Lời giới thiệu (12/07/2012)

I. SỰ HÌNH THÀNH TỔ CHỨC DỰ TRỮ NHÀ NƯỚC VIỆT NAM

 

Dự trữ quốc gia là quá trình Nhà nước tổ chức tích luỹ một bộ phận của cải vật chất xã hội vào quỹ dự phòng chiến lược để sử dụng vào việc phòng ngừa, khắc phục hậu quả thiên tai; đáp ứng nhu cầu của quốc phòng và giữ vững an ninh chính trị khi xảy ra biến động; góp phần ổn định chính trị, kinh tế và đời sống dân cư cũng như các nhiệm vụ khác của Nhà nước.

Chính từ ý nghĩa, vai trò to lớn của dự trữ quốc gia “Tích cốc phòng cơ” mà ngay từ khi lập nước, ông cha ta đã chú trọng đến việc dự trữ lương thực để phòng ngừa thiên tai và chống giặc ngoại xâm. Kế tục truyền thống đó, từ sau cách mạng tháng Tám 1945, Đảng, Bác Hồ và Nhà nước ta đã thường xuyên quan tâm đến việc tổ chức lực lượng dự trữ, chuẩn bị lực lượng hậu cần hùng hậu để phục vụ công cuộc kháng chiến và kiến quốc vĩ đại của dân tộc ta.

Sau năm 1954, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, hoà bình được lập lại trên nửa đất nước, toàn Đảng, toàn dân ta phải đồng thời thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng Chủ nghĩa Xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Tháng 9 năm 1955, Quốc hội khoá I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã họp, ra Nghị quyết có tính cấp bách và mang ý nghĩa lịch sử đối với hệ thống Dự trữ quốc gia là: “Phải xây dựng được một lực lượng dự trữ hùng hậu để ứng phó với mọi tình huống bất trắc xảy ra”.

Để thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, ngày 13-01-1956, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 663/TTg, về tổ chức lực lượng dự trữ vật tư của quốc gia, với danh mục 27 loại hàng hoá thiết yếu; đồng thời Thủ tướng Chính phủ tạm giao cho Uỷ ban Kế hoạch quốc gia theo dõi, đôn đốc hoạt động dự trữ này và giao cho các Bộ: Công nghiệp, Thương nghiệp, Quốc phòng, Y tế trực tiếp bảo quản 27 loại hàng dự trữ quốc gia nói trên; chỉ được xuất kho theo lệnh của Thủ tướng Chính phủ.

Để thống nhất tổ chức bộ máy quản lý lực lượng dự trữ quốc gia, ngày 07-8-1956, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 997/TTg, về việc thành lập Cục Quản lý dự trữ vật tư Nhà nước, trực thuộc Thủ tướng Chính phủ. Tổ chức bộ máy của Cục Quản lý dự trữ vật tư Nhà nước lúc đó gồm 04 phòng và hệ thống các kho dự trữ vật tư của Nhà nước trên các địa bàn quan trọng từ Vĩnh Linh trở ra. Để triển khai nhiệm vụ thống nhất quản lý Nhà nước về dự trữ quốc gia và trực tiếp giữ gìn, bảo quản các loại hàng hoá dự trữ, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập 18 Ban Đại diện Vật tư dự trữ trực thuộc Cục, trực tiếp quản lý các kho dự trữ, đặt tại 18 tỉnh từ Quảng Bình trở ra.

Như vậy, với Nghị định 997/TTg ngày 07-8-1956, hệ thống tổ chức quản lý Dự trữ quốc gia của nước ta đã chính thức hoạt động độc lập; với chức năng, nhiệm vụ và vị trí của một tổ chức chuyên ngành trong nền kinh tế. Đây là tổ chức tiền thân của Tổng cục Dự trữ Nhà nước ngày nay. Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 07 tháng 8 hàng năm là “Ngày Truyền thống của ngành Dự trữ Nhà nước” (Quyết định số 1371/QĐ-TTg ngày 06 tháng 8 năm 2010).

Do đặc điểm và yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng trong từng giai đoạn lịch sử, tổ chức và hoạt động của ngành Dự trữ Nhà nước đã có nhiều thay đổi. Nhưng dù ở thời kỳ nào, hoàn cảnh nào, ngành Dự trữ Nhà nước cũng luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ Đảng và Nhà nước giao phó, được nhân dân tin yêu. Hoạt động của ngành Dự trữ Nhà nước trong hơn nửa thế kỷ qua đã góp phần tích cực vào sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc Việt Nam do Đảng ta lãnh đạo trong đấu tranh chống xâm lược cũng như trong xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

 

II. DỰ TRỮ QUỐC GIA PHỤC VỤ CÔNG CUỘC XÂY DỰNG CNXH Ở MIỀN BẮC VÀ ĐẤU TRANH GIẢI PHÓNG MIỀN NAM

(Thời kỳ 1956 - 1975)

1- Giai đoạn 1956 - 1960

Với đặc trưng của giai đoạn này là: Nhà nước thống nhất quản lý tập trung cao đối với hoạt động dự trữ quốc gia, hoạt động dự trữ đã đóng góp có hiệu quả đối với nền kinh tế trong giai đoạn đầu khôi phục sản xuất, ổn định đời sống nhân dân miền Bắc, chi viện miền Nam đấu tranh thống nhất đất nước.

Trong giai đoạn này, Cục Quản lý dự trữ vật tư Nhà nước đã tiếp nhận hàng hoá, kho tàng dự trữ từ các Bộ chuyển sang và thực hiện nhiệm vụ trực tiếp quản lý lương thực, vật tư dự trữ quốc gia; đồng thời đẩy mạnh việc nhập tăng cường lực lượng hàng hoá dự trữ. Tính đến cuối năm 1959, tổng trị giá hàng hoá dự trữ quốc gia tồn kho tăng 300% so với năm 1956 và được để ở các kho dự trữ phân bố trên địa bàn 12 tỉnh ở miền Bắc.

Ngoài những mặt hàng đã có như kim khí, thiết bị, vải, thóc, muối …, Thủ tướng Chính phủ còn giao kế hoạch nhập kho dự trữ các mặt hàng mới như da thuộc, ni-lon, than đá, các loại hoá chất nổ…, tiếp nhận các loại hàng hoá viện trợ, các loại vật tư, thiết bị ứ đọng và tài sản thu hồi, tiếp quản gần 28 loại hàng đưa về kho dự trữ để sửa chữa, đồng bộ hoá thiết bị, sẵn sàng cung cấp theo lệnh của Thủ tướng Chính phủ.

Khối lượng hàng hoá dự trữ nêu trên được quản lý tập trung và do Thủ tướng Chính phủ trực tiếp chỉ đạo, điều hành, là nguồn vật chất dự phòng chiến lược quan trọng, nhằm phục vụ cho công cuộc khôi phục, phát triển kinh tế, xây dựng CNXH ở miền Bắc và chi viện cho miền Nam trong cuộc đấu tranh thống nhất đất nước.

Bên cạnh việc đẩy nhanh công tác đầu tư xây dựng kho tàng bảo quản hàng hoá dự trữ, Cục Quản lý dự trữ vật tư Nhà nước còn chú trọng công tác bồi dưỡng nâng cao trình độ cán bộ quản lý, kỹ thuật bảo quản chuyên sâu nên đã góp phần giữ gìn tài sản Nhà nước tốt hơn; tiết kiệm chi phí bảo quản, giảm hao hụt lương thực, vật tư dự trữ.

Nhờ quy mô và chất lượng dự trữ được tăng cường trong giai đoạn 1956 - 1960, Dự trữ quốc gia đã có những đóng góp hiệu quả cho nền kinh tế, cung ứng kịp thời nhiều loại vật tư thiết yếu cho đất nước khi có những biến động: năm 1957, khi kênh đào Suy-Ê bị ách tắc, nguồn xăng dầu từ bên ngoài không có, Chính phủ đã xuất hàng ngàn tấn xăng dầu dự trữ quốc gia, nhờ đó mọi hoạt động của nền kinh tế vẫn ổn định; từ 1956 - 1960, Chính phủ đã xuất 160.000 tấn lương thực dự trữ quốc gia để đưa vào cân đối lương thực cho nhân dân các thành phố, cán bộ Nhà nước, quân đội, cứu đói cho dân và cung cấp thóc giống cho sản xuất nông nghiệp; hàng vạn tấn kim khí, xi măng, hoá chất, thuốc tân dược, hàng ngàn thiết bị, săm lốp dự trữ quốc gia,… được cung cấp cho quân đội và cho các công trình trọng điểm ở miền Bắc khi đó, như: Xây dựng nhà máy đường Vạn Điểm, đường sắt Đông Anh - Thái Nguyên, các công trình thuỷ lợi, …

Trong 5 năm đầu thành lập, Cục Quản lý dự trữ vật tư Nhà nước đã vừa khẩn trương kiện toàn tổ chức và cán bộ, xây dựng cơ chế quản lý vừa củng cố xây dựng hệ thống kho tàng dự trữ, tiếp nhận hàng từ các Bộ và nhập thêm một khối lượng lớn hàng hoá mới đưa vào kho, nâng cao chất lượng công tác bảo quản hàng dự trữ nên đã cung cấp lương thực, vật tư hàng hoá dự trữ kịp thời, hiệu quả theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

2- Giai đoạn 1961 – 1975

 Với đặc trưng nổi bật của giai đoạn này là: Nhà nước tăng cường tiềm lực hàng hoá dự trữ để phục vụ công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc và chi viện miền Nam. Đồng thời, do yêu cầu của thời chiến, đã có sự thay đổi về tổ chức bộ máy quản lý dự trữ: thực hiện chuyển giao nhiệm vụ trực tiếp bảo quản một số hàng hoá cho các Bộ chuyên ngành, tiến hành phân tán, sơ tán hàng hoá dự trữ để chống chiến tranh leo thang phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ.

Trong thời gian này Đảng, Nhà nước đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách và có những quyết định lớn về công tác dự trữ quốc gia. Để phù hợp với điều kiện và tình hình mới, ngày 18-10-1961, Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định số 165/CP thành lập Tổng cục Vật tư (năm 1969 chuyển thành Bộ Vật tư) và chuyển Cục Quản lý dự trữ vật tư Nhà nước từ Phủ Thủ tướng về trực thuộc Tổng cục Vật tư.

Đây là lần đầu tiên chuyển đổi về tổ chức sau 5 năm thành lập Cục Quản lý dự trữ vật tư Nhà nước.

Sau khi chuyển về Tổng cục Vật tư, các chức năng, nhiệm vụ của Cục về cơ bản vẫn giữ như khi Cục trực thuộc Phủ Thủ tướng. Tuy nhiên, Cục chỉ trực tiếp dự trữ các mặt hàng: Lương thực, muối, vải mặc, vải bạt, ni-lon, da thuộc … Các mặt hàng như kim khí, thiết bị, hoá chất … bàn giao cho các Cục quản lý ngành hàng của Tổng cục Vật tư như: Cục Kim khí, Cục Thiết bị, Cục Nhiên liệu hoá chất… Đến các năm 1965 và 1967, Thủ tướng Chính phủ quyết định chuyển giao tiếp nhiệm vụ dự trữ lương thực sang Tổng cục Lương thực và dự trữ muối sang Bộ Nội thương. Ngày 05-10-1972, Bộ Vật tư ban hành Quyết định số 569/VT-QĐ, chuyển việc dự trữ các mặt hàng thiết bị, kim khí, hoá chất, … từ các Tổng công ty trực thuộc Bộ Vật tư (Cục quản lý ngành hàng thuộc Bộ Vật tư trước đây), giao lại cho Cục Quản lý dự trữ vật tư Nhà nước trực tiếp quản lý.

Hội đồng Chính phủ đã ra Nghị quyết số 120/CP ngày 05-8-1967 và Chỉ thị số 51/CP ngày 09-4-1968 về công tác quản lý dự trữ vật tư Nhà nước. Nghị quyết số 120/CP và Chỉ thị 51/CP nêu trên đã đề ra những nguyên tắc cơ bản về xây dựng kế hoạch; nghiên cứu, xây dựng chế độ chính sách về phân phối và sử dụng hàng hoá dự trữ; phân công các cơ quan quản lý trực tiếp dự trữ hàng và giao Tổng cục Vật tư (năm 1969 chuyển thành Bộ Vật tư), thay mặt Hội đồng Chính phủ quản lý thống nhất Nhà nước về dự trữ quốc gia. Theo các văn bản này, tổ chức của ngành Dự trữ Nhà nước từng bước được phát triển thành hệ thống, bao gồm các cơ quan dự trữ thuộc các Bộ: Quốc phòng, Y tế, Nội thương, Lương thực, Vật tư, Bưu điện … với hệ thống kho tàng dự trữ hàng hoá để phân tán ở các địa bàn xung yếu.

Về tổ chức bộ máy 18 Ban Đại diện vật tư dự trữ được sắp xếp lại thành 10 Ban Vật tư liên tỉnh trực thuộc Tổng cục Vật tư.

Sau gần 10 năm Cục Quản lý dự trữ vật tư Nhà nước chuyển về trực thuộc Bộ Vật tư, đến ngày 24-01-1970, Bộ Vật tư ban hành Quyết định số 45/VT-QĐ về chức năng nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của Cục Dự trữ vật tư Nhà nước: Cơ quan Cục có 6 phòng nghiệp vụ; các đơn vị trực thuộc có các Tổng kho dự trữ, Đội xe vận tải 29-3 và giải thể các Ban Vật tư liên tỉnh.

- Ở Bộ Lương thực và thực phẩm: Ngày 16-8-1967, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 130/CP về việc thành lập Cục Dự trữ lương thực Nhà nước, ở các tỉnh, phòng quản lý dự trữ lương thực (P1) chuyển thành Ban Dự trữ (Ban 51), ở các huyện có các Khu vực dự trữ lương thực (Khu 51) trực tiếp quản lý các kho dự trữ lương thực Nhà nước.

- Bộ Nội thương: Được Thủ tướng Chính phủ cho phép, ngày 03-8-1972, Bộ Nội thương đã ban hành Quyết định số 42 NT/QĐ1 về tổ chức bộ máy của Cục Quản lý dự trữ Bộ Nội thương, ở các địa phương thành lập 7 Tổng kho liên tỉnh, dưới các Tổng kho là các Cụm kho trực tiếp quản lý các kho hàng.

- Bộ Y tế: Ngày 12-7-1968, Thủ tướng chính phủ ban hành Quyết định số 64/TTg-CN, về việc bàn giao nhiệm vụ trực tiếp quản lý dự trữ thuốc và thiết bị y tế từ Cục Dự trữ vật tư Nhà nước (Bộ Vật tư) về Bộ Y tế. Để quản lý hàng hoá dự trữ, Bộ Y tế đã thành lập Phòng Dự trữ Vật tư Nhà nước.

- Tổng cục Bưu điện: Sau khi nhận bàn giao nhiệm vụ trực tiếp quản lý các loại vật tư bưu điện dự trữ quốc gia từ Bộ Vật tư (ngày 07-10-1968); Tổng cục Bưu điện không thành lập tổ chức quản lý dự trữ riêng mà giao cho Cục Vật tư thuộc Tổng cục trực tiếp quản lý.

- Đài Tiếng nói Việt nam: Việc dự trữ Nhà nước đối với các loại vật tư chuyên dùng cho phát thanh được Chính phủ giao cho Đài Tiếng nói Việt Nam trực tiếp tổ chức thực hiện.

- Bộ Quốc phòng: Sau thời điểm 01-7-1971, Bộ Quốc phòng tiếp nhận nhiệm vụ trực tiếp quản lý dự trữ từ Bộ Vật tư bàn giao sang, Bộ Quốc phòng tổ chức hệ thống dự trữ các loại vật tư dùng cho quốc phòng và giao cho Tổng cục Hậu cần trực tiếp quản lý.

Những kết quả trong quá trình chuyển đổi, kiện toàn tổ chức, xây dựng kho tàng, tiếp nhận, bảo quản, cung ứng một khối lượng lớn lương thực, vật tư; lượng hàng hoá dự trữ quốc gia trong thời kỳ 1961- 1975 thể hiện tinh thần phấn đấu bền bỉ, bản lĩnh chính trị của cán bộ, công chức ngành Dự trữ quốc gia; đã cùng nhân dân các địa phương chiến đấu hy sinh để bảo vệ tài sản dự trữ quốc gia được an toàn, đảm bảo phục vụ cho sản xuất, chiến đấu của quân và dân ta, đã góp phần tô đẹp truyền thống hào hùng của ngành Dự trữ Nhà nước.

 

III. NGÀNH DỰ TRỮ NHÀ NƯỚC PHỤC VỤ SỰ  NGHIỆP CẢ NƯỚC

XÂY DỰNG CHỦ NGHĨA XÃ HỘI

(Thời kỳ 1976 - 1985)

          Sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cách mạng Việt Nam chuyển sang một thời kỳ mới, thời kỳ cả nước đi lên CNXH. Trong bối cảnh đất nước vừa bước ra khỏi cuộc chiến tranh khốc liệt, phải vượt qua vô vàn khó khăn nhằm khắc phục hậu quả do chiến tranh để lại, vừa tổ chức xây dựng xã hội mới, đồng thời giữ vững an ninh chính trị, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc Việt Nam. Trong điều kiện đó hoạt động Dự trữ quốc gia cũng phải đối mặt với những thách thức to lớn.

Giai đoạn từ năm 1976 đến đầu năm 1985, tổ chức Dự trữ quốc gia vẫn còn phân tán; nhiều cơ quan tham gia quản lý hoạt động dự trữ quốc gia; kho tàng và cơ sở vật chất kỹ thuật manh mún; hiệu lực quản lý của Nhà nước đối với hoạt động dự trữ không đủ mạnh.

Ngày 18-02-1984, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ), đã ban hành Nghị định số 31/HĐBT về việc thành lập Cục Quản lý dự trữ vật tư Nhà nước, thuộc Hội đồng Bộ trưởng, trên cơ sở Cục Dự trữ vật tư Nhà nước thuộc Bộ Vật tư và sáp nhập các Cục Quản lý dự trữ Nhà nước ở các Bộ, Tổng cục.

Đây là lần thứ 2 có sự chuyển đổi lớn về tổ chức đối với hoạt động dự trữ quốc gia ở nước ta.

Theo Nghị định 31/HĐBT, Cục Quản lý dự trữ vật tư Nhà nước, là cơ quan giúp Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về quản lý hoạt động dự trữ quốc gia của toàn nền kinh tế và trực tiếp nhập, xuất, bảo quản các loại hàng hoá dự trữ theo kế hoạch và quyết định của Chính phủ. Cục Quản lý dự trữ vật tư Nhà nước tiếp nhận toàn bộ nhiệm vụ kế hoạch, kho tàng, tài sản, hàng hoá, cán bộ, công nhân viên đang làm công tác dự trữ Nhà nước ở các Bộ, Tổng cục và bảo đảm cho toàn ngành Dự trữ quốc gia hoạt động tốt, đáp ứng yêu cầu của đất nước trong giai đoạn cách mạng mới.

 Về tổ chức bộ máy của Cục Quản lý dự trữ vật tư Nhà nước, Nghị định số 31/HĐBT quy định:

- Các cơ quan giúp việc Cục trưởng có 08 phòng, ban;

- Các đơn vị trực tiếp quản lý hàng dự trữ có: 16 Tổng kho quản lý 80 Cụm kho, trực tiếp nhập, xuất, bảo quản các loại vật tư, thiết bị, lương thực, hàng hoá nội thương, thuốc và thiết bị y tế, vật tư bưu điện… Các Tổng kho được đặt tại các vùng kinh tế - quốc phòng có tính chiến lược trên cả 3 miền Bắc - Trung - Nam của đất nước.

- Các đơn vị chuyên trách về quản lý xây dựng cơ bản có: 17 Ban Quản lý công trình.

-  1 Trạm tiếp nhận vật tư đặt tại thành phố cảng Hải Phòng.

Trong giai đoạn từ 1976 - 1985, ngành Dự trữ quốc gia đã phục vụ kịp thời cho các nhu cầu cấp bách của nền kinh tế và quốc phòng.

 Đặc biệt trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc và Tây Nam (1978 - 1979), dự trữ quốc gia vừa phải di chuyển an toàn một khối lượng lớn hàng hoá từ các kho ở phía Bắc sông Hồng về phía Nam sông Hồng, vừa xuất hàng dự trữ phục vụ các lực lượng vũ trang chiến đấu ở mặt trận biên giới phía Bắc và Tây Nam.

Cùng với việc đảm bảo cung cấp hàng hóa kịp thời cho các nhu cầu của nền kinh tế theo quyết định của Chủ tịch HĐBT, tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ làm công tác dự trữ cũng từng bước trưởng thành và dần dần được chuyên môn hoá; những cơ chế, quy chế, quy trình, quy phạm và định mức bảo quản hàng dự trữ cũng được chú ý xây dựng phù hợp với tình hình quản lý kinh tế trong thời kỳ này.

Trong giai đoạn này, ngành Dự trữ Nhà nước đã tập trung xây dựng kho tàng để bảo quản hàng dự trữ. Chính nhờ nỗ lực của toàn ngành trong việc xây dựng hệ thống kho tàng, nâng cao năng lực hoạt động của hệ thống tổ chức và trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ được nâng lên mà hoạt động dự trữ quốc gia trong giai đoạn này đã từng bước đáp ứng tốt hơn nhiệm vụ Đảng và Nhà nước giao cho.

 

IV. HOẠT ĐỘNG DỰ TRỮ NHÀ NƯỚC TRONG SỰ NGHIỆP ĐỔI MỚI

(Thời kỳ 1986 - nay)

1. Giai đoạn 1986 - 1990

Trong những năm 1986 - 1990, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng, đất nước ta bước vào thời kỳ đổi mới, nền kinh tế từng bước chuyển từ chế độ tập trung bao cấp sang hoạt động theo cơ chế thị trường.

Là một lĩnh vực kinh tế đặc biệt, ngành Dự trữ Nhà nước đã được Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm. Cuối năm 1987, lực lượng hàng hoá dự trữ tồn kho rất thấp, đặc biệt lương thực. Một phần do sản xuất lương thực trong nước chưa đủ ăn, vẫn phải nhập khẩu, nhận viện trợ và vay nợ từ nước ngoài; mặt khác khi chuyển nền kinh tế sang hoạt động theo cơ chế thị trường, đã xuất hiện tư tưởng: Với cơ chế thị trường, khi cần thì mua hoặc nhập khẩu, không cần dự trữ!

Nhằm nhanh chóng, chấn chỉnh khắc phục tình trạng trên, ngày 11-01-1988, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Chỉ thị số 15/CT về việc tăng cường lực lượng dự trữ Nhà nước. Đồng thời, để xây dựng nền nếp, cơ chế quản lý dự trữ quốc gia trong tiến trình đổi mới đất nước, ngày 08-9-1988, Hội đồng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 142/HĐBT về Quy chế quản lý dự trữ quốc gia.

Chỉ thị số 15/CT của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đã tạo ra một động lực mới để ngành Dự trữ Nhà nước huy động các loại hàng hoá, vật tư thiết yếu đưa vào dự trữ, tăng cường lực lượng dự phòng chiến lược về vật chất của Đảng và Nhà nước ta. Ngay trong hai năm 1988, 1989 lực lượng hàng hoá dự trữ đã tăng lên; đặc biệt là lương thực và các loại vật tư dự trữ khác cũng tăng lên đáng kể.

Đây là nỗ lực rất lớn của Đảng và Nhà nước ta và những đóng góp không nhỏ của cán bộ, công chức ngành Dự trữ Nhà nước trong việc tăng cường tiềm lực vật chất dự phòng để sẵn sàng đối phó với những tình huống đột xuất do thiên tai, địch họa và nhất là những diễn biến phức tạp của kinh tế thị trường trong những năm đầu tiến hành công cuộc đổi mới.

Cùng với kết quả tăng cường lực lượng hàng hoá dự trữ, Nghị định số 142/HĐBT ngày 8-9-1988 của Hội đồng Chính phủ là một trong những văn bản có tính pháp lý cao nhất ở thời điểm đó về cơ chế quản lý dự trữ quốc gia. Ngành đã quy định những nguyên tắc cơ bản và đồng bộ về quản lý hàng hoá dự trữ quốc gia, khẳng định chủ trương nhất quán của Chính phủ về tăng cường quản lý dự trữ quốc gia trong tình hình mới và tạo ra khuôn khổ pháp lý tương đối đồng bộ mang tính đặc thù trong hoạt động quản lý dự trữ quốc gia trong giai đoạn đầu của quá trình đổi mới.

 Cùng với việc quy định về cơ chế quản lý, Nghị định số 142/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng đã đổi tên Cục Quản lý dự trữ vật tư Nhà nước thành Cục Dự trữ quốc gia; đồng thời quyết định các cơ quan giúp việc Cục trưởng gồm: Văn phòng và 06 phòng nghiệp vụ. Các đơn vị trực thuộc Cục gồm: 18 Chi cục dự trữ trên cơ sở các Tổng kho trước đây. Các tổ chức sự nghiệp và dịch vụ gồm có: Trường bồi dưỡng cán bộ; Xí nghiệp vận tải; Xí nghiệp xây dựng.

2. Giai đoạn từ năm 1991 - 1995

          Để sẵn sàng chủ động đối phó với những diễn biến phức tạp của thiên tai; đảm bảo an ninh - quốc phòng và đề phòng những biến động về cung - cầu, giá cả trên thị trường; Đảng và Nhà nước ta ngày càng quan tâm đến vai trò của dự trữ quốc gia, đảm bảo cho dự trữ quốc gia là một trong những công cụ quan trọng điều tiết vĩ mô nền kinh tế.

 Thực hiện các Nghị quyết Đại hội Đảng trong giai đoạn này, nhiều vấn đề rất cơ bản trong quản lý dự trữ quốc gia đã đặt ra và từng bước được giải quyết như: Xây dựng chiến lược dự trữ quốc gia; quy hoạch và xây dựng hệ thống kho tàng dự trữ theo hướng công nghiệp hoá và hiện đại hoá; đổi mới cơ chế quản lý, xây dựng và từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật về dự trữ mà trước hết là trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh Dự trữ quốc gia; kiện toàn hệ thống tổ chức và tinh giản biên chế, tăng cường đào tạo và bồi dưỡng nâng cao năng lực, phẩm chất của đội ngũ cán bộ, công chức Dự trữ quốc gia; áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ mới trong quản lý và bảo quản hàng hoá dự trữ,...

Để đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế trong thời kỳ đổi mới và nhanh chóng khắc phục, sửa chữa những sai lầm theo kết luận của Thanh tra Nhà nước, ngày 12-5-1990, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Chỉ thị số 150/CT về việc tăng cường đội ngũ cán bộ, kiện toàn tổ chức và đổi mới cơ chế quản lý dự trữ quốc gia.

Thực hiện Chỉ thị số 150/CT của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Cục Dự trữ quốc gia đã tập trung giải quyết các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian này là:

Thu hồi công nợ cho vay đổi hạt và tiền vốn dự trữ bị các doanh nghiệp chiếm dụng khi nhận ứng tiền mua thóc cho Dự trữ quốc gia, với tổng khối lượng quy thóc gần nửa triệu tấn.

Làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, công chức; nghiêm túc xử lý những tổ chức và cá nhân thuộc Cục đã có sai phạm trong quản lý dự trữ quốc gia những năm 1989 - 1990, đồng thời tiến hành việc kiện toàn tổ chức và cán bộ trong toàn ngành.

Tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ nhập, xuất lương thực và vật tư dự trữ quốc gia theo kế hoạch và quyết định của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.

Về lĩnh vực quản lý tài chính - kế toán cũng đã chú trọng chấn chỉnh, kiện toàn. Trước hết, tiến hành xây dựng, ban hành các văn bản pháp quy, tạo cơ sở pháp lý cho việc đổi mới và tăng cường quản lý vốn, tài sản, lao động và các nguồn lực trong hoạt động dự trữ quốc gia.

          Chính nhờ các chủ trương và sự chỉ đạo kịp thời, kiên quyết của Đảng và Chính phủ, có sự phối hợp, giúp đỡ tận tình của các ngành, các địa phương và cùng với nỗ lực của cán bộ, công chức toàn Ngành, nên tổ chức bộ máy của toàn hệ thống dự trữ từng bước được kiện toàn; sau thanh tra, tư tưởng của các bộ, công chức trong Ngành dần dần ổn định, các hoạt động bắt đầu đi vào kỷ cương, nền nếp; các nhiệm vụ xuất nhập và bảo quản hàng hoá dự trữ quốc gia được thực hiện chặt chẽ, an toàn hơn trước; uy tín của Ngành được khôi phục dần.

          Về tổ chức bộ máy: Để đáp ứng yêu cầu dự trữ quốc gia trong tình hình mới, nhất là tại các vùng tuyến chiến lược của đất nước; căn cứ tờ trình của Cục Dự trữ quốc gia, tháng 5-1992, Chính phủ đã có quyết định thành lập Chi cục Dự trữ Tây Nguyên có nhiệm vụ bảo đảm yêu cầu dự trữ trên địa bàn các tỉnh thuộc Tây Nguyên, đưa tổng số các Chi cục dự trữ trực thuộc Cục lên thành 19 đơn vị. Đồng thời, để từng bước giảm các đầu mối cơ quan thuộc Chính phủ, ngày 22-10-1993, Chính phủ ban hành Nghị định số 72/CP về việc giao Bộ trưởng, Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ quản lý chỉ đạo Cục Dự trữ quốc gia; tiếp đó, ngày 12-5-1994, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 236/TTg về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Cục Dự trữ quốc gia. Theo quyết định này, các chức năng nhiệm vụ cơ bản của Cục Dự trữ quốc gia vẫn giữ như trước, đồng thời, ngoài các cơ quan giúp việc Cục trưởng đã có, được thành lập thêm Phòng Chính sách Dự trữ quốc gia.

Đây là lần thứ 3 có sự thay đổi về tổ chức của cơ quan đầu ngành Dự trữ quốc gia. Tuy nhiên, sự thay đổi này không gây những biến động lớn về hệ thống tổ chức và tư tưởng cán bộ trong Ngành.

3. Giai đoạn từ năm 1996 - 2004

Sau hơn 1 năm thực hiện Nghị định số 72/CP, đã bộc lộ nhiều vấn đề bất hợp lý. Vì vậy, ngày 27-5-1995, Chính phủ ban hành Nghị định số 35/CP đặt Cục Dự trữ quốc gia trực thuộc Chính phủ; Nghị định số 66/CP ngày 18-10-1995 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Dự trữ quốc gia. Đồng thời để khắc phục những điểm không còn phù hợp về cơ chế tổ chức quản lý dự trữ quốc gia, Cục Dự trữ quốc gia đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan chức năng quản lý Nhà nước trình Chính phủ ban hành Nghị định số 10/CP ngày 24-02-1996 về quy chế quản lý dự trữ quốc gia thay thế Nghị định số 142/HĐBT ngày 08-9-1988 của Hội đồng Bộ trưởng. Cùng với việc quy định cơ chế mới quản lý dự trữ quốc gia, Nghị định số 10/CP của Chính phủ còn quy định việc phân công cho một số Bộ, ngành trực tiếp quản lý hàng dự trữ quốc gia chuyên ngành, đặc chủng. Theo đó, Cục Dự trữ quốc gia là cơ quan trực thuộc Chính phủ thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về dự trữ quốc gia (chức năng mới) và trực tiếp quản lý một số loại hàng dự trữ chiến lược, thiết yếu cho quốc kế, dân sinh. Như vậy, ngành Dự trữ đã được tổ chức thành một hệ thống thống nhất gồm nhiều ngành hàng dự trữ thuộc nhiều Bộ, ngành khác nhau, dưới sự chỉ đạo, điều hành tập trung của Chính phủ; bao gồm:

1- Cục Dự trữ quốc gia trực tiếp quản lý hàng dự trữ lương thực thực phẩm, kim khí, xe máy và thiết bị ...

2- Bộ Thương mại (nay là Bộ Công thương) trực tiếp quản lý xăng dầu (bao gồm cả xăng máy bay) ...

3- Bộ Quốc phòng trực tiếp quản lý hàng vật tư, thiết bị chuyên dùng cho quốc phòng ....

4- Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn trực tiếp quản lý hàng vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp ...

5- Bộ Y tế trực tiếp quản lý thiết bị y tế, thuốc, nguyên liệu làm thuốc phòng, chữa bệnh cho người ....

6- Bộ Công nghiệp trực tiếp quản lý thuốc nổ, vật liệu nổ công nghiệp ...

7- Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) trực tiếp quản lý hàng vật tư, thiết bị chuyên dùng trong ngành an ninh ...

8- Đài Tiếng nói Việt Nam trực tiếp quản lý hàng vật tư, thiết bị chuyên dùng cho ngành phát thanh ...

9- Đài Truyền hình Việt Nam trực tiếp quản lý vật tư, thiết bị chuyên dùng cho truyền hình.

 Đây là lần thứ 4 thay đổi về tổ chức bộ máy của ngành Dự trữ.

Theo Nghị định 66/CP, cơ cấu tổ chức của Cục bao gồm:

1. Các cơ quan giúp việc Cục trưởng có Văn phòng cục, Thanh tra và 06 Ban chuyên môn. Để từng bước áp dụng công nghệ thông tin vào quản lý hoạt động dự trữ, sau khi được Ban Tổ chức cán bộ Chính phủ (nay là Bộ Nội vụ) thoả thuận, ngày 14-4-1997, Cục trưởng Cục Dự trữ quốc gia đã ban hành Quyết định số 185/QĐ-TCCB thành lập Phòng Công nghệ thông tin thuộc Văn phòng Cục.

2. Các Chi cục dự trữ: Có 19 Chi cục được tổ chức theo vùng kinh tế trên địa bàn cả nước. Trực thuộc các Chi cục có 118 Tổng kho dự trữ.

3. Các đơn vị sự nghiệp thuộc Cục có: Trung tâm Khoa học công nghệ bảo quản; Trường Đào tạo bồi dưỡng cán bộ.

4. Các doanh nghiệp Nhà nước thuộc Cục có: Công ty Vận tải và Dịch vụ; Xí nghiệp Xây dựng, vận tải và Kinh doanh dịch vụ Đà Nẵng. Các doanh nghiệp Nhà nước thuộc Cục Dự trữ quốc gia đã có những đóng góp nhất định vào sự phát triển của Ngành. Đến nay, theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, Cục đã tiến hành sáp nhập, giải thể và cổ phần hoá các doanh nghiệp trên theo chủ trương chung của Chính phủ. Hiện nay, Công ty cổ phần Vận tải và Thương mại Dự trữ quốc gia hoạt động độc lập theo quy định của Luật doanh nghiệp.

Đối với các Bộ, ngành quản lý hàng dự trữ chuyên ngành, đặc chủng công tác quản lý dự trữ quốc gia đã từng bước đi vào nề nếp, nhất là việc quản lý lượng hàng dự trữ, hoàn chỉnh cơ chế quản lý dự trữ quốc gia phù hợp đặc thù của ngành, đáp ứng ngày một tốt hơn các yêu cầu đột xuất của Nhà nước. Tuy nhiên, công tác quản lý hàng dự trữ tại các Bộ, ngành cũng bộc lộ một số bất cập, tồn tại.

Tiếp tục thực hiện chương trình của Chính phủ và Nghị quyết của Bộ Chính trị về cải cách nền hành chính nước ta, ngày 24- 8-2000, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 102/2000/QĐ/TTg về việc chuyển Cục Dự trữ quốc gia về trực thuộc Bộ Tài chính.

Đây là lần thứ 5 có sự biến động về tổ chức của ngành Dự trữ.

Để tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy của Cục Dự trữ quốc gia phù hợp với điều kiện và tình hình mới, ngày 24-12-2003, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 270/2003/QĐ-TTg về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Dự trữ quốc gia trực thuộc Bộ Tài chính. Theo quyết định này, Cục Dự trữ quốc gia thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về dự trữ quốc gia và trực tiếp quản lý một số loại hàng dự trữ theo quy định của pháp luật. Cục Dự trữ quốc gia có tư cách pháp nhân, có con dấu hình quốc huy và được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước. Như vậy, chức năng, nhiệm vụ cơ bản của Cục Dự trữ quốc gia không những không thay đổi mà còn được hoàn thiện, cụ thể hoá hơn trước, thể hiện ở 16 nhiệm vụ cụ thể mà Thủ tướng Chính phủ ghi trong Quyết định số 270/2003/TTg nói trên.

Về cơ cấu tổ chức của Cục Dự trữ quốc gia, Quyết định 270/2003/TTg quy định: Cục Dự trữ quốc gia được tổ chức thành hệ thống dọc; theo nguyên tắc tập trung, thống nhất từ Trung ương đến các khu vực chiến lược trên địa bàn cả nước. Cơ cấu tổ chức của Cục Dự trữ quốc gia có một số thay đổi, hoàn thiện hơn trước, cụ thể:

1. Bộ máy giúp việc Cục trưởng Cục Dự trữ quốc gia có: Văn phòng Cục và 06 Ban chuyên môn.

2. Đơn vị sự nghiệp thuộc Cục: Trung tâm Khoa học bảo quản và Bồi dưỡng nghiệp vụ.

3. Tại các địa phương, có các tổ chức Dự trữ quốc gia khu vực: Bao gồm 19 Chi cục dự trữ quốc gia trước đây chuyển thành 19 tổ chức Dự trữ quốc gia khu vực.

Theo Quyết định số 39/2004/QĐ-BTC, ngày 20-4-2004, của Bộ trưởng Bộ Tài chính về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Dự trữ quốc gia khu vực, trực thuộc Cục Dự trữ quốc gia, thì tổ chức này có chức năng trực tiếp quản lý hàng hoá dự trữ quốc gia, thực hiện kiểm tra, giám sát hoạt động của các đơn vị quản lý hàng dự trữ quốc gia trên địa bàn theo phân công của Cục trưởng Cục Dự trữ quốc gia.

Dự trữ quốc gia khu vực có tư cách pháp nhân, có trụ sở, con dấu riêng và được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước theo quy định của pháp luật; đồng thời, mỗi đơn vị Dự trữ quốc gia khu vực có 4 phòng nghiệp vụ giúp việc cho Giám đốc và có các Tổng kho Dự trữ trực thuộc để xuất, nhập, bảo quản hàng dự trữ.

Để nâng cao tính chất pháp lý của hệ thống cơ chế và tổ chức quản lý dự trữ quốc gia, năm 1999, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 729/QĐ/TTg, ngày 26-7-1999, về việc thành lập Ban soạn thảo Pháp lệnh Dự trữ quốc gia. Sau nhiều năm nỗ lực làm việc của Ban soạn thảo và nhờ sự quan tâm giúp đỡ tận tình của các cơ quan, các Bộ, Ban ngành ở Trung ương, ngày 29-4-2004, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam (khoá XI) đã thông qua Pháp lệnh Dự trữ quốc gia; ngày 12 tháng 5 năm 2004, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Trần Đức Lương đã ký lệnh số 05/2004/L/CTN, về việc công bố Pháp lệnh Dự trữ quốc gia.

Để nhanh chóng đưa Pháp lệnh Dự trữ quốc gia đi vào cuộc sống, Cục Dự trữ quốc gia đã khẩn trương phối hợp với các cơ quan Nhà nước liên quan trình Chính phủ ban hành Nghị định 196/2004/NĐ-CP ngày 02-12-2004 về việc quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Dự trữ quốc gia; trình Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 48/2005/TT-BTC ngày 09-6-2005 về việc hướng dẫn thi hành Nghị định số 196 nói trên và các văn bản quy phạm pháp luật khác về đổi mới cơ chế quản lý Dự trữ quốc gia.

Theo Pháp lệnh Dự trữ quốc gia, Nghị định số 196/2004/NĐ-CP của Chính Phủ đã phân công quản lý hàng dự trữ quốc gia cho các Bộ, ngành:

1. Bộ Tài chính (Cục Dự trữ quốc gia) quản lý hàng dự trữ lương thực, vật tư thiết bị cứu hộ, cứu nạn, vật tư động viên công nghiệp;

2. Bộ Thương mại quản lý hàng nhiên liệu (xăng, dầu Điezel, dầu hoả, Madut);

3. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý muối ăn, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, giống cây trồng;

4. Bộ Quốc phòng quản lý một số vật tư dự trữ chuyên dùng cho hoạt động công nghiệp, thiết bị chuyên dùng đặc chủng cho quốc phòng;

5. Bộ Công an quản lý một số vật tư, máy móc, thiết bị, phương tiện đặc chủng chuyên dùng cho công an;

6. Bộ Y tế quản lý một số nguyên liệu quan trọng để sản xuất thuốc, thuốc và thiết bị y tế đặc thù quan trọng thiết yếu phòng, chữa bệnh cho người;

7. Bộ Giao thông vận tải quản lý ray, dầm cầu đường sắt, nhiên liệu dùng cho máy bay dân dụng;

8. Bộ Công nghiệp quản lý vật liệu nổ công nghiệp, hạt giống bông;

9. Ban Cơ yếu Chính phủ quản lý vật tư, máy móc, thiết bị, phương tiện chuyên dùng ngành cơ yếu;

10. Đài Tiếng nói Việt Nam quản lý hệ thống thu, phát thanh đồng bộ;

11. Đài Truyền hình Việt Nam quản lý hệ thống thu, phát hình đồng bộ.

4. Giai đoạn 2005 - nay

Ngành Dự trữ Nhà nước bắt đầu triển khai Pháp lệnh Dự trữ quốc gia, văn bản pháp luật cao nhất điều chỉnh công tác quản lý dự trữ nhà nước. Cùng với quá trình đổi mới cơ chế quản lý hoạt động dự trữ nhà nước, sự biến động về tổ chức và theo đó là nhu cầu bố trí, sắp xếp nhân sự diễn ra mạnh mẽ và liên tục; khối lượng nhiệm vụ đặt ra hết sức nặng nề.

Cục Dự trữ quốc gia được tổ chức theo Quyết định số 270/2003/QĐ-TTg ngày 24/12/2003 của Thủ tướng Chính phủ. Do quyết định về tổ chức của Cục Dự trữ quốc gia được ban hành trước khi có Pháp lệnh Dự trữ quốc gia nên khi Pháp lệnh được ban hành thì mô hình tổ chức của Cục Dự trữ quốc gia bộc lộ sự không tương thích cả về nhiệm vụ cụ thể cũng như về tổ chức bộ máy. Với mục tiêu của dự trữ quốc gia trong giai đoạn mới đòi hỏi chức năng quản lý nhà nước của tổ chức quản lý chuyên ngành phải đạt được tính bao quát và rõ ràng hơn. Đối với tổ chức bộ máy cũng phải được tổ chức lại cho có tính hệ thống, chặt chẽ, có đủ các tổ chức chuyên môn để thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước; đồng thời hệ thống tổ chức từ Trung ương đến các vùng chiến lược trên địa bàn cả nước phải bảo đảm luôn có lực lượng dự trữ tại chỗ kịp thời đáp ứng yêu cầu phục vụ khi có biến cố xảy ra; phạm vi quản lý các hoạt động dự trữ phải bảo đảm thực hiện trên bình diện cả nước.

Để đáp ứng yêu cầu đó, cùng với quá trình triển khai Pháp lệnh Dự trữ quốc gia, Cục Dự trữ quốc gia tích cực nghiên cứu thực tiễn vận hành của bộ máy tổ chức hiện tại, xây dựng định hướng tổ chức cho phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Năm 2007, trên cơ sở Nghị định số 178/2007/NĐ-CP của Chính phủ; theo chỉ đạo của Bộ Tài chính, Cục Dự trữ quốc gia triển khai xây dựng đề án kiện toàn và phát triển tổ chức. Ngày 27/11/2008, tại Nghị định số 118/2008/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính, Cục Dự trữ quốc gia đã được đổi tên và nâng cấp thành Tổng cục Dự trữ Nhà nước trực thuộc Bộ Tài chính. Sau 02 năm chuẩn bị, ngày 20/8/2009 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 106/2009/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Dự trữ Nhà nước trực thuộc Bộ Tài chính. Theo đó, chức năng quản lý nhà nước các hoạt động dự trữ nhà nước của Tổng cục Dự trữ Nhà nước, với tư cách là tổ chức quản lý chuyên ngành, được cơ bản hoàn thiện; các nhiệm vụ cụ thể hoá chức năng theo quy định của Pháp lệnh Dự trữ quốc gia đã được rà soát, bổ sung; Tổng cục Dự trữ Nhà nước được tổ chức theo hệ thống dọc với 3 cấp quản lý từ Trung ương đến các vùng chiến lược trên địa bàn cả nước. Cục Dự trữ Nhà nước khu vực, Chi cục Dự trữ Nhà nước có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng tại Kho bạc Nhà nước.

1. Cơ quan Tổng cục Dự trữ Nhà nước tại Trung ương bao gồm:

- Tổ chức hành chính giúp Tổng cục trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước có: Văn phòng Tổng cục, Thanh tra, Cục Công nghệ Thông tin và 06 Vụ chuyên môn.

- Đơn vị sự nghiệp thuộc Tổng cục: Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ dự trữ Nhà nước.

2. Tại địa phương: Có 22 Cục Dự trữ Nhà nước khu vực thuộc Tổng cục Dự trữ Nhà nước và các Chi cục Dự trữ Nhà nước trực thuộc Cục Dự trữ Nhà nước khu vực.

Với việc hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu lại hệ thống tổ chức đã giúp cho Tổng cục Dự trữ Nhà nước có đủ điều kiện thực hiện tốt mục tiêu của tổ chức, thực sự là một trong những công cụ quản lý quan trọng giúp Chính phủ trong công tác điều tiết vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.

Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành 7 quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các tổ chức tham mưu giúp việc Tổng cục trưởng, các Cục Dự trữ Nhà nước khu vực trực thuộc Tổng cục; quy định phạm vi quản lý các hoạt động dự trữ đối với các Cục Dự trữ Nhà nước khu vực; danh mục các Chi cục Dự trữ Nhà nước trực thuộc. Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước cũng đã ban hành 7 quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức các Chi cục Dự trữ Nhà nước, nhiệm vụ của các phòng nghiệp vụ thuộc Vụ, Cục và Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ Dự trữ Nhà nước.

 Theo Quyết định 106/2009/QĐ-TTg của Thủ trướng Chính phủ, Tổng cục Dự trữ Nhà nước có 22 Cục Dự trữ Nhà nước khu vực trực thuộc giúp Tổng cục trưởng quản lý trên phạm vi 63 tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương gồm cả việc thành lập mới 4 Cục Dự trữ Nhà nước khu vực: Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Bắc Tây Nguyên, Cửu Long, Đông Nam Bộ và Hoàng Liên Sơn. Để công tác chuẩn bị về mọi mặt được triển khai đồng bộ, ngày 18/8/2010, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định về việc đưa 2 Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Bắc Tây Nguyên và Cửu Long đi vào hoạt động; ngày 07/9/2012 Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định về việc đưa 2 Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Hoàng Liên Sơn và Đông Nam Bộ đi vào hoạt động.

Bên cạnh việc hoàn thiện tổ chức bảo đảm tính hệ thống, tổ chức bên trong của các Cục Dự trữ Nhà nước khu vực cũng được hoàn thiện, trong đó đáng chú ý là việc hoàn thiện tổ chức của Chi cục Dự trữ Nhà nước. Từ mô hình tổ chức Tổng kho trước đây, nay được tổ chức theo cơ cấu với 2 bộ phận chuyên môn và các kho trực thuộc.

Ngoài các nhiệm vụ trọng tâm về kiện toàn và phát triển tổ chức nói trên, thời gian qua Tổng cục Dự trữ Nhà nước cũng đã tổ chức thực hiện công tác sắp xếp, tinh gọn tổ chức. Từ 106 Tổng kho trước đây đã thưc hiện từng bước sắp xếp lại cho phù hợp với điều kiện và yêu cầu của công tác quản lý. Theo đó, đã sáp nhập 13 Tổng kho và thành lập mới một số Chi cục Dự trữ Nhà nước.

Bên cạnh đó, công tác hợp nhất các đơn vị Dự trữ quốc gia trên địa bàn Hà Nội theo nghị quyết của Quốc hội (Khoá XII) là một trong những điểm nhấn quan trọng trong công tác kiện toàn tổ chức bộ máy của Tổng cục Dự trữ Nhà nước. Năm 2008, trong thời gian 02 tháng, từ tháng 6 đến ngày 01/8/2008, Tổng cục đã xây dựng và triển khai thực hiện tốt phương án hợp nhất các đơn vị dự trữ: Dự trữ quốc gia khu vực Hà Nội và Dự trữ quốc gia khu vực Hà Sơn Bình và 01 Tổng kho dự trữ thuộc Dự trữ quốc gia khu vực Vĩnh Phú thành Dự trữ quốc gia khu vực Hà Nội theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động dự trữ trong điều kiện phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế; sau nhiều năm nỗ lực nghiên cứu, tổng kết thực tiễn xây dựng cơ chế chính sách, ngày 20/11/2012, Luật dự trữ quốc gia đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII với 99,8% số phiếu tán thành. Đây là một thành công rất lớn đối với hoạt động dự trữ quốc gia, là kết quả sự nỗ lực tập trung của toàn ngành, cùng với sự giúp đỡ hiệu quả của các cơ quan đầu ngành, các Bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia.

Luật Dự trữ quốc gia ra đời là một dấu ấn lịch sử trong quá trình không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp luật về dự trữ quốc gia; là cơ sở pháp lý vững chắc cho tổ chức và hoạt động dự trữ quốc gia ngày càng ổn định, phát triển; là văn bản quy phạm pháp luật có tính pháp lý cao nhất điều chỉnh mọi hoạt động liên quan đến lĩnh vực này.

Theo đó, việc phân công quản lý hàng dự trữ quốc gia được quy định như sau:

1. Bộ Tài chính trực tiếp tổ chức quản lý, bảo quản những mặt hàng dự trữ quốc gia đáp ứng yêu cầu về sản xuất, đời sống, cứu hộ, cứu nạn, cứu trợ, phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn.

2. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an trực tiếp tổ chức quản lý, bảo quản những mặt hàng dự trữ quốc gia đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.

3. Chính phủ phân công Bộ, ngành trực tiếp tổ chức quản lý, bảo quản những mặt hàng dự trữ quốc gia khác.

Ngày 28/12/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2091/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển dự trữ quốc gia đến năm 2020; theo đó, mục tiêu của Chiến lược phát triển dự trữ quốc gia đến năm 2020 được xác định cụ thể: “Tăng cường tiềm lực dự trữ quốc gia, đảm bảo đến năm 2015, tổng mức dự trữ quốc gia đạt khoảng 0,8-1% GDP và đến năm 2020 đạt khoảng 1,5% GDP”. Đó là yêu cầu cấp bách và nhiệm vụ đặc biệt quan trọng đặt ra đối với ngành Dự trữ Nhà nước trong giai đoạn tiếp theo, đòi hỏi ngành Dự trữ Nhà nước cần nỗ lực hơn nữa để sẵn sàng đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Đồng thời với việc xây dựng chiến lược, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã tập trung chỉ đạo công tác xây dựng Quy hoạch chi tiết mạng lưới kho dự trữ và hiện đại hóa công nghệ bảo quản hàng DTQG. Căn cứ Quyết định số 94/QĐ-TTg ngày 17/01/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể hệ thống kho Dự trữ Nhà nước đến năm 2020 Tổng cục đã tích cực xây dựng và trình Bộ Tài chính đề án Quy hoạch chi tiết mạng lưới kho Dự trữ Nhà nước, ngày 10/6/2013, Bộ trưởng Bộ Tài chính có Quyết định số 403/QĐ-BTC phê duyệt Quy hoạch chi tiết mạng lưới kho DTNN thuộc Tổng cục Dự trữ Nhà nước đến năm 2020. Theo đó, Tổng cục có nhiệm vụ đẩy mạnh công tác xây dựng cơ sở vật chất, hệ thống kho dự trữ, bảo đảm vừa phải được quy hoạch theo vùng, tuyến chiến lược vừa phải đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa của ngành.

Một số Bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia cũng xây dựng xong quy hoạch chi tiết hệ thống kho của ngành mình.

Chuyên mục