Tăng cường công tác bảo vệ bí mật nhà nước trong lĩnh vực Dự trữ Quốc gia

(27/06/2018)

Tăng cường tuyên truyền, phố biển, giáo dục pháp luật bảo vệ bí mật nhà nước nhằm nâng cao nhận thức, hiểu rõ tầm quan trọng về công tác bảo vệ bí mật nhà nước và thực hiện nghiêm quy định pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng trong công tác bảo vệ an ninh quốc gia. Đó cũng là nghĩa vụ và trách nhiệm pháp lý của mỗi tổ chức, cá nhân trong ngành Dự trữ nhà nước.

 

 

Quy định pháp luật về bí mật nhà nước đối với lĩnh vực dự trữ quốc gia

Ngoài những quy định chung về bí mật nhà nước, trong lĩnh vực dự trữ quốc gia, quy định pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước đã quy định rõ các nội dung thuộc phạm vi bí mật nhà nước ở cả ba cấp độ: Tuyệt mật, Tối mật và Mật.

Ở cấp độ “Tuyệt mật”: Theo quy định tại khoản 5 Điều 5 Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước, thì “Dự trữ chiến lược quốc gia” thuộc cấp độ Tuyệt mật. Theo quy định ại khoản 1 Điều 1 Quyết định số 59/2013/QĐ-TTG ngày 15/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định danh mục bí mật nhà nước độ Tuyệt mật và Tối mật của ngành Tài chính thì “Tài liệu, số liệu trình Bộ Chính tri, ban Bí thư, Quốc hội, Ủy  ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để báo cáo hoặc xin chỉ đạo về chủ trương xây dựng dự toán ngân sách nhà nước đối với những lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại, dự trữ nhà nước” thuộc bí mật nhà nước độ “Tuyệt mật”.

Ở cấp độ “Tối mật”: Theo quy định tại Điều 6 Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước, phạm vi thông tin, tài liệu dự trữ quốc gia sau đây thuộc cấp độ Tối mật: tiền dự trữ bằng đồng Việt Nam và ngoại tế; phương án giá các mặt hàng chiến lược thuộc Nhà nước quản lý chưa công bố (trong đó có giá tối đa hoặc giá tối thiểu đối với hàng dự trữ quốc gia theo quy định của Luật Giá). Theo quy định tại Điều 2 Quyết định số 59/2013/QĐ-TTG ngày 15/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định danh mục bí mật nhà nước độ Tuyệt mật và Tối mật của ngành Tài chính thì “Kế hoạch dài hạn về dự trữ quốc gia, số liệu tuyệt đối về tồn kho các loại hàng dự trữ nhà nước” thuộc danh mục bí mật nhà nước độ “Tối mật”.

 Ở cấp độ “Mật”: Theo Thông tư số 56/2013/TT-BCA-A84 ngày 13/11/2013 của Bộ Công an quy định dnah mục bí mật nhà nước độ Mật của nhành Tài chính, các thông tin, tài liệu sau đây thuộc cấp độ “Mật”: “Hệ thống mạng lưới và kế hoạch bảo vệ đối với các kho dự trữ nhà nước”; “số liệu tổng hợp tuyệt đối về số lượng, giá trị vật tư, hàng hóa dự trữ nhà nước hàng năm”; “Tổng hợp kế hoạch tuyệt đối hàng năm về dự trữ nhà nước; tổng hợp số liệu tuyệt đối về vật tư, hàng hóa nhập kho, xuất kho hàng năm”.

Về chế độ bảo vệ bí mật nhà nước trong ngành Tài chính, Thông tư số 161/2014/TT-BTC ngày 31/10/2014 của Bộ Tài chính quy định về công tác bảo vệ bí mật trong ngành Tài chính đã quy định rất cụ thể về bảo vệ bí mật nhà nước trong công tác soạn thảo, đóng dấu, lưu hành, vận chuyển, giao nhận, cất giữ, sao chụp, sử dụng tài liệu mật; thẩm quyền cung cấp tài liệu mật; việc giải mật và tiêu huye tài liệu mật; trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị và người làm công tác liên quan đến bí mật nhà nước và trách nhiệm của các đơn vị trong việc kiểm tra, báo cáo định kỳ về bảo vệ bí mật nhà nước…

Thực tế thực hiện quy định về bảo vệ bí mật nhà nước trong ngành Dự trữ Nhà nước

Trong thời gian qua, việc thực hiện các quy định về bảo vệ bí mật nhà nước trong ngành Dự trữ nhà nước đã có chuyển biến rất tích cực: Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước được tăng cường; công tác kiểm tra việc bảo vệ bí mật nhà nước được quan tâm duy trì hàng năm; nhận thức của cán bộ công chức về quy định bảo vệ bí mật nhà nước từng bước được nâng cao; việc quản lý tài liệu bí mật nhà nước cơ bản được các đơn vị, cá nhân thực hiện đúng theo quy định của pháp luật. Các tài liệu mật đi và đến được vào sổ theo dõi, ghi chép đầy đủ thông tin và quản lý, lưu trữ cẩn thận. Các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục Dự trữ nhà nước đã trang bị máy tính không kết nối internet để soạn thảo, lưu trữ văn bản tài liệu có chứa thông tin bí mật nhà nước. Các khu vực kho dự trữ chiến lược đã được các đơn vị phối hợp với công an địa phương đăng ký cắm biển “khu vực cấm”, “địa điểm cấm”; việc quản lý, sử dụng kho, bãi được Tổng cục quán triệt thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, v.v…Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo vệ bí mật nhà nước còn một số thiếu sót, hạn chế. Qua kiểm tra và theo dõi thấy, một bộ phận công chức trong ngành Dự trữ nhà nước còn chủ quan, nhận thức chưa đầy đủ về quy định pháp luật bảo vệ bí mật nhà nước; thủ trưởng một số đơn vị thiếu sự quán triệt thường xuyên quy định pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước; thiếu kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước; một số đơn vị chưa thực hiện ký cam kết bảo vệ bí mật nhà nước đối với 100% cán bộ có tiếp xúc với thông tin, tài liệu thuộc danh mục bí mật nhà nước; việc thực hiện chế độ báo cáo về bảo vệ bí mật nhà nước tại một số đơn vị còn chưa kịp thời theo đúng quy định…

Tăng cường quán triệt và thực hiện nghiêm quy định pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước trong ngành Dự trữ Nhà nước

Trong thời gian tới, các đơn vị trong ngành Dự trữ nhà nước tiếp tục thực hiện nghiêm quy định pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước, đặc biệt là các nhiệm vụ trọng tâm sau đây:

Thứ nhất: Thủ trưởng các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục Dự trữ nhà nước tiếp tục tăng cường quán triệt, tuyên truyền, phố biến, giáo dục cho cán bộ, công chức nắm vững các quy định pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước. Cán bộ, công chức trong các đơn vị thuộc ngành Dự trữ nhà nước phải nhận thức rõ tầm quan trọng và trách nhiệm đối với công tác bảo vệ bí mật nhà nước, đặc biệt là không vi phạm các hành vi bị cấm trong quá trình soạn thảo, đóng dấu, lưu hành, vận chuyển, giao nhận, cất giữ, sao chụp, sử dụng tài liệu mật, cung cấp tài liệu mật,…theo quy định của pháp luật, của Bộ Tài chính và hướng dẫn của Tổng cục Dự trữ nhà nước tại văn bản số 1429/TCDT-CSPC ngày 21/10/2015 về thực hiện công tác bảo vệ bí mật nhà nước tại Tổng cục Dự trữ nhà nước.

Thứ hai: Đối với soạn thảo văn bản, tài liệu mật. Các đơn vị nghiêm túc thực hiện việc phân loại mức độ mật, thực hiện quản lý văn bản, tài liệu mật trong quá trình soạn thảo và lưu hành đúng quy định tại Điều 6 Thông tư số 161/2014/TT-BTC ngày 31/10/2014 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định công tác bảo vệ bí mật nhà nước của ngành Tài chính. Lưu ý việc soạn thảo, đánh máy các tài liệu có nội dung bí mật Nhà nước phải được tiến hành ở nơi đảm bảo bí mật an toàn do Thủ trưởng cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý tài liệu mật quy định. Trường hợp đặc biệt, khi có yêu cầu văn bản, tài liệu mật phải được soạn thảo trên hệ thống trang thiết bị đã qua kiểm tra và đủ điều kiện về đảm bảo an toàn, bảo mật. Tài liệu có nội dung bí mật nhà nước phải ghi tên viết tắt của cán bộ, công chức được giao soạn thảo và số lượng bản phát hành tại phần nơi nhận (mục Lưu) của tài liệu. Người được giao nhiệm vụ soạn thảo tài liệu mật phải đặt mã khóa bảo vệ bản mềm dự thảo tại máy tính hoặc các phương thức thích hợp khác để bảo vệ bí mật nhà nước theo đúng quy định.

Thứ ba: Thực hiện bảo vệ bí mật trong việc vận chuyển, giao nhận, cất giữ tài liệu mật theo quy định tại Thông tư 161/2014/TT-BTC, trong đó đặc biệt lưu ý:  Các loại tài liệu mật từ bất cứ nguồn nào gửi đến cơ quan, đơn vị đều phải qua văn thư vào sổ đăng ký tài liệu mật đến, trường hợp sử dụng phần mềm quản lý văn bản trên máy tính để theo dõi thì không được kết nối mạng Lan (mạng nội bộ), mạng Internet. Phải ghi đầy đủ các thông tin tài liệu mật khi đăng ký văn bản đến đến (số, ký hiệu, ngày, tháng, năm; trích yếu nội dung (trừ tài liệu có đóng dấu Tuyệt mật), độ mật, độ khẩn, người nhận (ký tên, ghi rõ họ tên)). Các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục phải được trang bị tủ có khóa để chứa tài liệu mật theo đúng quy định; không được gửi chung tài liệu mật trong một bì với tài liệu thường. Giấy làm bì phải là loại giấy dai, khó bóc, khó thấm nước, không nhìn thấu qua được; hồ dán phải dính, khó bóc. Việc đóng dấu ký hiệu các “độ mật” ngoài bì thực hiện theo quy định tại Thông tư số 33/2015/TT-BCA ngày 20/7/2015 của Bộ trưởng Bộ Công an hướng dẫn thực hiện Nghị định số 33/2002/NĐ-CP ngày 28/3/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước. Tuyệt đối không được gửi các tài liệu có chứa nội dung bảo vệ bí mật nhà nước qua email, mạng xã hội... trên môi trường mạng Internet.

Thứ tư: Đối với quản lý khu vực cấm, địa điểm cấm. Có phương án cảnh báo và bảo vệ, bảo đảm 100% các điểm kho DTQG được cắm biển khu vực cấm, địa điểm cấm. Rà soát, xây dựng, ban hành và thực hiện nghiêm túc nội quy quản lý kho DTQG trong đó các nội dung liên quan đến công tác bảo mật trong nội quy phải phù hợp với quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước tại khu vực cấm, địa điểm cấm. Thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ nhà nước tại văn bản số 600/TCDT-TVQT ngày 14/5/2018 về việc hướng dẫn quản lý, sử dụng tài sản là trụ sở làm việc, kho dự trữ quốc gia; theo đó, nghiêm cấm các đơn vị cho thuê, cho mượn kho, bãi dưới mọi hình thức khi chưa có quyết định phê duyệt của Tổng cục trưởng.

Thứ năm: Đối với người làm công tác liên quan đến bí mật nhà nước. Mỗi đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục có trách nhiệm bố trí công chức kiêm nhiệm làm công tác liên quan đến bí mật nhà nước. Tất cả các cán bộ được giao nhiệm vụ tiếp xúc với thông tin, tài liệu bí mật nhà nước phải ký cam kết bảo vệ bí mật nhà nước theo quy định tại Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước. Văn bản cam kết bảo vệ bí mật nhà nước được lưu tại đơn vị (mẫu văn bản cam kết đính kèm công văn này). Hàng năm, khi báo cáo tự kiểm tra công tác bảo vệ bí mật nhà nước, các đơn vị thống kê số người làm công tác liên quan đến bí mật nhà nước báo cáo về Tổng cục (qua Vụ Chính sách và Pháp chế).

Thứ sáu: Đối với chế độ tự kiểm tra và chế độ báo cáo công tác bảo vệ bí mật nhà nước. Định kỳ hoặc đột xuất tổ chức kiểm tra công tác bảo vệ bí mật nhà nước trong phạm vi quản lý, kịp thời khắc phục những thiếu sót trong việc thực hiện các quy định về bảo vệ bí mật nhà nước.  Các đơn vị thực hiện nghiêm chế độ kiểm tra và báo cáo tự kiểm tra công tác bảo vệ bí mật nhà nước định kỳ 6 tháng/lần trước ngày 01/6 và ngày 01/12 hàng năm theo quy định tại Thông tư số 161/2014/TT-BTC ngày 31/10/2014 của Bộ trưởng Bộ Tài chính và công văn số 1429/TCDT-CSPC ngày 21/10/2015 của Tổng cục Dự trữ Nhà nước.

 

 Nguyễn Văn Bình - Tổng cục Dự trữ nhà nước



Các tin đã đưa ngày: