Một số nội dung cần quan tâm của Luật cán bộ, công chức

(28/10/2010)

Chế độ công vụ, cán bộ, công chức là nội dung quan trọng trong hoạt động của nền hành chính quốc gia. Để đáp ứng yêu cầu đổi mới và cải cách hành chính, Pháp lệnh Cán bộ, công chức được Nhà nước ban hành năm 1998 đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng để tổ chức và quản lý các hoạt động liên quan đến công vụ, công chức; xây dựng nền hành chính phục vụ nhân dân.

 

Trên cơ sở đó, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động công vụ, công chức đã góp phần làm thay đổi diện mạo nền hành chính nhà nước, tạo tiền đề cho việc hội nhập sâu, rộng trên các lĩnh vực kinh tế - văn hóa - xã hội với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động công vụ, công chức vẫn chưa theo kịp với yêu cầu đổi mới vai trò của Nhà nước trong quản lý đời sống xã hội; vẫn mang dấu ấn của thời kỳ tập trung bao cấp; mối quan hệ giữa hành chính với chính trị; hành chính với sự nghiệp công; chưa được phân định triệt để và thực hiện có hiệu quả; các quy định của pháp luật hiện hành chưa bao quát đầy đủ, toàn diện hoạt động công vụ, cán bộ, công chức.

Từ thực trạng trên, để đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, xây dựng một nền hành chính trong sạch, hiệu lực, hiệu quả, việc ban hành Luật Cán bộ, công chức có ý nghĩa to lớn đối với quá trình quản lý nhà nước và đời sống kinh tế - xã hội.

          So với Pháp lệnh Cán bộ, công chức năm 1998 (được sửa đổi, bổ sung năm 2000 và năm 2003), Luật Cán bộ, công chức có một số nội dung cần quan tâm sau đây:

1. Về đối tượng áp dụng và phạm vi điều chỉnh:

Luật đã thu hẹp đối tượng áp dụng so với Pháp lệnh cán bộ, công chức gắn với yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Theo đó, đội ngũ viên chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý làm việc trong khu vực sự nghiệp công lập, do đặc điểm và tính chất hoạt động của họ không trực tiếp thực thi quyền lực nhà nước, quyền lực chính trị nên không thuộc phạm vi và đối tượng điều chỉnh của Luật Cán bộ, công chức. Đây là một bước tiến mới về nhận thức trong quá trình cải cách chế độ công vụ ở nước ta. Khi tách đội ngũ viên chức trong các đơn vị sự nghiệp ra khỏi Luật Cán bộ, công chức sẽ có điều kiện tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách khuyến khích sự phát triển của các đơn vị sự nghiệp, góp phần đẩy mạnh quá trình xã hội hóa các hoạt động sự nghiệp, dịch vụ công. Cùng với việc thu hẹp đối tượng áp dụng, Luật Cán bộ, công chức đã phân định tương đối rõ ai là cán bộ, ai là công chức. Đây là một nội dung cơ bản, thể hiện tính cải cách và đổi mới của Luật Cán bộ, công chức. Từ trước tới nay, do chưa phân định được rõ ràng ai là cán bộ, ai là công chức nên cơ chế quản lý và chế độ, chính sách do Nhà nước ban hành vẫn còn những hạn chế, chưa hoàn toàn phù hợp với từng nhóm đối tượng. Điều này làm ảnh hưởng đến quá trình xây dựng đội ngũ cán bộ và đội ngũ công chức vốn có những đặc thù riêng. Khắc phục những hạn chế này, Luật Cán bộ, công chức năm 2008 đã quy định tiêu chí phân định ai là cán bộ, ai là công chức. Cán bộ gắn với tiêu chí được bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm giữ chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ; công chức gắn với tiêu chí được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh. Bên cạnh đó, cán bộ, công chức cấp xã đã được tách ra thành cán bộ cấp xã (gắn với cơ chế bầu cử) và công chức cấp xã (gắn với cơ chế tuyển dụng).

Như vậy, theo quy định của Luật Cán bộ, công chức. công chức trong các tổ chức thuộc và trực thuộc Tổng cục Dự trữ Nhà nước bao gồm các đối tượng sau:

- Tổng cục trưởng, Phó Tổng cục trưởng, người giữ chức vụ cấp trưởng, cấp phó và người làm việc trong các Vụ, Văn phòng, Thanh tra, Cục Công nghệ thông tin thuộc Tổng cục.

- Cục trưởng, Phó Cục trưởng, người giữ chức vụ cấp trưởng, cấp phó và người làm việc trong các phòng, các Chi cục trực thuộc Cục Dự trữ Nhà nước khu vực

- Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ Dự trữ Nhà nước.

2. Về các nội dung đổi mới chế độ công vụ, công chức:

Luật Cán bộ, công chức lần này đã thống nhất cách hiểu về hoạt động công vụ và quy định rõ các nguyên tắc trong thi hành công vụ. Đây là cơ sở để xây dựng nền công vụ phù hợp với chế độ chính trị ở Việt Nam và với xu thế phát triển của các nền công vụ tiên tiến trên thế giới. Qua đó bảo đảm mọi hoạt động công vụ do cán bộ, công chức thực hiện đều hướng tới phục vụ nhân dân, bảo vệ lợi ích của Nhà nước và nhân dân, chịu sự kiểm soát của nhân dân, bảo đảm hiệu quả và tuân thủ pháp luật. Để xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu mới, trong quản lý cán bộ, công chức, Luật quy định nguyên tắc kết hợp tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và chỉ tiêu biên chế. Nguyên tắc này tạo cơ sở xóa bỏ cơ chế “xin - cho” trong quản lý biên chế cũng như bảo đảm thực hiện có hiệu quả, đúng mục đích công tác tổ chức thi tuyển, thi nâng ngạch, đánh giá, sử dụng, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức. Theo đó, việc xác định biên chế được thực hiện trên cơ sở khoa học, không chỉ dựa vào nhu cầu công việc, nhiệm vụ của cơ quan, mà còn căn cứ vào tiêu chuẩn, vị trí việc làm và cơ cấu công chức. Nguyên tắc đề cao trách nhiệm cá nhân trong thực thi công vụ được kết hợp với nguyên tắc tập trung dân chủ; việc sử dụng, đánh giá, phân loại cán bộ, công chức phải dựa trên phẩm chất chính trị, đạo đức và năng lực thi hành công vụ - đây chính là việc vận dụng nguyên tắc thực tài trong hoạt động công vụ ở Việt Nam. Gắn với nguyên tắc này Luật Cán bộ, công chức quy định chính sách phát hiện, thu hút, bồi dưỡng, trọng dụng và đãi ngộ xứng đáng đối với người có tài năng.

3. Về đổi mới cơ chế quản lý cán bộ, công chức:

Để xây dựng đội ngũ cán bộ, đội ngũ công chức từ Trung ương đến cấp xã trong sạch, có phẩm chất, trình độ và năng lực đáp ứng yêu cầu hiện nay, bên cạnh việc kế thừa các quy định hiện hành còn phù hợp, Luật Cán bộ, công chức bổ sung nhiều nội dung nhằm đổi mới phương thức và cơ chế quản lý cán bộ, công chức; thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng về công tác cán bộ; về tiếp tục cải cách chế độ công vụ, công chức.

Đối với cán bộ, việc quản lý do cơ quan có thẩm quyền của Đảng và của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thực hiện. Đối với công chức, Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về công chức, nghĩa là các quy định cụ thể về tuyển dụng, sử dụng, nâng ngạch, bổ nhiệm, từ chức, khen thưởng, kỷ luật, tiền lương, đãi ngộ, thôi việc, nghỉ hưu... liên quan đến công chức đều phải được thực hiện thống nhất. Các bộ, ngành, uỷ ban nhân dân cấp huyện, cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về công chức theo phân công, phân cấp.

Bước đầu thực hiện quan điểm trong công vụ có vào, có ra. Nếu cán bộ, công chức qua đánh giá mà bị phân loại là còn hạn chế về năng lực hoặc không hoàn thành nhiệm vụ 2 năm liên tiếp thì cơ quan có thẩm quyền sẽ bố trí công tác khác hoặc giải quyết miễn nhiệm, cho thôi làm nhiệm vụ (đối với cán bộ) hoặc giải quyết cho thôi việc (đối với công chức). Bên cạnh đó, theo quy định của Luật, không kéo dài thời gian công tác đối với cán bộ, công chức khi đến tuổi nghỉ hưu, trừ trường hợp đặc biệt do cơ quan có thẩm quyền quy định.

Bên cạnh đó, quy định về thanh tra công cũng là một nội dung mới của Luật nhằm nâng cao trật tự, kỷ cương trong thực thi công vụ của cán bộ, công chức, bảo đảm cho cán bộ, công chức luôn nâng cao ý thức trách nhiệm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

4. Về công tác tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức:

Các quy định của Luật Cán bộ, công chức về công tác tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức được đổi mới theo hướng dựa trên tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và cơ cấu công chức. Tiêu chuẩn năng lực được nhấn mạnh trong tuyển chọn và sử dụng công chức. Cùng với việc giao thẩm quyền tuyển dụng cho các bộ, ngành và địa phương, Luật quy định các bộ, ngành và địa phương có trách nhiệm thực hiện việc phân cấp tuyển dụng công chức cho các cơ quan thuộc quyền quản lý. Từng bước gắn dần thẩm quyền sử dụng với thẩm quyền tuyển dụng. Việc nâng ngạch phải căn cứ vào vị trí việc làm, phù hợp với cơ cấu công chức của cơ quan, tổ chức và phải thông qua kỳ thi theo nguyên tắc cạnh tranh để lựa chọn người giỏi; công chức có đủ tiêu chuẩn, điều kiện để đảm nhận vị trí việc làm tương ứng với ngạch cao hơn thì được quyền đăng ký dự thi nâng ngạch.

Đối với nội dung thi tuyển công chức cũng được đổi mới theo hướng chú trọng việc đánh giá trình độ chuyên môn phù hợp với tiêu chuẩn chức danh dự tuyển. Theo đó, ứng viên dự tuyển công chức phải tham gia đầy đủ 4 môn thi, bao gồm: môn kiến thức chung, môn nghiệp vụ chuyên ngành, môn ngoại ngữ và môn tin học văn phòng; trong đó, đối với môn thi chuyên ngành người dự tuyển phải thi 02 bài, thi viết 01 bài và thi trắc nghiệm 01 bài; điểm bài thi viết môn chuyên ngành được tính hệ số 2, các bài thi khác được tính hệ số 1; điểm thi môn ngoại ngữ, môn tin học văn phòng không tính vào tổng số điểm thi.

Nhận thức là một quá trình; các nội dung mới của Luật Cán bộ, công chức trong quá trình triển khai sẽ có những điểm có thể còn nhiều cách hiểu khác nhau; có những nội dung khi đi vào thực tiễn có thể bộc lộ những vướng mắc, bất cập. Vì vậy, ngoài việc triển khai thực hiện tốt Luật Cán bộ, công chức trách nhiệm của cán bộ, công chức, của mỗi cơ quan, đơn vị phải thường xuyên đánh giá, tổng kết, kiến nghị những nội dung chưa phù hợp với thực tiễn để bổ sung, sửa đổi góp phần từng bước hoàn thiện thể chế, cải cách chế độ công vụ, công chức, xây dựng nền hành chính phục vụ nhân dân./.

 
                    Lê Xuân Minh  - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ


Các tin đã đưa ngày: