Một số điểm mới của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với gạo dự trữ quốc gia: (QCVN 06:2019/BTC)

(26/11/2019)

Ngày 12/11/2019, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 78/2019/TT-BTC về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với gạo DTQG (QCVN 06:2019/BTC) thay thế Thông tư số 205/2011/TT-BTC ngày 30/12/2011 ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về dự trữ nhà nước đối với gạo (QCVN 06: 2011/BTC). Qua hơn 8 năm thực hiện QCVN 06: 2011/BTC cũng bộc lộ một số hạn chế cần sửa đổi, bổ sung để phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế. Vụ KHCNBQ xin giới thiệu một số điểm mới của QCVN 06:2019/BTC.

1. Về yêu cầu kỹ thuật: QCVN 06:2019/BTC thay đổi một số chỉ tiêu chất lượng của gạo theo quy định của TCVN 11888:2017 Gạo trắng và bổ sung yêu cầu về an toàn thực phẩm đối với gạo DTQG. Chi tiết như sau:

- Về cảm quan: Tổng hợp nội dung sinh vật hại vào yêu cầu cảm quan đối với gạo nhập kho (QCVN 06:2011/BTC trình bày riêng một mục).

- Về chỉ tiêu chất lượng của gạo nhập, xuất kho DTQG: Các chỉ tiêu chất lượng cơ bản giữ nguyên như quy định QCVN 06:2011/BTC, chỉ điều chỉnh chỉ tiêu hạt thóc lẫn và tỷ lệ tấm theo quy định của TCVN 11888:2017 Gạo trắng, chất lượng gạo xuất kho quy định theo quy định của TCVN 11888:2017 Gạo trắng.

- Về yêu cầu an toàn thực phẩm đối với gạo: QCVN 06:2019/BTC quy định dư lượng tối đa của 18 hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật cần kiểm soát dư lượng trên gạo, hàm lượng kim loại nặng và độc tố vi nấm.

2. Về lấy mẫu gạo: Quy chuẩn QCVN 06:2011/BTC lấy mẫu theo TCVN 5451: 2008, Ngũ cốc, đậu đỗ và sản phẩm bột nghiền – Lấy mẫu từ khối hàng tĩnh nay được thay thế bởi Tiêu chuẩn TCVN 9027:2011 (ISO 24333:2009) Ngũ cốc và sản phẩm ngũ cốc - Lấy mẫu. Vì vậy QCVN 06:2019/BTC quy định đối với lấy mẫu gạo trong quá trình nhập kho thực hiện theo TCVN 9027: 2011 (ISO 24333: 2009) Ngũ cốc và sản phẩm ngũ cốc - Lấy mẫu. Tuy nhiên việc áp dụng TCVN 9027: 2011 lấy mẫu trong quá trình bảo quản và xuất kho có một số bất cập do thời điểm lấy mẫu gạo đã được chất xếp thành lô, phủ màng nạp khí…để tháo gỡ những khó khăn trên, QCVN 06:2019/BTC quy định sơ đồ và số điểm lấy mẫu trong quá trình bảo quản và xuất kho như sau:  

- Đối với lô gạo có số lượng đến 150 tấn.

Mẫu được lấy tại 4 mặt xung quanh của lô gạo. Hai mặt có diện tích nhỏ lấy mẫu mỗi mặt tại 2 khu vực khác nhau đại diện cho phía trên, và phía giáp nền. Hai mặt có diện tích lớn lấy mẫu mỗi mặt tại 3 khu vực phía trên, giữa và giáp nền. Mỗi lô gạo lấy 10 khu vực, mỗi khu vực lấy 3 bao sát nhau, mỗi bao lấy 0,1 kg.

- Đối với lô gạo có số lượng trên 150 tấn.

Mẫu được lấy tại 4 mặt xung quanh của lô gạo. Hai mặt có diện tích nhỏ lấy mẫu mỗi mặt tại 3 khu vực khác nhau đại diện cho phía trên, giữa và phía giáp nền. Hai mặt có diện tích lớn, lấy mẫu 5 khu vực: 2 khu vực giáp nền, 2  khu vực phía trên và 1 khu vực giữa. Mỗi lô gạo lấy tối thiểu 16 khu vực, mỗi khu vực lấy 2 bao sát nhau, mỗi bao lấy 0, 1 kg.

3. Về công nghệ bảo quản: Một trong những điểm mới của QCVN 06:2019/BTC là quy định về công nghệ bảo quản gạo DTQG. Nhận thấy tính ưu việt của công nghệ bảo quản kín bổ sung khí N2 duy trì nồng độ cao trên 98% trong suốt quá trình bảo quản, hiện nay 100% các đơn vị đã thực hiện bảo quản gạo kín có bổ sung khí N2. Do vậy QCVN 06:2019/BTC chỉ quy định phương thức bảo quản kín bổ sung khí N2. Trong đó gạo lưu kho DTQG được bảo quản theo công nghệ bảo quản kín bổ sung khí N2 duy trì nồng độ ≥ 98%, giảm đến mức thấp nhất nồng độ khí ôxy trong lô gạo ≤ 2%, nhằm hạn chế quá trình ôxy hóa làm suy giảm chất lượng gạo và các hoạt động sống của côn trùng, vi sinh vật. Đối với bảo quản gạo suất thấp chỉ thực hiện trong trường hợp lô gạo nhập kho bảo quản chờ nạp khí N2 và những lô gạo đang bảo quản kín có bổ sung N2 xuất không hết lô mà thời gian bảo quản số lượng gạo còn lại dưới 02 tháng.

4. Về thời gian lưu kho: Với công nghệ bảo quản kín bổ sung khí N2 duy trì nồng độ cao ≥ 98%, thời gian lưu kho gạo DTQG là 15 tháng (dài hơn QCVN 06:2011/BTC 03 tháng). Nếu các chỉ tiêu chất lượng đảm bảo chất lượng gạo xuất kho theo quy định của Quy chuẩn nhưng chỉ tiêu hạt vàng không lớn hơn 1,6 lần so với yêu cầu chất lượng gạo nhập kho thì thời gian lưu kho tối đa đến 18 tháng song phải thường xuyên kiểm tra diễn biến chất lượng lô gạo.

 

Công tác lấy mẫu phúc tra chất lượng gạo nhập kho

 

QCVN 06:2019/BTC được ban hành là quá trình nghiên cứu khoa học và tổng kết thực tiễn, kế thừa và phát triển QCVN 06:2011/BTC theo xu thế phát triển của khoa học công nghệ hiện nay và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Quy chuẩn QCVN 06:2019/BTC được ban hành sẽ là hành lang pháp lý, là công cụ hữu hiệu để các đơn vị dự trữ nhà nước, cán bộ, công chức thực hiện tốt công tác nhập, xuất và bảo quản gạo DTQG .

 

Kiểm tra nhiệt độ lô hàng bảo quản

 

                         Vụ Khoa học và Công nghệ bảo quản

 



Các tin đã đưa ngày: