dựng địa phương giàu mạnh... là phần thưởng cao quý nhất đối với những người làm nghề tích cốc phòng cơ./.

 

Hồng Sâm



Các tin đã đưa ngày: